Giải quyết kiến nghị của cử tri đạt tỷ lệ cao
Theo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của HĐND tỉnh, nhìn chung, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đại biểu HĐND các cấp đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tăng cường học tập, nghiên cứu để khẳng định vai trò, nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu. Tại các kỳ họp, đại biểu đã tích cực tham gia ý kiến, thảo luận các nội dung trình tại kỳ họp.
Trong hoạt động chất vấn, đại biểu đã thẳng thắn đặt câu hỏi về những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà đại biểu và cử tri quan tâm. Một số đại biểu đã kiên trì đeo bám vấn đề đã chất vấn, kiến nghị đến khi có kết quả, thể hiện tâm huyết trong hoạt động dân cử, đóng góp tích cực cho hoạt động của HĐND tỉnh, tạo niềm tin tưởng của cử tri vào HĐND. Qua đó vai trò, vị thế của cơ quan dân cử ở địa phương được khẳng định và tăng cường.
Nhiệm kỳ qua, thông qua hoạt động giám sát, HĐND tỉnh đã nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động của các địa phương, đơn vị, trên cơ sở đó đã đánh giá đúng những kết quả đạt được và những khuyết điểm, hạn chế, vướng mắc của các địa phương, đơn vị. Từ đó, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm của Nhân dân trong nhận thức và thực thi pháp luật, tạo sự đồng thuận trong việc triển khai thực hiện các dự án, các quy định, chủ trương chính sách của Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, giúp cho UBND nhận định, đánh giá khách quan về kết quả đã đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế để bổ sung kịp thời các biện pháp khắc phục nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý điều hành của UBND.
Cử tri Đà Lạt nêu ý kiến tại một buổi tiếp xúc với Đại biểu HĐND tỉnh. |
HĐND tỉnh cũng thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri và Nhân dân, lấy hiệu quả công việc và sự tín nhiệm của Nhân dân làm thước đo gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND đã có nhiều cải tiến, không tập trung ở huyện mà về cấp xã và tận thôn, tổ dân phố nên cử tri có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn.
Trong nhiệm kỳ, HĐND các cấp tiếp nhận 32.974 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri; tỷ lệ giải quyết đạt khoảng 83,12%. Thường trực HĐND tỉnh tiếp nhận và xử lý 1760/1760 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Phần lớn đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị thuộc lĩnh vực tranh chấp, thu hồi đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng (61,9%) và lĩnh vực tư pháp (17,6%).
Thường trực HĐND tỉnh có công văn chuyển đơn, đôn đốc, yêu cầu hoặc kiến nghị phúc tra và đều được các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết, phản hồi cụ thể. Tuy vậy, Thường trực HĐND buộc phải xếp lưu 657 đơn vì không đủ điều kiện xử lý theo pháp luật, trăn trở băn khoăn dù họ chưa cung cấp đủ thông tin để chứng minh những điều mình còn bức xúc, nhưng để cử tri phải cất công làm đơn phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo là việc chẳng đặng đừng.
Tập trung cao độ cho dự án cao tốc kết nối Đồng Nai- Lâm Đồng
Phát biểu bế mạc kỳ họp, ông Đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã xem xét, thống nhất thông qua 10 nghị quyết. Những nghị quyết mà HĐND tỉnh quyết nghị rất quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, làm tiền đề, động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021- 2025 của tỉnh, nhất là đã thông qua phương án đầu tư Dự án đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Dự án này là kỳ vọng rất lớn của chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà.
Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng đề nghị, sau kỳ họp này, UBND tỉnh tập trung cao độ, khẩn trương chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp với các bộ ngành của Trung ương, Ban Chỉ đạo dự án đường cao tốc của Tỉnh ủy hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Dự án để làm cơ sở triển khai các công việc tiếp theo đảm bảo tiến độ như kế hoạch đề ra.
Khẩn trương phân bổ kinh phí phục vụ cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ủy ban bầu cử các cấp tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ về công tác bầu cử, đảm bảo an ninh, an toàn và đúng quy định của pháp luật.
UBND tỉnh, các ngành, các cấp triển khai ngay công tác đầu tư xây dựng cơ bản các dự án, công trình đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và bố trí vốn kế hoạch đầu tư công; tăng cường công tác quản lý, thực hiện có lộ trình, hiệu quả quy hoạch chung thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040, để phát triển thành phố Bảo Lộc trở thành đô thị loại II vào năm 2025 và tiếp tục xây dựng thành phố tiệm cận đô thị loại I vào năm 2040; xây dựng thành phố trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đồng thời, triển khai nhanh các nghị quyết khác mà HĐND tỉnh đã thông qua, kịp thời đáp ứng công tác điều hành, chỉ đạo của tỉnh.
Các cấp, các ngành cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; thực hiện tốt mục tiêu “kép” vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội, không được lơ là, chủ quan.
Trong nhiệm kỳ, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, nhưng HĐND tỉnh cùng với các cơ quan trong hệ thống chính trị đã nỗ lực không ngừng, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của HĐND tỉnh.
Kinh tế tiếp tục phát triển, quy mô và chất lượng nền kinh tế ngày càng nâng cao theo hướng bền vững. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm trong giai đoạn từ 2016 - 2020 đạt 6,83%. Quy mô GRDP tăng 1,6 lần; GRDP bình quân đầu người đạt 71,2 triệu đồng/người/năm 2020, (tương đương 3.053 USD), cao hơn bình quân cả nước. Thu hút 198 dự án đầu tư với số vốn đăng ký 16.299,7 tỷ đồng.
Toàn tỉnh có 5/10 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới (Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Teh, Cát Tiên, Lâm Hà), 104/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,35%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn khoảng 3,58%.