Tập trung rà soát, tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

(PLVN) -Đánh giá về thực trạng xây dựng và thi hành pháp luật thời gian qua, Bộ Tư pháp cho biết pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh trong các tình huống khẩn cấp nhanh chóng được ban hành với nhiều giải pháp, chính sách quyết liệt, đồng bộ đã kịp thời ứng phó, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, trước những tác động phức tạp của đại dịch Covid-19, sự xuất hiện những hiện tượng kinh tế - xã hội mới trước tác động ngày càng sâu rộng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hệ thống pháp luật tuy đã bảo đảm sự bao quát, khá toàn diện, song trong từng lĩnh vực vẫn còn có chế định chưa thật sự đầy đủ, chưa đáp ứng nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội; hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh, do nhiều cơ quan ban hành với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; tính khả thi, tính dự báo chưa cao; tính ổn định của hệ thống pháp luật đang là thách thức…

Thời gian tới, theo Bộ Tư pháp, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn 2021-2026, định hướng đến năm 2030 cần tập trung làm tốt nhiều nhiệm vụ. Trong đó, có việc rà soát, tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật xử lý những vấn đề đặt ra trong phòng chống và khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, thúc đẩy phục hồi kinh tế; chú trọng các văn bản pháp luật cần được ban hành để kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, kìm hãm sự phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm phục hồi phát triển kinh tế.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu toàn dân theo hướng tách bạch vai trò của Nhà nước với tư cách là bộ máy công quyền quản lý toàn bộ nền kinh tế - xã hội và vai trò đại diện chủ sở hữu, tạo điều kiện cho sự tham gia một cách thực chất của người dân trong việc thực thi quyền sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Hoàn thiện cơ bản pháp luật về đất đai, minh bạch hóa quy hoạch đất, bảo vệ nghiêm ngặt đất nông nghiệp. Hoàn thiện pháp luật về các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô bao gồm thuế, quy hoạch, các tiêu chuẩn về chất lượng, quản lý giá và các công cụ hỗ trợ quản lý vĩ mô như thống kê, đăng ký giao dịch, đăng ký tài sản, các tiêu chuẩn và qui chuẩn hướng đến kết quả và hiệu quả kinh tế xã hội. Rà soát, hoàn thiện các chính sách về dự trữ quốc gia, đặc biệt là các chính sách huy động các nguồn lực ngoài ngân sách trung ương cho dự trữ quốc gia…

Phát triển đầy đủ và đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là các thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ. Bảo đảm đầy đủ quyền tự do, an toàn trong hoạt động kinh doanh; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo nguyên tắc thị trường. Nhà nước thực hiện tốt chức năng xây dựng và quản lý thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực phát triển theo cơ chế thị trường.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về thị trường, nhất là các thị trường bất động sản, vốn, lao động, khoa học công nghệ…; bảo đảm các thị trường yếu tố sản xuất đóng vai trò chủ yếu và quyết định trong huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Tiếp tục cơ cấu lại thị trường tài chính, bảo đảm lành mạnh hóa và ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, loại bỏ nguy cơ mất an toàn hệ thống, tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước và giám sát của xã hội. Hoàn thiện thể chế thị trường bất động sản, nghiên cứu, đề xuất các quy định liên quan đến các loại hình bất động sản mới như căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel)... Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Phát triển thị trường lao động đồng bộ tạo thuận lợi cho việc tuyển dụng lao động và sử dụng lao động, đảm bảo tính thống nhất và linh hoạt của thị trường lao động.

Ben cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh; bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, tạo cạnh tranh không công bằng, không bình đẳng; tạo cơ chế để môi trường kinh doanh của Việt Nam có chỉ số năng lực canh tranh toàn cầu cao.

Hoàn thiện pháp luật về y tế, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, theo hướng bảo đảm để công dân có đủ điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng; phát triển mạnh bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; khuyến khích phát triển cơ sở y tế ngoài công lập, bảo đảm sự bình đẳng giữa y tế nhà nước và y tế tư nhân nhằm bảo đảm quyền được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách an toàn, thuận lợi của tất cả người dân, nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam

Đọc thêm