Hoạt động này được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, với đóng góp tài chính từ UNICEF và UNDP; Cục Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế, Bộ Ngoại giao, Mỹ
Phát biểu khai mạc, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đặng Kim Hoa cho biết, vấn đề trẻ em vi phạm pháp luật xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Do nhận thức về pháp luật hạn chế nên trẻ em dù vi phạm pháp luật hay là nạn nhân của vi phạm pháp luật đều là đối tượng yếu thế trong xã hội và cần nhận được sự hỗ trợ pháp lý tốt hơn so với người trưởng thành thông thường.
Hiện nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong nước cũng như một số điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về việc bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp cho người yếu thế trong đó có trẻ em. Việc hỗ trợ pháp lý cho nhóm đối tượng này có nhiều đặc thù so với đối tượng thông thường khác, đòi hỏi người hỗ trợ pháp lý ngoài kỹ năng thông thường cần phải có thêm kiến thức, hiểu biết về đặc thù riêng có của các nhóm đối tượng này.
Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến việc làm sao để mọi người dân, tổ chức doanh nghiệp có khả năng tiếp cận với dịch vụ pháp lý nói chung và việc hỗ trợ pháp luật cho nhóm đối tượng yêu thế nói riêng. Trong đó đã yêu cầu LS phải tăng cường trách nhiệm xã hội của mình, mang pháp luật đến cho những người yếu thế, trong đó có trẻ em.
Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đặng Kim Hoa phát biểu khai mạc. |
Bên cạnh LS, nhà nước cũng đã xây dựng hành lang pháp lý để giúp TVVPL và trợ giúp viên pháp lý thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ pháp lý cho nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, trẻ em là một trong các đối tượng đặc biệt được ưu tiên.
Để triển khai chủ trương của Đảng, Nhà nước, với sự hỗ trợ của Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, với đóng góp tài chính từ UNICEF, UNDP và sự tài trợ bởi Cục Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế, Bộ Ngoại giao, Mỹ, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Dự án EU JUNE và UNICEF tổ chức lớp tập huấn ngày hôm nay về vai trò của LS trong tăng cường tiếp cận tư pháp cho NCTN vi phạm pháp luật.
Lớp tập huấn do bà SHELLEY CASEY, chuyên gia Dự án, chuyên gia bảo vệ trẻ em, người có nhiều kinh nghiệm trong Hỗ trợ xây dựng chính sách/pháp luật, nghiên cứu, đánh giá, tập huấn, thiết kế dự án ở nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời cũng là LS có kinh nghiệm tranh tụng tại Canada và Nam Phi.
“Đây là cơ hội tốt để chúng ta chia sẻ, lắng nghe các kinh nghiệm, kỹ năng mà bà SHELLEY CASEY mang lại. Tôi tin chắc rằng với thời lượng 3 ngày làm việc chắc chắn sẽ có nhiều chia sẻ bổ ích để chúng ta để áp dụng, thực hành trong hoạt động hành nghề”, bà Hoa nói.
Ban Tổ chức, chuyên gia, luật sư, tư vấn viên pháp lý... chụp ảnh lưu niệm. |
Phát biểu tại Lớp tập huấn, bà Nguyễn Thanh Trúc – Chuyên gia bảo vệ trẻ em của UNICEF cho biết, trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong việc lồng ghép tư pháp cho NCTN vào tiến trình cải cách tư pháp và luật pháp của đất nước. Đặc biệt phải kể đến việc hình thành Tòa gia đình và NCTN với tư cách là tòa chuyên trách cho NCTN và những nỗ lực xây dựng Luật tư pháp NCTN.
Để pháp luật có thể đi vào cuộc sống, đem lại sự thay đổi có ý nghĩa cho NCTN thì công tác thi hành pháp luật đóng vai trò rất quan trọng. Đặc biệt, cần tăng cường năng lực cho các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, trợ giúp viên pháp lý, LS, và các cán bộ phúc lợi xã hội có ý nghĩa thiết yếu.
Nhận thức được điều đó, trong những năm vừa qua, UNICEF đã đồng hành cùng Chính phủ hỗ trợ nhiều nỗ lực nâng cao năng lực về tư pháp NCTN thông qua việc xây dựng các chương trình tập huấn cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, LS đang đương nhiệm cũng như lồng ghép tư pháp cho NCTN vào chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo luật và đào tạo nghề luật.
Bà Nguyễn Thanh Trúc – Chuyên gia bảo vệ trẻ em của UNICEF phát biểu tại Lớp tập huấn. |
“Lớp tập huấn hôm nay là sự tiếp nối, giúp mọi người hiểu sâu sắc hơn về những đặc trưng trong quá trình phát triển của người sắp thành niên và tác động của quá trình này tới các hành vi vi phạm pháp luật của các em”, bà Trúc nói và cho biết đây cũng là cơ hội để thảo luận sâu về quyền được bào chữa và trợ giúp pháp lý thân thiện của NCTN, đồng thời trang bị những kỹ năng cơ bản để giao tiếp với thân chủ là NCTN.
Lớp tập huấn cũng đi sâu tìm hiểu vai trò của LS trong việc bảo vệ và đại diện cho NCTN phạm tội trong suốt quá trình tố tụng, từ điều tra, chuẩn bị xét xử, xét xử, thậm chí kể cả sau khi vụ án đã được xét xử xong. “Chúng tôi kỳ vọng rằng những kiến thức và kỹ năng thu được sẽ giúp mọi người làm tốt vai trò của mình trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ NCTN, khi các em phải tham gia vào hệ thống tư pháp”, bà Trúc nói./.