Cách nào để lĩnh vực này phát huy hiệu quả, tạo đà bứt phá trở thành ngành kinh tế mũi nhọn? Ông Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế trao đổi với PLVN về vấn đề này.
Mục tiêu du lịch chiếm 55% GDP
Thưa ông, Bộ Chính trị xác định, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030. Xin ông cho biết những mục tiêu cụ thể mà tỉnh đặt ra?
- Trong nhiều năm qua, Thừa Thiên Huế luôn quan tâm, huy động nhiều nguồn lực từ Trung ương, địa phương và các nguồn lực đầu tư trong xã hội để thúc đẩy phát triển ngành Du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa, di sản; du lịch sinh thái; du lịch tâm linh… Chúng tôi xác định phát triển du lịch phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển du lịch các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và các trung tâm du lịch lớn như TP.HCM, Hà Nội..., khu vực ASEAN. Phấn đấu đến năm 2020, ngành Du lịch Thừa Thiên Huế cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Mục tiêu đặt ra từ nay đến năm 2020: Du lịch - dịch vụ đóng góp trên 55% GDP của tỉnh. Thu hút trên 5 triệu lượt khách, trong đó, 3 - 3,5 triệu lượt khách lưu trú; khách quốc tế phấn đấu đạt 2,5 triệu lượt. Doanh thu du lịch đạt khoảng 6.000 tỷ đồng.
Để đạt được những mục tiêu đó, tỉnh sẽ triển khai những nhiệm vụ và giải pháp gì?
- Nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng.
Trước hết, phải giải quyết tốt các mối quan hệ giữa phát triển du lịch với phát triển công nghiệp, nông nghiệp; gắn phát triển du lịch với văn hóa và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ mang bản sắc văn hóa Huế.
Đồng thời xây dựng chính sách ưu đãi, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, nhất là những nhà đầu tư có thương hiệu như: Banyan Tree, Vingroup, Bitexco, BRG, Hilton, Hyatt, Marriott, InterContinental... Tập trung kêu gọi các nhà đầu tư và huy động các nguồn lực để nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; xây dựng đê chắn sóng cảng Chân Mây và cảng biển du lịch quốc tế tại khu Chân Mây.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu: “Tỉnh huy động các nhà đầu tư có thương hiệu như Banyan Tree, Vingroup, Bitexco, Hilton, Hyatt, Marriott... tham gia xây dựng hạ tầng du lịch Huế” |
Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung vào những lĩnh vực cụ thể nào, thưa ông?
- Tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt bốn vấn đề trọng tâm:
Một là, phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ có thương hiệu và đẳng cấp
Theo đó, chiếu sáng nghệ thuật và khai thác các dịch vụ ở khu vực Đại Nội vào ban đêm theo hướng tái hiện không gian văn hoá Cung đình, kết hợp với việc tổ chức: đêm Hoàng Cung, thưởng thức yến tiệc Cung đình, khám, chữa bệnh Đông y, các trò chơi Cung đình... Xây dựng tour, tuyến du lịch đường thủy dọc sông Hương kết hợp thưởng thức ẩm thực; đồng thời, phát triển dịch vụ 2 bên bờ sông Hương. Đầu tư xây dựng hình thành trung tâm mua sắm cao cấp, dịch vụ vui chơi, giải trí, phố ẩm thực ở thành phố Huế...
Hai là, đầu tư nguồn lực cho công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch. Xây dựng chiến lược xúc tiến, quảng bá theo hướng hiệu quả, thiết thực.
Ba là, phủ sóng Internet toàn bộ thành phố Huế để phục vụ du khách tìm kiếm thông tin. Chấm dứt tình trạng ăn xin, đeo bám, chèo kéo du khách. Tăng cường kiểm tra việc các cơ sở kinh doanh dịch vụ niêm yết giá dịch vụ; xử lý kịp thời việc tranh giành, chèo kéo du khách.
Bốn là, tập trung huy động nguồn lực, xúc tiến và kêu gọi đầu tư xây dựng hoàn thành các đề án, dự án trọng điểm: kết nối giao thông Huế với Thuận An, Vinh Thanh, Vinh Xuân… để gắn du lịch di sản với du lịch biển, đầm phá... Tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ dự án Casino ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Liên kết du lịch với các tỉnh miền Trung đã được tỉnh xác định từ nhiều năm, nhưng nhiều ý kiến cho rằng sự liên kết này chưa thực sự hiệu quả?
- Trong những năm qua, Thừa Thiên Huế đã luôn chủ động kết nối các đô thị di sản để phát triển kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực du lịch, đã hình thành các tour, tuyến nhằm khai thác lợi thế của đô thị di sản vùng như “Con đường di sản miền Trung”, kết nối các di sản vật thể và phi vật thể từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Bước đầu đem lại một số hiệu quả nhất định.
Điều mà dư luận quan tâm chúng tôi vẫn thẳng thắn thừa nhận. Bên cạnh những kết quả đã đạt, sự liên kết giữa các địa phương vẫn còn một số hạn chế như hạ tầng kết nối các di sản chưa đáp ứng yêu cầu. Sản phẩm du lịch, dịch vụ chưa đa dạng, chất lượng chưa cao. Doanh nghiệp du lịch quy mô vẫn còn nhỏ. Hoạt động quảng bá, xúc tiến, tìm kiếm, khai thác thị trường còn thiếu đồng bộ và chưa chủ động. Tuy vậy, chúng tôi tin tưởng rằng, trong thời gian đến, du lịch Huế nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung sẽ có những bước khởi sắc thực sự, đưa Nghị quyết của Bộ Chính trị đi vào thực tiễn.
Khuyến khích doanh nghiệp đa dạng loại hình, sản phẩm du lịch
Thừa Thiên xác định năm 2017 là “Năm Doanh nghiệp”, vậy tỉnh sẽ làm gì để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển?
- Để làm tốt điều này, chúng tôi sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hoá các loại hình, sản phẩm du lịch.
Tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Nâng cao vai trò của cộng đồng, xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch.
Bên cạnh đó, chú trọng và nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nhất là đội ngũ quản lý khách sạn, xúc tiến, quảng bá, lữ hành quốc tế, hướng dẫn viên... Đồng thời, có những cơ chế, chính sách thoả đáng để thu hút đội ngũ cán bộ quản lý, các chuyên gia trong ngành Du lịch.
Trân trọng cám ơn ông!
Đẩy nhanh tiến độ Dự án Casino ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô
Tình Thừa Thiên Huế đang tập trung huy động nguồn lực, xúc tiến và kêu gọi đầu tư xây dựng hoàn thành các đề án, dự án trọng điểm: kết nối giao thông Huế với Thuận An, Vinh Thanh, Vinh Xuân… để gắn du lịch di sản với du lịch biển, đầm phá... Tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ Dự án Casino ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.