Đánh giá chung về tình hình kinh doanh quý 1/2018, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết: “Masan Consumer, Masan Resources và Techcombank đều đạt được kết quả xuất sắc. Khủng hoảng giá heo dường như đã ở phía sau, nhưng quan trọng hơn, chúng tôi đã vượt hơn nửa chặng đường trong hành trình mang đến sản phẩm thịt có thương hiệu trong Quý 4/2018”.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2018 của Masan Group, doanh thu thuần của đơn vị này đạt 8.274 tỷ đồng; lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông tăng 3,4 lần lên mức 816 tỷ đồng.
Riêng doanh thu thuần của Masan Consumer Holdings đạt 3.586 tỷ đồng trong Quý 1/2018 (tăng trưởng 78,3%). Còn Masan Nutri-Science (MNS) bị ảnh hưởng do giá heo thấp trong Quý 1/2018. Triển vọng nửa cuối năm 2018, giá heo sẽ tăng trở lại đạt mức 40.000 đồng/kg. Theo phân tích của Masan, với mức giá này, người nông dân sẽ có được lợi nhuận cao hơn và sẽ bắt đầu đầu tư trở lại. Sản lượng thức ăn cho heo được kỳ vọng sẽ tăng trở lại do người chăn nuôi bắt đầu cho heo ăn đầy đủ trở lại và chuyển sang mô hình chăn nuôi hiệu suất cao.
Trong bối cảnh giá heo hồi phục, sản phẩm Bio-zeem của MNS sẽ được lợi. Masan kỳ vọng, thị phần dòng sản phẩm cao cấp Bio-zeem “Đỏ” sẽ tăng trở lại do nông dân chuyển sang các sản phẩm thức ăn chăn nuôi cao cấp với năng suất cao hơn. Trong khi đó, dòng sản phẩm Bio-zeem “Xanh” sẽ thúc đẩy nông dân chuyển đổi từ thức ăn chăn nuôi tự trộn và quay lại sử dụng các sản phẩm thức ăn chăn nuôi hiệu suất cao.
Vào tháng 12/2017, trang trại chăn nuôi heo kỹ thuật cao của MNS tại Nghệ An chính thức đi vào hoạt động, với công suất lên đến 250.000 heo thịt/năm. Với việc khởi công xây dựng tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam vào Quý 1/2018 và tuyển dụng nhân sự chủ chốt mới cho nền tảng thịt có thương hiệu, MNS sẽ tung ra các sản phẩm thịt có thương hiệu đến người tiêu dùng vào Quý 4/2018.
Một công ty con khác của Tập đoàn Masan là Masan Resources (MSR) trong quý 1 đạt tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận ấn tượng nhờ vào giá vonfram tăng cao và hiệu quả hoạt động được cải thiện. Theo đó, doanh thu thuần của MSR tăng trưởng 26,5%, đạt 1.487 tỷ đồng trong Quý 1/2018 so với 1.176 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, nhờ vào giá vonfram tăng cao. Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của MSR tăng 168,3% lên mức 117 tỷ đồng trong Quý 1/2018. Theo đánh giá của Masan, thời gian tới giá vonfram sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.
Trong quý 1/2018, MSR đã ký hợp đồng mua 300 tấn tinh quặng vonfram từ bên thứ ba. MSR đặt mục tiêu tăng cường thu mua tinh quặng vonfram từ nhiều nguồn bên ngoài Núi Pháo để thỏa mãn nhu cầu tăng cao của thị trường. Công ty liên doanh HCS do Núi Pháo sở hữu 51% vốn đạt lợi nhuận thuần sau thuế là 103 tỷ đồng trong Quý 1/2018. EBITDA trong Quý 1/2018 là 154 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Một mảng kinh doanh khác của Masan là ngân hàng Techcombank (TCB). Đơn vị này đạt lợi nhuận trước thuế 2.569 tỷ đồng trong Quý 1/2018, tăng gấp đôi so với mức 1.325 tỷ đồng trong Quý 1/2017. Tại Đại Hội đồng Cổ đông Thường niên, cổ đông của Techcombank đã thông qua kế hoạch đạt lợi nhuận trước thuế 10.000 tỷ đồng, tăng 24,4% so với năm 2017. Tỷ lệ sở hữu của Masan tại Techcombank hiện nay là 15%, mức giới hạn tối đa về sở hữu của một tổ chức tại một ngân hàng.
Giữa tháng 3/2018, Tập đoàn Masan điều chỉnh kế hoạch doanh thu năm 2018 cao hơn so với kế hoạch cũ. Theo đó, Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2018 là 47.000 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với mục tiêu cũ. Kế hoạch lợi nhuận cũng tăng từ 3.400 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Lãnh đạo Masan lạc quan vào việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh bởi lợi nhuận thuần sau phân bổ cổ đông thiểu số cao hơn gấp 3 lần tăng trưởng doanh thu thuần.