Các quân khu, các địa phương, các cấp bộ Đảng và chính quyền trong cả nước được lệnh dành ưu tiên số một cho mọi nhu cầu của chiến trường trọng điểm. Các cơ quan của Bộ Tổng Tư lệnh vừa chỉ đạo tốt việc tiếp quản các vùng mới giải phóng, vừa ra sức tổ chức và đôn đốc việc chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta dốc sức biến quyết tâm chiến lược mới của Bộ Chính trị thành hiện thực.
|
Những đàn voi vận chuyển vũ khí và lương thực phục vụ chiến dịch |
Từ đầu tháng 4/1975, trên tất cả các hướng và trục giao thông đường bộ, đường sông, đường biển, đường sắt, đường không, đủ các phương tiện đã được huy động vào công tác vận chuyển lực lượng, vũ khí, khí tài, nhu cầu vật chất cho chiến dịch. Nhân dân ta sống những ngày sôi động, nhộn nhịp. Cả nước với khẩu hiệu “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.
Hậu phương lớn tổng động viên nhân tài, vật lực chi viện cho tiền tuyến lớn. Hầu như toàn bộ lực lượng vận tải trên miền Bắc đều được huy động trong một chiến dịch chi viện lớn nhất từ trước đến lúc này. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch Hội đồng Chi viện miền Nam Phan Trọng Tuệ ngày đêm lo lắng cùng các ngành, các địa phương điều động hàng chục ngàn xe vận tải, hàng trăm toa xe lửa, hơn 30 tàu biển, hàng trăm lần chiếc máy bay vận tải đưa cán bộ, chiến sĩ, nhân viên kỹ thuật cùng hàng vạn tấn vũ khí, phương tiện vào chiến trường.
Nhiều công trường, nhà máy, cơ quan rút bớt 30- 50% số người trong biên chế để phục vụ chiến dịch. Toàn bộ lực lượng vận tải quân sự gồm 12 vạn người (bằng 80% lực lượng hậu cần chiến dịch), 6.300 xe vận tải của Đoàn vận tải Trường Sơn, 2.100 xe của Cục Vận tải và hàng trăm xe của các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng được tập trung vận chuyển cho chiến dịch.
Một lực lượng vận tải lớn của Nhà nước gồm trên 1.000 xe ô tô, 32 tàu biển (5.000 tấn phương tiện), 130 toa xe lửa (9.000 tấn phương tiện) và hàng trăm tấn phương tiện đường không được huy động vận chuyển vật chất và cơ động bộ đội vào chiến trường…Đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc đề nghị với Trung ương xin dừng kế hoạch vận chuyển gạo, muối về địa phương mình, dành cả đoàn xe với các thứ hàng quý đó quay vào Nam bộ cho kịp kế hoạch tổng tiến công.
Dồn sức quyết chiến
Từ ga Hàng Cỏ - Hà Nội, các đoàn tàu hoả chở đầy bộ đội và vũ khí đạn dược chạy thẳng vào Vinh. Từ đây, bằng các phương tiện ô tô, tàu thuỷ, người và súng đạn được chuyển tiếp vào miền Đông Nam bộ. Các cảng sông, cảng biển ở miền Bắc khẩn trương nhộn nhịp.
Tàu thuyền của hải quân, của ngành Giao thông vận tải liên tục chở xe tăng, pháo lớn và bộ đội vào các cảng Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cam Ranh rồi cơ động tiếp bằng đường bộ theo đường số 1 vào Long Khánh, đến khu vực tập kết của đoàn 814 hậu cần Miền ở khu vực Dầu Giây - Túc Trưng.
Từ các sân bay trên miền Bắc, các loại máy bay vận tải, máy bay lên thẳng, kể cả một số máy bay chở khách cũng được huy động chở quân, chở đạn, chở sách báo, phim ảnh vào mặt trận Sài Gòn - Gia Định và các vùng mới giải phóng.
Tại Tổng hành dinh, đồng chí Hoàng Văn Thái - Tổng Tham mưu phó thứ nhất - theo dõi lực lượng ở chiến trường, nắm chắc đến từng kho gạo, kho xăng dầu, kho lương thực, chỉ đạo chặt chẽ và ráo riết việc tổ chức hành quân và bảo đảm hậu cần.
