Tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Hà Nội phát triển lên tầm cao mới

(PLVN) - Theo chương trình Kỳ họp, dự kiến đầu phiên họp sáng nay - 28/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội đều kỳ vọng Luật này khi được thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để TP Hà Nội phát triển lên tầm cao mới, xứng đáng là Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Quang cảnh TP Hà Nội.
Quang cảnh TP Hà Nội.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) đánh giá, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội một cách rất chất lượng. Với các cơ chế, chính sách được quy định tại dự thảo Luật, Đại biểu cho rằng Thủ đô sẽ có một bước phát triển rất đột phá trong thời gian tới. “Không chỉ có ý nghĩa riêng cho Thủ đô mà những cơ chế, chính sách này sẽ là những kinh nghiệm cho các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển của mình”, Đại biểu nói.

Đại biểu Khương Thị Mai (Đoàn Nam Định) cũng ghi nhận, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều nội dung thể hiện tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP Hà Nội trên một số lĩnh vực, thể chế hóa kịp thời chỉ đạo, kết luận của Trung ương và của Bộ Chính trị. Ví dụ như khoản 3 Điều 9 dự thảo Luật quy định HĐND TP được chủ động hơn trong việc thành lập các ban của HĐND TP; giao HĐND TP một số thẩm quyền như quyết định việc thành lập mới, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND TP…

Nhất trí với quy định tại dự thảo Luật, Đại biểu cho rằng việc phân cấp, phân quyền này là cơ sở pháp lý và để chính quyền TP Hà Nội chủ động, quyết liệt hơn trong việc đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để đảm đương các nhiệm vụ, quyền hạn được giao như yêu cầu của Bộ Chính trị.

Đồng thời, Đại biểu cũng tán thành việc cho phép TP Hà Nội thực hiện thí điểm, tạo lập quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học - công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học - công nghệ của TP nhằm hỗ trợ, thúc đẩy, đổi mới, sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học - công nghệ.

Qua thảo luận, nhiều đại biểu cũng tán thành với quy định tại khoản 2 Điều 17 dự thảo Luật, theo đó quy định, tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cho phép xây dựng các tuyến đê mới dọc theo hành lang thoát lũ để khai thác hiệu quả quỹ đất xây dựng. Trong khu vực hành lang thoát lũ được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu và được phép xây dựng mới với tỷ lệ thích hợp theo quy hoạch phòng, chống lũ được duyệt.

Tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật

Tại buổi họp báo của UBND TP Hà Nội vừa diễn ra, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn UBND TP Trương Việt Dũng khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị TP Hà Nội đã phối hợp với các Bộ, ngành dày công nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét.

Theo ông Trương Việt Dũng, đây là dự thảo Luật vô cùng quan trọng, khắc phục các quy định còn có tính chất “luật khung, luật ống” trước đây. “Dự thảo Luật đến thời điểm này được quy định rất cụ thể, gắn với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065”, ông Trương Việt Dũng nhấn mạnh, đồng thời cho rằng chưa bao giờ Thủ đô Hà Nội đứng trước cơ hội, tiềm năng và lợi thế như hiện nay.

Thông tin về công tác triển khai Luật sau khi được Quốc hội thông qua, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, với dự kiến hơn 80 nội dung giao TP Hà Nội triển khai, TP đã chuẩn bị các nội dung từ nhiều tháng trước. Đến khi Luật được thông qua, TP sẽ triển khai ngay các nội dung thi hành Luật.

Đọc thêm