Tập trung nguồn lực đầu tư và quản lý theo tiêu chí

“…Phấn đấu để Hải Phòng cơ bản trở thành thành phố công nghiệp văn minh, hiện đại trước năm 2020 từ 2 đến 3 năm; có kinh tế phát triển nhanh, bền vững, đô thị phát triển xứng tầm là đô thị loại 1- đô thị trung tâm cấp quốc gia…”

“…Phấn đấu để Hải Phòng cơ bản trở thành thành phố công nghiệp văn minh, hiện đại trước năm 2020 từ 2 đến 3 năm; có kinh tế phát triển nhanh, bền vững, đô thị phát triển xứng tầm là đô thị loại 1- đô thị trung tâm cấp quốc gia…” là những mục tiêu được xác định trong Nghị quyết Đại hội 14 Đảng bộ thành phố. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy nhanh tiến trình xây dựng thành phố, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư đô thị.

Phát triển nhiều khu đô thị mới
Nếu nhiều năm trước đây, du khách có thể đến với Hải Phòng qua 5 cửa ô, thì nay, với sự phát triển mạnh mẽ, ở thành phố hình thành thêm cửa ô mới, thành 6 cửa ô. Đáng chú ý, hầu hết cửa ô có sự thay đổi rõ rệt về không gian, ranh giới.

Trong những năm qua, đô thị Hải Phòng phát triển cả về quy mô và diện mạo.                                                                                                           Ảnh Vũ Dũng

Thực tế, trong những năm qua, đô thị Hải Phòng phát triển cả về quy mô và diện mạo theo tiêu chí của đô thị loại 1 trực thuộc trung ương, với chức năng là đô thị trung tâm cấp quốc gia, mang bản sắc đô thị cảng biển, văn minh, hiện đại. Quy mô đô thị mở rộng; thành lập mới quận Dương Kinh và chuyển thị xã Đồ Sơn thành quận. Các khu đô thị mới chú trọng phát triển, đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp; các công trình cấp, thoát nước, điện, thông tin liên lạc, công viên cây xanh, vệ sinh đô thị, văn hóa, thể dục thể thao… được đầu tư nâng cấp đồng bộ. Đô thị nông thôn khởi sắc, tạo sự kết nối giữa đô thị trung tâm và các khu đô thị vệ tinh. Công tác quản lý đô thị, hiệu lực và hiệu quả quản lý trật tự xây dựng đô thị, quản lý quỹ nhà công được nâng cao; một số dự án nhà ở xã hội, nhà công vụ được triển khai xây dựng. Nhiều khu đô thị mới hình thành và phát triển. Điển hình như : dự án khu đô thị mới Ngã Năm-Sân bay Cát Bi, gần 300 ha, với tuyến đường Lê Hồng Phong xây dựng hiện đại; khu đô thị mới Anh Dũng trên đường Cầu Rào-Đồ Sơn, khoảng 100 ha; khu đô thị Cái Giá-Cát Bà, 170 ha; khu đô thị Hồ Sen-Cầu Rào 2; khu đô thị nối đường Lạch Tray với đường Hồ Sen-cầu Rào 2; khu đô thị Lạch Tray-Hồ Đông (đường có mặt cắt 100 m)… và nhiều dự án phát triển đô thị có quy mô lớn đang triển khai. Hầu hết dự án quy hoạch đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, kiến trúc hiện đại, góp phần tăng quỹ nhà ở và giảm mật độ dân cư tại các khu đô thị cũ, phù hợp với định hướng phát triển không gian đô thị như Điều chỉnh quy hoạch phát triển thành phố đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050  được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mở rộng quy mô hạ tầng kỹ thuật đô thị
Đi đôi với phát triển đô thị là không ngừng đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đường Lê Hồng Phong, tuyến đường trục của quận Ngô Quyền và Hải An được coi là tuyến đường hiện đại nhất hiện nay, với nhiều làn xe, hạ tầng kỹ thuật đầu tư đồng bộ cả cấp nước, thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh. Bên cạnh đó là hệ thống đường bộ với các tuyến đường : Cầu Rào-Đồ Sơn dài 20 km, quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ; đường xuyên đảo Cát Bà-Cát Hải với 2 bến phà biển nối liền đảo với đất liền, tạo điều kiện xây dựng huyện đảo trở thành khu vực trọng điểm phát triển kinh tế và du lịch của thành phố cũng như xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải. Các tuyến quốc lộ 5, quốc lộ 10 thực hiện bằng các nguồn vốn Trung ương có chiều dài 70km qua các địa phương của thành phố, đặc biệt từ nguồn vốn dư các dự án này tiếp tục nâng cấp, cải tạo một số tuyến phố lớn như: Đà Nẵng, Lê Thánh Tông, các cầu vượt khu vực nội thành và hệ thống tỉnh lộ. Hệ thống cầu và các điểm vượt sông từng bước hoàn thiện, nhất là các cầu trên các quốc lộ, tỉnh lộ, trong đó cầu Bính cùng với cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) được đánh giá là những cầu lớn nhất khu vực phía Bắc. Bên cạnh đó, cầu Khuể vừa hoàn thành, tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đang tích cực thi công, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa Hải Phòng và thủ đô Hà Nội. Nhìn chung, các điểm vượt sông của thành phố trong vài năm trở lại đây cơ bản giải quyết bằng các cầu vĩnh cửu, thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, cùng với các tuyến phố trung tâm đô thị được chỉnh trang, nâng cấp làm cho bộ mặt đô thị ngày càng khang trang.

Quy hoạch cần đi trước và đồng bộ với phát triển kinh tế
Phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại là vấn đề luôn được thành phố quan tâm. Những năm gần đây, nhiều đồ án quy hoạch đô thị lớn, quan trọng có sự tham gia của tư vấn nước ngoài, thông qua các cuộc thi tuyển chọn ý tưởng cũng như thiết kế đô thị nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, đồng thời từng bước tiếp cận trình độ tiên tiến thế giới. Tiêu biểu như quy hoạch đô thị Bắc sông Cấm của tư vấn Hàn Quốc; quy hoạch khu du lịch khu 1 và khu 3 Đồ Sơn của tư vấn Xin-ga-po; quy hoạch Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải theo tư vấn Nhật Bản …Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị những năm qua vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội; sự gia tăng dân số đô thị quá nhanh gây quá tải đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội; phát triển đô thị chưa bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường. Trong các khu đô thị mới, diện tích đất dành cho các công trình dịch vụ, cây xanh, vui chơi công cộng bị thu hẹp ảnh hưởng đến chất lượng sống. Đặc biệt, tốc độ phát triển đô thị nông thôn chưa tương xứng với yêu cầu đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo quyết định Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tưóng Chính phủ phê duyệt, phát triển đô thị được đặc biệt coi trọng cả về quy mô dân số, diện tích, hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, chỉ riêng diện tích và quy mô dân số tăng gần gấp đôi so với trước, hình thành 7 đô thị vệ tinh và 6 thị trấn mới. Do vậy, một trong những định hướng lớn và khâu đột phá phát triển kinh tế -xã hội những năm tới liên quan đến phát triển đô thị như Nghị quyết Đại hội 14 Đảng bộ thành phố nêu rõ: “…Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển và quản lý đô thị, bảo đảm các tiêu chí đô thị loại 1 trực thuộc trung ương, xứng đáng là đô thị trung tâm cấp quốc gia; từng bước xây dựng trở thành thành phố quốc tế”. Những giải pháp về công tác quy hoạch đô thị cần đồng bộ, phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững.

Thủy An

Đọc thêm