Trên tuyến đường bộ, xe vận tải vào đến Đông Hà - Quảng Trị thì toả ra hai ngả. Một ngả tiến thẳng theo đường số 1 qua các thành phố Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn… vừa được giải phóng. Một ngả theo hai đường Đông và Tây Trường Sơn rồi theo đường số 14 qua Đức Lập và Đồng Xoài vào các vị trí tập kết ở miền Đông Nam bộ.
Trên các trục đường vào Nam, các đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, Hoàng Minh Thảo đêm ngày lo đủ đạn dược, nhiên liệu, lương thực, thuốc men cho bộ đội hành quân. Đồng chí Phùng Thế Tài - Tổng Tham mưu phó - luôn có mặt trên các đỉnh đèo Tây Nguyên đôn đốc bộ đội đi nhanh, đến đủ.
Từ tháng 1 đến tháng 4/1975, Đoàn vận tải Trường Sơn vận chuyển vào Nam bộ 11 vạn 5 nghìn quân và 9 vạn tấn hàng, trong đó có 37.000 tấn vũ khí, 9.000 tấn xăng dầu. Riêng trong những ngày chuẩn bị nước rút từ ngày 5 đến 26/4, vừa khai thác vừa vận chuyển vào chiến trường 10.100 tấn đạn, 2.300 tấn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, 2.600 tấn xăng dầu. Nhiều trạm sửa chữa ô tô, sửa chữa pháo và xe tăng được bố trí dọc đường phục vụ cơ động của chiến dịch.
Ở Khu 5, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Chí Công và đồng chí Chu Huy Mân, mặc dù đang phải tiếp quản các tỉnh, thành phố, ổn định đời sống cho hàng triệu nhân dân vùng mới giải phóng nhưng vẫn đặt lên hàng đầu nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho phía trước.
Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức những đoàn xe đặc biệt do Thiếu tướng Võ Thứ - Phó Tư lệnh quân khu - chỉ huy, sử dụng 1.800 lần chiếc xe, vận chuyển nhiều lượt bộ đội và 4.000 tấn vũ khí, đạn do Quân khu mới thu được của địch bổ sung cho các lực lượng tham gia chiến dịch.
|
Bộ đội Quân khí vận chuyển vũ khí, đạn dược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 |
Bảo đảm hậu cần để thực hiện phương châm “Thần tốc” trong điều kiện của ta lúc này không phải là chuyện dễ. Đường sá sụt lở, cầu cống bị địch phá hỏng, địch ở dọc đường, địch ở ngoài biển ra sức ngăn chặn, thời tiết khắc nghiệt, mưa gió đầu mùa. Phải vượt qua tất cả bằng sức mạnh của chiến tranh toàn dân, của lòng dũng cảm và trí thông minh, sáng tạo.
Không chỉ có các phương tiện vận tải của quân đội, của Nhà nước mà trong các đoàn xe tiến về phía nam còn có 426 xe vận tải, xe chở khách của tư nhân ở các vùng mới giải phóng. Nhân dân vùng mới giải phóng ủng hộ hết mình. Chỉ cần một mảnh giấy có chữ ký và con dấu đỏ của Ủy ban quân quản là có thể huy động được hàng chục, hàng trăm xe tải và cả lái xe chuyển bộ đội, vũ khí, đạn dược ra phía trước.
Trên đường hành quân, có đơn vị do không nắm được tình hình đã báo cáo về Bộ Tổng Tư lệnh là bộ đội thiếu gạo. Lo lắng tốc độ hành quân có thể bị ảnh hưởng, Thường trực Quân ủy Trung ương dành gần một ngày bàn cách giải quyết. Sau khi kiểm tra lại, đồng chí Hoàng Văn Thái báo cáo gạo không thiếu, các kho đã được bố trí ở dọc đường và điện ngay cho các đơn vị hành quân, nói rõ ở Cam Ranh đã có từ hai đến ba ngàn tấn gạo, xăng dầu cũng đã có ở Quy Nhơn, Nha Trang và Cam Ranh.
Trong giai đoạn cuối cùng của chiến dịch, nổi lên tác dụng to lớn của hậu cần tại chỗ. Ở Nam bộ, được sự hỗ trợ tích cực của đồng chí Đinh Đức Thiện, Hậu cần Miền do đồng chí Bùi Phùng chỉ huy đã huy động mọi lực lượng vận chuyển vũ khí vào các kho trạm của chiến dịch, tập trung sửa chữa xe máy, mở đường, bắc cầu. Trục đường 14 từ Đồng Xoài đi Cây Gáo, Bến Bầu được gấp rút thi công. Các đoàn quân hậu cần ở các hướng củng cố và mở rộng tuyến đường chiến dịch với tổng chiều dài hơn 3.000km.
