Cùng tham dự Hội nghị cập nhật thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế năm 2023 có ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế; ông Lê Thanh Hòa - Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Mai Văn Huỳnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lê Quốc Anh - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp; Văn phòng UBND tỉnh; trực tuyến với 15 huyện, thành phố.
Quang cảnh Hội nghị. |
Qua hơn 30 năm đổi mới, đặc biệt từ khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là dấu mốc quan trọng trong việc thực hiện nhất quán chủ trương về hội nhập quốc tế trên cơ sở “mở cửa” nền kinh tế và phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, các FTA thế hệ mới đã đi vào thực thi những năm gần đây như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP,… đang mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa cũng như có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng.
Trong năm 2022 hoạt động kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các Thành viên CPTPP đạt khoảng 104,5 tỷ USD, tăng khoảng 14,3% so với năm 2021. Các mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam là hàng dệt may đạt 6,3 tỷ USD, tăng 185,14%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác, tăng 152,97%; giày dép đạt 2,9 tỷ USD, tăng 51,74%;… Hoạt động xuất sang thị trường các nước đối tác mà Việt Nam chưa có FTA, trước đó xuất sang các nước như Canada, Mexico cũng có kim ngạch tăng trưởng mạnh mẽ; trong năm 2022, Việt Nam thu hút khoảng 11,5 tỷ USD tổng vốn đầu tư từ các nước CPTPP, tăng 2,6 tỷ USD so với năm 2021. Số dự án cấp mới đạt 577, tăng 77 dự án so với năm 2021. Các Thành viên CPTPP có tổng vốn đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất là Singapo, với 6,4 tỷ USD, Nhật Bản với 4,7 tỷ USD.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh chia sẽ: Thời gian qua, Kiên Giang đã ký kết quan hệ hợp tác, hữu nghị với 12 địa phương và 02 trường đại học nước ngoài của 06 quốc gia là các tỉnh: Kép, Kam-pốt, Preah Sihanouk, Koh Kong, Phnôm Pênh (Campuchia); Salavan (Lào); tỉnh Tự trị đặc biệt Jeju (Hàn Quốc); thành phố Lorient (Pháp); thành phố Kobe và tỉnh Yamaguchi (Nhật Bản); tỉnh Trat và Chanthaburi (Thái Lan) hợp tác trên hầu hết các lĩnh vực như an ninh, quốc phòng, đầu tư, thương mại, du lịch, nông nghiệp, thủy sản, môi trường, văn hóa, giáo dục, y tế; kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của tỉnh đạt 802 triệu USD, trong đó: Một số mặt hàng có kim ngạch lớn như Gạo đạt 176,32 triệu USD; thủy sản đạt 280,95 triệu USD; giày da đạt 164,21 triệu USD,… với thị trường xuất khẩu qua 50 quốc gia, vùng lãnh thổ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 155 triệu USD. Trong 06 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 410 triệu USD, đạt 47,67% kế hoạch, tăng 1,18% so với cùng kỳ; với 40 thị trường xuất khẩu, giảm 4 thị trường. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 78 triệu USD, đạt 48,75% kế hoạch, tăng 5,23% so với cùng kỳ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Trước những kết quả đạt được của Kiên Giang, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và các diễn giả đã chia sẻ những thông tin về những xu thế mới của hội nhập kinh tế quốc tế, định hướng và chính sách hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới. Đồng thời thông tin về tình hình triển khai các Chương trình hành động thực thi các Hiệp định như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA về khai thác cơ hội và giảm thiểu thách thức; các khuyến nghị đối với tỉnh Kiên Giang.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ những thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế. |
Qua những thông tin được chia sẻ tại Hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang kỳ vọng sẽ có thêm nhiều kết quả khả quan trong triển khai thực hiện công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong năm 2023 và những năm tiếp theo để thúc đẩy sự hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế của Kiên Giang.