Tập huấn về phòng, chống bạo lực gia đình

 Cuối tuần qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước TP. Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ TGPL cho chuyên viên và cộng tác viên về chuyên đề “Luật phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ)”.

Cuối tuần qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước TP. Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ TGPL cho chuyên viên và cộng tác viên về chuyên đề “Luật phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ)”.

Báo cáo viên của chuyên đề - Luật sư Bùi Kiến Quốc đã phân tích 9 hành vi BLGĐ được quy định trong Luật, gồm: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; Cưỡng ép quan hệ tình dục; Cưỡng ép tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở…

Các hành vi này được áp dụng không chỉ đối với các thành viên trong gia đình mà còn với cả thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng.

Theo Luật, ngoài các hành vi BLGĐ nêu trên, các hành vi sau đây cũng bị nghiêm cấm: cưỡng bức, kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi BLGĐ; sử dụng, truyền bá thông tin, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động BLGĐ; trả thù, đe dọa trả thù người giúp đỡ nạn nhân BLGĐ, người phát hiện, báo tin, ngăn chặn hành vi BLGĐ; cản trở việc phát hiện, khai báo và xử lý hành vi BLGĐ; lợi dụng hoạt động PCBLGĐ để trục lợi hoặc thực hiện hoạt động trái pháp luật; dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi BLGĐ.

Luật cũng dành hẳn 1 chương với 13 điều quy định về bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ. Trong đó, nêu rõ 8 biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân là phát hiện, báo tin về BLGĐ; ngăn chặn, bảo vệ; cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã; cấm tiếp xúc theo quyết định của Tòa án; giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc; chăm sóc nạn nhân tại cơ sở khám chữa bệnh; tư vấn cho nạn nhân; hỗ trợ khẩn cấp các nhu cầu thiết yếu. Để được chăm sóc, tư vấn, tạm lánh, hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác, nạn nhân BLGĐ có thể tìm đến các cơ sở trợ giúp như cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, cơ sở tư vấn về PCBLGĐ và địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.

Tuy nhiên, LS Quốc nhấn mạnh: Để PCBLGĐ hiệu quả, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải tích cực phòng ngừa. Cùng với đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và tư vấn, góp ý, phê bình trong cộng đồng, phải đề cao vai trò của công tác hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình. Việc  hòa giải trước hết phải được gia đình, dòng họ tiến hành rồi nếu thành viên gia đình có yêu cầu thì cơ quan, tổ chức sẽ vào cuộc. Bên cạnh đó không thể không kể tới “tiếng nói” đã được khẳng định của tổ chức hòa giải ở cơ sở.

Doãn Sơn

Đọc thêm