Đặc biệt trong hạ tuần tháng 4, Hậu cần Miền đã đưa 10.000 cán bộ, chiến sĩ từ tuyến sau lên thành lập 8 tiểu đoàn cơ động, huy động gần 4.000 xe vận tải, hơn 600 thuyền máy, ca nô, hàng nghìn xe đạp thồ và hơn 60 ngàn dân công hoả tuyến, lập 15 bệnh viện dã chiến, 17 đội điều trị với tổng số 10 nghìn giường phục vụ bộ đội tiến công Sài Gòn - Gia Định.
Quân đi như nước chảy
Để chuẩn bị địa bàn, mở thêm các hành lang đưa lực lượng, vật chất kỹ thuật từ phía Bắc vào và từ đồng bằng Nam bộ lên, trước đó, Bộ Tư lệnh Miền, chỉ huy Quân đoàn 4 và lực lượng vũ trang các quân khu đã bước vào đợt hai kế hoạch tác chiến chiến lược.
Sư đoàn 9 tăng cường Trung đoàn 16 phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương hoạt động mạnh ở khu vực Tây Ninh - đường số 13, tiêu diệt, thu hút và giam chân một bộ phận quan trọng lực lượng Quân đoàn 3 địch, giải phóng quận lỵ Dầu Tiếng, thị trấn Chơn Thành và toàn tỉnh Bình Long, tạo ra một bàn đạp tiến công mới và mở đường số 13, 14, bảo đảm cơ động lực lượng và binh khí kỹ thuật vào sát tuyến phòng thủ của địch ở phía bắc Sài Gòn.
Từ đầu tháng 3/1975, bộ đội công binh và bộ đội hậu cần Miền được nhân dân các địa phương giúp đỡ đã gấp rút sửa cầu, đường, lập kho bãi tiếp nhận hàng, chuẩn bị vị trí tập kết cho các quân đoàn và các lữ đoàn, trung đoàn binh chủng kỹ thuật. Các đoạn đường vào Đồng Xoài, Cây Gáo… được mở rộng.
Các cầu ngầm vượt sông Bé, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông như Nha Bích, Mã Đà, Bến Bầu… được sửa chữa, bảo đảm cho xe tăng và binh khí kỹ thuật cơ động. Lực lượng hậu cần Miền được tổ chức lại thành 5 đoàn, mỗi đoàn phục vụ một cánh quân lớn trên một hướng chiến dịch và 8 tiểu đoàn cơ động vừa làm nhiệm vụ tiếp nhận và vận chuyển đi các hướng quan trọng, vừa sẵn sàng tiếp quản cơ sở vật chất của địch ở các vùng mới giải phóng.
Trong suốt 20 năm đánh Mỹ, chưa lúc nào chiến trường miền Đông Nam bộ nhộn nhịp không khí chuẩn bị chiến dịch như lúc này. Giữa tháng 4/1975, khối lượng vật chất phục vụ chiến dịch lên đến 58.000 tấn, trong đó có 24.000 tấn vũ khí đạn, 21.000 tấn gạo, 11.000 tấn xăng dầu. Lúc này vận chuyển đạn dược và xăng dầu đến ngay các cửa ngõ vào Sài Gòn còn là một vấn đề lớn.
Ngày 20/4, Quân ủy Trung ương điện khẩn cho Bộ Tư lệnh 559: ưu tiên vận chuyển đạn dược: đạn 130mm, 100mm, D74, DKZ 82, đạn cối 120mm, pháo 85mm, lựu 122mm. Ưu tiên về xăng dầu thì trước hết là madút và dầu mỡ phụ, chậm nhất ngày 29/4 có ở Đồng Xoài”. Mệnh lệnh được truyền đạt ngay đến từng kho tàng, binh trạm. Một khối lượng lớn đạn dược, nhiên liệu khẩn trương chuyển vào chiến trường đúng kỳ hạn.
Trận quyết chiến chiến lược cuối cùng được bảo đảm hậu cần kỹ thuật mạnh mẽ và hết sức khẩn trương. Quân đi như nước chảy. Xe ô tô, tàu hoả, máy bay, tàu biển hầu như chỉ nhằm một hướng- Sài Gòn.