Tàu Trung Quốc vẫn quanh quẩn bên đảo tranh chấp với Nhật

Tàu của chính phủ Trung Quốc hôm qua, 20/9, tiếp tục hiện diện tại vùng biển gần quần đảo tranh chấp. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đang được đặt trong tình trạng báo động cao và kiểm soát gắt gao vùng nước quanh Senkaku/Điếu Ngư.

Tàu của chính phủ Trung Quốc hôm qua, 20/9, tiếp tục hiện diện tại vùng biển gần quần đảo tranh chấp. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đang được đặt trong tình trạng báo động cao và kiểm soát gắt gao vùng nước quanh Senkaku/Điếu Ngư.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Osamu Fujimura. Ảnh: BBC
Chánh văn phòng Nội các Nhật Osamu Fujimura. 

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản ngày 20/9 tiếp tục giám sát 10 tàu Trung Quốc, trong đó có 4 tàu hải giám và 6 tàu ngư chính - tại vùng biển gần chuỗi đảo này. Theo Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, một số tàu của chính phủ Trung Quốc đã tiến vào “vùng tiếp giáp lãnh hải” 12 hải lý tính từ phạm vi lãnh hải của Nhật Bản. 

Kể từ ngày 18/9, tổng cộng đã có 16 tàu tuần tra của Trung Quốc hoạt động tại vùng tiếp giáp lãnh hải, một số thậm chí đã xâm nhập vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho hay. Tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã cảnh báo các tàu Trung Quốc “không được xâm nhập lãnh thổ Nhật Bản”.
Giữa lúc này, tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc ngày 20/9 dẫn các nguồn tin cho biết, 2 tàu khu trục của hải quân Trung Quốc đã xuất hiện gần vùng biển cách quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Theo đó, đêm 19/9, 2 tàu hải quân Trung Quốc đã tiến vào vùng biển cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư 80 hải lý về phía Tây Bắc.
Chosun Ilbo dẫn mạng tin tức truyền hình Fuji của Nhật Bản (FNN) nói rằng, 2 tàu này là tàu hộ vệ tên lửa 054A. Nếu đúng như vậy thì đây là lần đầu tiên tàu hải quân Trung Quốc xuất hiện tại vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư kể từ sau khi Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa quần đảo đang tranh chấp gay gắt giữa 2 nước.
 “Không có chuyện gác tranh chấp”
Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba ngày 19/9 đã lặp lại lập trường của Nhật Bản về quần đảo có tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông, rằng chưa từng tồn tại một thỏa thuận nào giữa Bắc Kinh và Tokyo về việc “gác tranh chấp”. Phát biểu này của ông Gemba trái ngược hoàn toàn với tuyên bố trước đó của phía Trung Quốc.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon ngày 19/9 đã thúc giục các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản có cuộc gặp gỡ bên lề Đại hội đồng LHQ vào tuần tới.

Ông Ban cho biết ông đặc biệt quan ngại trước căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku, mà phía Nhật Bản gọi là Điếu Ngư, trên biển Hoa Đông, đồng thời kêu gọi các bên giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình và hữu nghị.

Phát biểu tại một cuộc họp báo tại Tokyo, ông Gemba đã nhắc lại những trao đổi giữa các lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản vào đầu những năm 1970 mà một phần nội dung của nó đã được in lại trong tài liệu về lập trường của chính phủ Nhật Bản vào năm 2010.

Theo đó, năm 1972, khi Thủ tướng Nhật Kakuei Tanaka thăm Trung Quốc, ông đã hỏi Thủ tướng Chu Ân Lai về việc tranh chấp và ông Chu lúc đó đã nói rằng ông không muốn bàn về vấn đề tranh chấp tại thời điểm đó.

Ông Chu cho rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trở thành vấn đề bàn cãi chỉ vì khu vực ngoài khơi có các mỏ dầu. Theo ông Gemba, việc ông Chu Ân Lai không muốn bàn thảo vấn đề tranh chấp năm 1972 không đồng nghĩa với việc tạm gác tranh chấp chủ quyền giữa 2 quốc gia.

“Nhật Bản coi nhóm đảo nhỏ này là một phần cố hữu thuộc lãnh thổ Nhật Bản và tuyên bố không có tranh chấp chủ quyền nào tồn tại ở đây” - ông Gemba khẳng định. 

Yêu cầu Trung Quốc bồi thường
Liên quan đến những tranh chấp đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, chính phủ Nhật Bản ngày 20/9 tuyên bố, Tokyo sẽ yêu cầu Bắc Kinh bồi thường thiệt hại do những cuộc biểu tình bạo lực chống Nhật Bản gây ra cho các cơ quan ngoại giao của nước này.
“Liên quan đến thiệt hại của các đại sứ quán và lãnh sự quán của chúng tôi, chúng tôi dự định yêu cầu bồi thường (từ Trung Quốc) vì đây là vấn đề giữa các chính phủ” – Chánh văn phòng Nội các Nhật Osamu Fujimura nói với các phóng viên ở Tokyo. Ông Fujimura cho biết thêm rằng, mọi thiệt hại về tài sản của các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ được giải quyết theo các quy định của pháp luật Trung Quốc. 
Tuy nhiên, trong một phát biểu mang tính hòa giải, ông Fujimura nói Tokyo sẽ liên hệ với Trung Quốc. “Thủ tướng đang cân nhắc cử một đặc phái viên trong nỗ lực tìm kiếm cách giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh thông qua những kênh ngoại giao khác nhau” – ông Fujimura nói. 
Những tuyên bố trên của ông Fujimura được đưa ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc, liên quan đến chính phủ Nhật quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp, đã lắng dịu. Cuối tuần trước, hàng chục nghìn người đã tham gia biểu tình trên khắp Trung Quốc, với một số người đã đập phá các cửa hàng, nhà máy của Nhật Bản, buộc các doanh nghiệp này phải đóng cửa hoặc ngừng hoạt động kinh doanh. Các cuộc biểu tình lên đến đỉnh điểm trong ngày 18/9, nhân lễ kỷ niệm sự cố Mãn Châu 1931.
Minh Ngọc (tổng hợp)

Đọc thêm