Đại thắng mùa Xuân 1975 biểu hiện sức mạnh của ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là thắng lợi vĩ đại của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong thế kỷ XX; đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo với chiến lược tổng hợp và nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng ta; biểu hiện sức mạnh vô song của các lực lượng quân, binh chủng tham gia chiến dịch, trong đó có sức mạnh lực lượng pháo binh.
Sức mạnh của pháo binh Việt Nam trong Đại thắng mùa Xuân 1975 thể hiện rõ nét qua từng chiến dịch, trận đánh cụ thể.
Đánh tê liệt pháo binh địch
Chiến dịch tiến công Tây Nguyên tháng 3/1975 mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta; mang ý nghĩa chiến lược sâu sắc, tạo thời cơ cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã huy động tới 5 trung đoàn cùng với 2 tiểu đoàn pháo binh gồm: 87 khẩu pháo xe kéo, 213 khẩu pháo mang vác các loại tham gia trận đánh, so sánh với địch, pháo binh xe kéo của ta gấp 1,5 lần pháo binh xe kéo địch.
Với ưu thế vượt trội về lực lượng, chuẩn bị chu đáo về thế trận và cách đánh, khi đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột đợt 2 chiến dịch với hỏa lực chuẩn bị của pháo binh bắn gần 5.000 viên đạn pháo cỡ lớn kéo dài 120 phút dồn dập, mãnh liệt vào các mục tiêu như: Sở Chỉ huy Sư đoàn 23, Sở Chỉ huy tiểu khu Đắk Lắk, căn cứ liên hiệp quân sự và 7 trận địa pháo binh địch.
Pháo binh đã bắn trúng mục tiêu ngay từ loạt đạn đầu, làm tê liệt hoàn toàn các trận địa pháo binh địch, tạo ra đòn hỏa lực áp đảo chi viện kịp thời cho bộ binh, xe tăng đánh chiếm các tiểu khu, khu hành chính, khu thiết giáp trong thị xã, nhanh chóng làm chủ Buôn Ma Thuột.
Sau đó, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã huy động 54 khẩu pháo xe kéo cho trận then chốt thứ 2 ở Phước An, đập tan cuộc phản kích của địch, xoá sổ Sư đoàn 23 quân đội Sài Gòn, giải phóng hầu hết tỉnh Đắk Lắk, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch ở Tây Nguyên; buộc địch phải rút chạy khỏi Tây Nguyên.
Chiến sỹ Lữ đoàn Pháo phòng không 673, Quân đoàn 2 luyện tập sẵn sàng chiến đấu |
Trong hai Chiến dịch Trị - Thiên - Huế, Đà Nẵng, các lực lượng pháo binh có bước tiến rất nhanh về trình độ tổ chức chỉ huy tác chiến hiệp đồng quy mô lớn, đặc biệt là tổ chức chỉ huy bắn chi viện cho bộ binh, xe tăng tiến công địch trong hành tiến, góp phần thúc đẩy quá trình hoang mang, tan rã của địch, ngăn chặn không cho chúng co cụm và rút chạy; cùng những đơn vị khác đánh chiếm các thị xã, thành phố lớn.
Pháo binh tham gia với 4 trung đoàn pháo xe kéo và 284 khẩu pháo mang vác trong biên chế của các trung (tiểu) đoàn thuộc Quân đoàn 2, Quân khu V, kết hợp với pháo binh Quân khu Trị - Thiên tạo sức mạnh hỏa lực pháo binh trên các hướng. Hai đại đội pháo 130 của Lữ đoàn pháo binh 164, Quân đoàn 2 bố trí ở Mũi Trâu đã đánh phá có hiệu quả vào sân bay, kho tàng, sở chỉ huy, bến cảng địch.
Để chi viện cho chiến dịch đánh địch rút chạy ở khu liên hợp quân sự Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh chiến dịch sử dụng pháo 130mm, pháo Đ74 bắn phá sân bay và bến cảng Đà Nẵng. Sân bay Đà Nẵng trúng đạn, kho bom nổ, đường băng hỏng; sân bay hoàn toàn bị tê liệt ngừng hoạt động.
Trong chiến dịch này, pháo binh đã tiêu diệt và làm bị thương 2.237 tên địch; phá hủy 117 khẩu pháo, cối; 141 xe các loại bao gồm xe tăng, xe bọc thép và xe hơi; 30 kho tàng; thu hồi 316 khẩu pháo địch, 19.075 viên đạn pháo, 100 xe hơi và nhiều phương tiện chiến tranh khác.
Ngày 14/4, đoàn pháo binh Biên Hòa sử dụng pháo 130mm cơ động thần tốc cùng với binh chủng hợp thành và đúng 17 giờ bất ngờ bắn loạt đầu tiên vào sân bay Biên Hoà khiến quân địch rối loạn, hoảng loạn. Địch dùng máy bay ném bom và phản pháo vào đội hình chiến đấu của ta nhưng bộ đội pháo binh vẫn kiên trì bám trận địa đánh liên tục cả ngày lẫn đêm, vận dụng phương pháp bắn phù hợp, linh hoạt, có lúc chỉ sử dụng đơn pháo; có khi sử dụng đến trung đội, đại đội để bắn máy bay địch chuẩn bị xuất kích.
Kết quả, sau 12 ngày đêm chiến đấu ròng rã trong điều kiện ác liệt với 326 viên đạn, pháo binh ta đã khóa chặt và làm tê liệt toàn bộ sân bay Biên Hòa, không cho máy bay địch cất cánh chi viện cho Xuân Lộc.
Đánh thẳng vào Sài Gòn
Trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất trong Chiến dịch Hồ Chí Minh chiều ngày 27/4, ta đã sử dụng pháo ĐKB bắn phá dữ dội vào sân bay. Rạng sáng ngày 29/4, ta lại dùng pháo 130mm thuộc Lữ đoàn 164 bắn cấp tập vào sân bay, có lúc bắn gấp, có lúc bắn giám thị cả ngày và đêm 29 với khoảng 120 viên đạn, làm cho sân bay Tân Sơn Nhất bị tê liệt hoàn toàn.
Tiếng pháo nổ ở sân bay Tân Sơn Nhất đã làm rung chuyển cả đường phố Sài Gòn và gây rối loạn ở Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng hòa... tạo điều kiện cho các binh đoàn thọc sâu nâng cao tốc độ tiến công nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu đã được xác định trong nội đô.
Trận đánh vào trung tâm sở chỉ huy của cơ quan Bộ Tổng Tham mưu chế độ Sài Gòn ngày 30/4 của Lữ đoàn 45 pháo binh thuộc Quân đoàn 1 đã chứng minh sức mạnh to lớn của hỏa lực pháo binh ta. Đúng 10 giờ ngày 30/4/1975, toàn bộ đại đội pháo 130mm thuộc Lữ đoàn 45 (Quân đoàn 1) đã bắn cấp tập vào trung tâm Sở Chỉ huy của cơ quan Bộ Tổng tham mưu chế độ Sài Gòn.
Chỉ với 43 phát đạn pháo, Sở Chỉ huy của cơ quan Bộ Tổng Tham mưu địch đã hoàn toàn bị chế áp, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ binh, xe tăng ta thừa thắng xung phong đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu bên trong. 11 giờ 30 phút ngày 30/4, lá cờ bách chiến, bách thắng của ta tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của quân và dân ta.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đánh dấu bước phát triển cao nhất của pháo binh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong các chiến dịch của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã khéo léo vận dụng, kết hợp những nguyên tắc sử dụng lực lượng và tác chiến của pháo binh; đã kết hợp tốt ba yếu tố: thời cơ, thế trận, lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, làm tốt công tác chuẩn bị, thiết bị chiến trường và tích cực lấy pháo, đạn địch trang bị cho mình để giành ưu thế sức mạnh hỏa lực.
Trong tương lai, nếu chiến tranh xảy ra, lực lượng pháo binh Việt Nam vẫn giữ một vị trí rất quan trọng và không thể thiếu trong các chiến dịch và trận chiến đấu. Hỏa lực pháo binh vẫn là một trong những hỏa lực mạnh mẽ nhất, là hỏa lực mặt đất chủ yếu của quân đội ta, là hỏa lực chủ yếu của lục quân.
Nhắc lại tinh thần truyền thống vẻ vang của Đại thắng mùa Xuân 1975, những thế hệ cán bộ, chiến sĩ pháo binh hôm nay luôn tự hào về những vinh quang đó. Đó cũng là sự cổ vũ động viên, khích lệ và tiếp thêm sức mạnh, ý chí, nghị lực cho mỗi cán bộ, chiến sĩ pháo binh hôm nay tiếp bước nhiệm vụ của thế hệ cha ông đi trước vững bước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.