Hãng tin Reuters ngày 29/8 nhận định, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc thực chất chỉ là hữu danh vô thực vì nó vẫn còn thiếu các yếu tố để có thể trở thành một tàu chiến thực sự.
Tàu sân bay đầu tiên Varyag của Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Tại một hội nghị được tổ chức ngày 19/8, Tướng Trung Quốc La Viện đã đề xuất đặt tên Điếu Ngư cho tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc để “khẳng định chủ quyền của Trung Quốc” đối với quần đảo này.
Tuy nhiên, hãng tin Reuters dẫn lời các chuyên gia quốc phòng nói rằng, bất chấp những kỳ vọng của người Trung Quốc rằng tàu sân bay của nước – vốn là một tàu từ thời Xô viết được mua từ Ukraine và tân trang lại – sẽ trở thành biểu tượng sức mạnh của hải quân Trung Quốc thì con tàu này vẫn thiếu các máy bay chiến đấu, vũ khí, thiết bị điện tử, công tác huấn luyện và hỗ trợ hậu cần để có thể trở thành một con tàu chiến thực sự.
“Hiện vẫn chưa chắc chắn nhưng sẽ phải mất ít nhất từ 3 đến 5 năm thì con tàu này mới sẵn sàng làm nhiệm vụ” – ông Carlo Kopp, nhà đồng sáng lập Air Power Australia - một cơ quan tư vấn quân sự độc lập có trụ sở tại Melbourne, Australia nhận định.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc – có tên ban đầu là Varyag – đã trở về cảng Đại Liên hồi tháng trước sau chuyến ra biển thứ 9. Một số nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc dự đoán con tàu sẽ được biên chế vào hải quân nước này vào cuối năm nay.
Tuy nhiên các lãnh đạo cấp cao của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã bác bỏ những đồn đoán này và khẳng định rằng con tàu trọng tải 60.000 tấn còn lâu nữa mới sẵn sàng nhận nhiệm vụ và phải trải qua một chương trình chạy thử và tập luyện toàn diện.
Các nhà phân tích nhận định, ngay cả khi Varyag có thể làm nhiệm vụ, các nhà phân tích quân sự nói rằng, nó cũng chỉ đóng vai trò hạn chế, chủ yếu phục vụ huấn luyện và kiểm nghiệm trước khi Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay tự đóng trong nước đầu tiên sau năm 2015.
Bảo An (Theo Reuters)