Triển khai đồng bộ, thường xuyên các giải pháp quản lý đô thị, bảo đảm kiến trúc cảnh quan, tạo diện mạo mới cho các đô thị, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố là một trong những giải pháp chủ yếu thực hiện mục tiêu phấn đấu để Hải Phòng cơ bản trở thành thành phố công nghiệp văn minh, hiện đại trước năm 2020 như dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội 14 Đảng bộ thành phố xác định.
Để góp phần tích cực thực hiện mục tiêu trên, ngành Xây dựng thành phố trong những tháng cuối năm nay và nhiệm kỳ 2010-2015 tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, thực hiện tốt chương trình hành động của thành phố với việc cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể của ngành. Đồng thời chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, dịch vụ của các doanh nghiệp trong ngành, thu hút đầu tư vào thành phố, góp phần hạn chế suy thoái kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội…Trong đó, thoát nước đô thị và vùng ven là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu. Bởi những tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng rõ rệt, tình trạng ngập lụt ở các đô thị lớn, đô thị ven biển khó tránh khỏi và có xu hướng ngày càng trầm trọng, Hải Phòng không nằm ngoài ảnh hưởng này.
|
Đô thị Hải Phòng được quy hoạch, xây dựng ngày càng hiện đại. Ảnh: Duy Thính |
Cùng với đó là tốc độ đô thị hóa nhanh trong khi tốc độ đầu tư đối với hạ tầng đô thị không theo kịp. Bên cạnh đó ý thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, thường xuyên vứt rác xuống các hồ, kênh, mương thoát nước, thậm chí lấn chiếm mương. Việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này còn chồng chéo, bất cập, chưa thống nhất một mối, trong đó, riêng ngành Xây dựng có các đơn vị như: Công ty TNHH MTV Thoát nước, Công ty TNHH MTV công trình công cộng và xây dựng, Công ty TNHH MTV công cộng và dịch vụ du lịch, rồi các Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị, Ban quản lý dự án JICA…Chỉ riêng kênh thoát nước An Kim Hải dài khoảng 6km có tới 2-3 chủ đầu tư. Vì vậy, cần có quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước thành phố, ưu tiên đầu tư kinh phí nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thoát nước. Tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức rõ nguy cơ của việc lấn chiếm kênh, mương thoát nước, vứt rác thải xuống mương, hồ làm cản trở dòng chảy…Trong tương lai, cần có hệ thống đê ngăn nước triều dâng, nước biển dâng và đầu tư hệ thống bơm để đưa nước ra ngoài.
Nhiệm vụ khác đang được ngành tập trung cao là triển khai Quyết định 1448 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chung quy hoạch thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Thời gian qua, các đơn vị chức năng đã nghiên cứu 14 đồ án quy hoạch, trong đó, quy hoạch các quận, huyện Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân, Đồ Sơn, Dương Kinh, Tiên Lãng, Thủy Nguyên, Cát Hải đang được điều chỉnh và tiếp tục điều chỉnh quy hoạch các quận, huyện còn lại trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu của đô thị loại 1- trung tâm cấp quốc gia. Bên cạnh đó, ngành đang khẩn trương nghiên cứu các quy hoạch: khu đô thị Bắc Sông Cấm, khu đô thị công nghiệp và dịch vụ VSIP, sân bay quốc tế Tiên Lãng, khu đô thị mới Đồ Sơn quy mô 650ha, khu đô thị Tràng Cát, quy hoạch chất thải rắn. Nghiên cứu quy hoạch mới Đồ Sơn, Cát Bà…để xây dựng Đồ Sơn, Cát Bà thành khu du lịch cấp quốc gia, quốc tế. Ngành báo cáo thành phố lập quy hoạch và thiết kế đô thị tuyến đường Hồ Sen-Cầu Rào 2 và dải trung tâm thành phố. Trong đó, tại khu vực đô thị chú ý quy hoạch mạng lưới giao thông các quận, xem xét quy hoạch mở thêm một số tuyến đường mới, tạo thành các đường xương cá; mở rộng các nút giao thông ngã ba, ngã tư, ngã năm, tạo thêm các cầu vượt hợp lý…, từng bước giảm ách tắc giao thông. Mặt khác, trong quá trình duyệt thiết kế các dự án đầu tư công trình, ngành lưu ý các nhà đầu tư về việc bảo đảm các bãi đỗ xe cũng như quản lý chặt chẽ các bãi đỗ xe này. Trong những năm tới, sẽ nghiên cứu, đề xuất làm vỉa hè, mở rộng hè một số tuyến đường như: Tô Hiệu, Lạch Tray, Đà Nẵng, Trần Nguyên Hãn…tạo thuận lợi cho người dân đi lại, góp phần giảm tắc nghẽn giao thông và chỉnh trang đô thị.
Cũng trong chương trình, kế hoạch cải thiện diện mạo đô thị, đối với các khu chung cư cũ, xuống cấp, ngành đang nghiên cứu, tham mưu thành phố có cơ chế thích hợp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng lại các chung cư cũ, hình thành các chung cư nhiều tầng, bổ sung quỹ nhà và chỉnh trang đô thị. Mặt khác, ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa”, tạo điều kiện thuận lợi trong cấp phép xây dựng đối với tổ chức và công dân, bảo đảm xây dựng theo quy hoạch. Đồng thời, chấn chỉnh, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành về trật tự xây dựng đô thị với nhiều biện pháp phù hợp, trong đó có việc luân chuyển lực lượng thanh tra. Thực tế công tác này thời gian qua cho thấy, lực lượng thanh tra chuyên ngành phát hiện và xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, thu phạt hơn 950 triệu đồng, gấp hơn 80 lần so với 6 tháng đầu năm, góp phần quan trọng trong việc quản lý quy hoạch, quản lý kiến trúc trong lĩnh vực xây dựng thành phố.
Cùng với các nhiệm vụ thường xuyên, ngành Xây dựng Hải Phòng quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chương trình, kế hoạch được giao, góp phần cùng thành phố thực hiện tốt mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.
Lê Khắc Nam
Thành ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng