Tập trung liên kết đào tạo, đào tạo bác sĩ y học biển tài năng

Phát triển nguồn nhân lực y tế vừa nằm trong tổng thể phát triển hệ thống y tế, vừa nằm trong chiến lược phát triển nguồn lực con người của đất nước.

Phát triển nguồn nhân lực y tế vừa nằm trong tổng thể phát triển hệ thống y tế, vừa nằm trong chiến lược phát triển nguồn lực con người của đất nước. Phát triển nguồn nhân lực y tế phải đi trước nhu cầu xã hội dựa trên những dự báo về nhu cầu cũng như khả năng tài chính và kỹ thuật trong cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Việc đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng, trong đó có nhân lực y tế, được dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội 14 Đảng bộ thành phố đặc biệt nhấn mạnh.

 

Sinh viên Trường đại học Y Hải Phòng trong giờ thực hành Ảnh: Đỗ Hiền

Sinh viên Trường đại học Y Hải Phòng trong giờ  thực hành

Ảnh: Đỗ Hiền

Nhân lực y tế thiếu về lượng

 

Theo tổng hợp của ngành Y tế Hải Phòng, trong 5 năm gần đây, ngành không tiếp nhận được hồ sơ của sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành y, dược về công tác tại tuyến xã, nhưng có 13 trường hợp xin chuyển công tác. Cũng chỉ có 2-3 trường hợp là người địa phương ở vùng xa như Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, sau khi tốt nghiệp xin về công tác ở bệnh viện tuyến huyện. Hiện khoảng 40% số trạm y tế trên địa bàn thành phố thiếu bác sĩ. Các bệnh viện tuyến huyện thiếu bác sĩ trầm trọng. Nhân lực y tế hiện nay thiếu về số lượng, chất lượng chưa bảo đảm, phân bố không đồng đều giữa các vùng miền đang cản trở năng lực cung cấp dịch vụ y tế theo nhu cầu xã hội.

 

Hải Phòng có vị trí thuận lợi, nằm trên bờ biển Đông, có đường bờ biển dài, nhiều huyện đảo và lực lượng đông đảo cư dân lao động nghề biển. Do đó, việc phát triển chuyên ngành y học biển và mạng lưới y tế biển đảo có ý nghĩa hết sức quan trọng vừa chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, vừa bảo đảm an ninh biên giới trên biển của Tổ quốc.

 

Do điều kiện địa lý, khí hậu, đặc thù nghề nghiệp (làm việc dài ngày trên biển) và tình trạng di dân (các lao động đến làm việc tại các khu vực kinh tế biển) ngày càng tăng, đời sống cư dân biển đảo còn nhiều khó khăn, nên số ngư dân có điều kiện được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ còn hạn chế. Hơn nữa, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực y tế trình độ bác sĩ ở các tuyến y tế cơ sở như: huyện, xã, đặc biệt là các huyện vùng sâu, vùng xa, hải đảo hiện tại đang gây nên nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân thành phố và các tỉnh duyên hải phía Bắc.

 

Môi trường làm việc kém hấp dẫn

 

Một nguyên nhân cơ bản là môi trường làm việc tại các cơ sở y tế chưa hấp dẫn, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ việc khám, chữa bệnh lạc hậu, chưa đáp ứng nhu cầu và không tạo được sức hút đối với bác sĩ, dược sĩ đại học và người có chuyên môn giỏi.

 

Một số địa phương chưa quan tâm đến việc đào tạo nhân lực y tế theo phương thức “đào tạo theo địa chỉ sử dụng”, mới giao ngành y tế thực hiện mà chưa quan tâm đến hỗ trợ kinh phí và có sự ràng buộc về trách nhiệm. Một số cơ sở khám chữa bệnh chưa có chính sách thu hút các bác sĩ trẻ về công tác, chưa có chính sách đãi ngộ phù hợp. Cơ sở vật chất các tuyến y tế chưa được quan tâm đầu tư nâng cấp đúng mức. Nguồn ngân sách hỗ trợ đào tạo bác sĩ rất thấp và không thay đổi định mức hỗ trợ từ 15 năm nay (6 triệu đồng/ sinh viên/năm).

 

Nhiều chuyên gia trong ngành đưa ra nhận định nghề y là nghề đặc biệt, được đào tạo đặc biệt nhưng việc thu hút và sử dụng lao động lại chưa có những chính sách “đặc biệt”, do vậy dẫn đến tình trạng thiếu bác sĩ, dược sĩ đại học trầm trọng như hiện nay, nhất là đào tạo nhân lực y học biển-đảo, y tế dự phòng và bệnh viện tuyến huyện.

 

Mặc dù Nhà nước và các địa phương áp dụng một số chính sách, chế độ tạo nguồn nhân lực cho y tế các tỉnh vùng sâu, vùng xa (chính sách cử tuyển, đào tạo chuyên tu, hợp đồng theo địa chỉ), nhưng phần lớn các địa phương thuộc các vùng này vẫn rất khó khăn trong việc tuyển dụng cán bộ y tế. Nguyên nhân chính là do điều kiện sống thấp và các chính sách chưa đủ sức thu hút cán bộ về công tác. Tại một số địa phương, dù thiếu nhân lực nhưng vẫn có tình trạng khó xin việc vào các bệnh viện, các "chuyên khoa hấp dẫn", một phần vì bị khống chế số biên chế, các thủ tục tuyển dụng chưa công khai, minh bạch.

 

Đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo

 

Để đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực của ngành y tế Hải Phòng và các tỉnh miền duyên hải phía Bắc, đáp ứng nhu cầu xã hội, cần xây dựng Trường đại học Y Hải Phòng trở thành Trường đại học Y-Dược Hải Phòng. Để thực hiện được nhiệm vụ này, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:

 

Một là, Hải Phòng và các tỉnh miền duyên hải cần quan tâm hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế hiện tại, đào tạo chuyên khoa sâu, đào tạo đại học, đào tạo sau đại học (chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, bác sĩ nội trú, thạc sĩ, tiến sĩ).

 

Hai là, sử dụng một số giải pháp để bổ sung sự thiếu hụt nguồn nhân lực y tế cho các vùng sâu, vùng xa, miền biển-đảo như: tăng số lượng tuyển sinh nhằm bù đắp sự thiếu hụt bác sĩ hiện nay. Để đáp ứng số lượng cán bộ y tế  nhưng vẫn bảo đảm về chất lượng, các cơ sở đào tạo cần có giải pháp, bước đi thích hợp. Đó là với những sinh viên thi đạt điểm chuẩn, đang theo học tại các trường đại học Y miền duyên hải phía Bắc, các địa phương nên hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí học tập cho sinh viên. Sinh viên ký cam kết với tỉnh và nhà trường sau khi tốt nghiệp sẽ về địa phương công tác. Các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng sinh viên giỏi, doanh nghiệp, bệnh viện “đặt hàng” với nhà trường hỗ trợ kinh phí đào tạo, cấp học bổng cho sinh viên và sinh viên ký cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ về công tác tại các đơn vị đó. Nên có cơ chế, tăng ngân sách hỗ trợ đào tạo cán bộ y tế nhất là bác sĩ, dược sĩ đại học. Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế xem xét tăng chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng cho các tỉnh, thành phố còn thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, có cơ chế và chính sách đãi ngộ phù hợp thu hút người tài. Trong chính sách đào tạo theo địa chỉ sử dụng cần giao quyền chủ động cho các trường ký hợp đồng với các địa phương. Điểm trúng tuyển giữa các vùng miền cần có khoảng cách chênh lệch lớn hơn 1, vì điểm trúng tuyển vào trường đại học y khá cao nên nhiều sinh viên không có điều kiện theo học.

 

Ba là, các trường cần tăng cường đội ngũ cán bộ - giảng viên, đủ về số lượng, chất lượng, có tinh thần trách nhiệm cao. Các trường ưu tiên tuyển dụng và có chế độ đãi ngộ hợp lý để thu hút, tuyển dụng các sinh viên giỏi gửi đào tạo trong và ngoài nước để kịp bổ sung đội ngũ giảng viên, mời các chuyên gia, bác sĩ có học vị và tay nghề cao ở các viện nghiên cứu và các bệnh viện tham gia thỉnh giảng, hướng dẫn thực hành, gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tốt yêu cầu dạy-học, khám, chữa bệnh và nghiên cứu khoa học. Xây dựng hệ thống giảng đường đủ về số lượng, bảo đảm trang thiết bị bổ trợ giảng dạy đầy đủ và có chất lượng. Tăng cường kinh phí mua sắm, nâng cấp trang thiết bị, phòng thí nghiệm, các labo, phòng tiền lâm sàng ở các bộ môn, hiện đại trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu của giảng viên và sinh viên. Đổi mới nội dung, phương pháp và quy trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Xây dựng cơ sở thực hành lâm sàng, vừa giúp sinh viên thực hành những kiến thức, đồng thời rèn luyện kỹ năng khám, điều trị, kỹ năng giao tiếp với đồng nghiệp và người bệnh. Mở rộng liên kết đào tạo, chuyển giao kỹ thuật mới giữa các trường y, dược trong nước với các trường đại học ở các nước có nền y học phát triển.

 

Bốn là, Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế cho phép các trường được đào tạo hệ bác sĩ tài năng lấy nòng cốt là những thí sinh có điểm trúng tuyển cao vào trường và được kiểm tra sàng lọc, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao cho đất nước. Việc tăng cường đào tạo bác sĩ nội trú trong và ngoài nước nên có chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

 

PGS -TS Phạm Văn Thức

Thành ủy viên, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hải Phòng

Đọc thêm