Tây làm nông trên đất Việt

Họ từ những đất nước khác nhau- Hà Lan, Nga, Nhật Bản…đến Đà Lạt, Lâm Đồng đầu tư sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua những gian nan ban đầu, họ đã khá thành công. Và rất tự nhiên, họ trở nên gắn bó với mảnh đất này, tự nhận mình là nông dân Việt Nam.

Họ từ những đất nước khác nhau- Hà Lan, Nga, Nhật Bản…đến Đà Lạt, Lâm Đồng đầu tư sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua những gian nan ban đầu, họ đã khá thành công. Và rất tự nhiên, họ trở nên gắn bó với mảnh đất này, tự nhận mình là nông dân Việt Nam.
Ông Thomas Hooft kiểm tra tại xưởng đóng gói hoa tại Công ty Dalat Hasfarm.
Ông Thomas Hooft kiểm tra tại xưởng đóng gói hoa tại Công ty Dalat Hasfarm.
Dalat Hasfarm và người trồng hoa số 1 

Bây giờ Dalat Hasfarm đã trở thành thương hiệu của hoa lyly, tulip, hồng, kiết tường…và người trồng hoa số 1 cũng chính là danh hiệu mà người dân xứ hoa Đà Lạt phong tặng cho Thomas Hooft, Tổng Giám đốc Công ty Dalat Hasfarm.

Vốn là người con của đất nước hoa Tulip (Hà Lan), sau một thời gian tìm hiểu, thử nghiệm tại nhiều miền đất trên thế giới, năm 1993, Thomas Hooft quyết định chọn Đà Lạt để đầu tư trồng hoa. Thomas nói: “Ngay khi đặt chân đến Đà Lạt, tôi đã thấy “kết”, bởi ở đây có khí hậu thích hợp, nông dân có kinh nghiệm trồng hoa từ lâu và cơ sở vật chất, hạ tầng đảm bảo. Đó là điều kiện để sản xuất hoa theo quy mô công nghiệp. Ban đầu, chúng tôi đầu tư 2,5ha nhà kính, sau đó thấy kết quả tốt nên đã tăng dần diện tích, đến nay công ty đã phát triển được 70ha nhà kính trồng khoảng 500 chủng loại hoa”. Dẫn chúng tôi tham quan trang trại trồng các loại hoa hồng, tulip, lyly… tại đường Nguyên Tử Lực (Đà Lạt), Thomas cho biết toàn bộ đều được đầu tư đồng bộ. Hệ thống nhà kính được nhập từ phương tây về, có mái đóng mở tự động bằng cảm ứng, hệ thống màn che khi trời nắng, nhiệt độ cao. Các khâu tưới nước, bón phân, điều hòa nhiệt độ cũng hoàn toàn tự động hóa. Đặc biệt, hiện Dalat Hasfarm đã có 8ha nhà kính trang bị hệ thống sưởi ấm vào ban đêm.

Sau 15 năm hoạt động, Dalat Hasfarm đã trở thành doanh nghiệp sản xuất hoa lớn nhất châu Á với sản lượng hoa hàng năm tới 80 triệu cành và 160 triệu cây giống hoa. Gần đây, đơn vị còn sản xuất các loại hoa chậu và cây, lá trang trí. Công ty đang giải quyết việc làm cho trên 1.500 lao động thường xuyên và khoảng 400 lao động thời vụ. Năm 1996, lô hàng đầu tiên của Dalat Hasfarm xuất sang Thái Lan và tiếp đó là chinh phục các thị trường khác, trong đó có thị trường “khó tính” Nhật Bản. Hiện khoảng 80% sản phẩm hoa Dalat Hasfarm phục vụ xuất khẩu sang Châu Âu, Nhật, Úc, Đài Loan (Trung Quốc)…Và bây giờ Đà Lạt đã trở thành quê hương thứ hai của Thomas Hooft. 

Thung Lũng Nắng  

Chúng tôi gặp Vadim Kuznetsov (người Nga) tại Thung lũng Nắng - một trang trại nuôi cá hồi tại Đạ Sar (Lạc Dương). Không nói được tiếng Việt nhưng ông hồ hởi tiếp chuyện chúng tôi (qua phiên dịch) hàng giờ đồng hồ.
Ông Vadim Kuznetsov và sản phẩm cá nước lạnh.
Ông Vadim Kuznetsov và sản phẩm cá nước lạnh.
Vadim kể chuyện ông “bén duyên” với cá hồi (loài cá nước lạnh xuất xứ từ Nga) rất tình cờ. Là luật sư, cách đây 10 năm, Vadim sang Việt Nam với tư cách là người phụ trách mảng pháp lý cho một công ty chế biến cá tại tỉnh Khánh Hòa. Trong thời gian làm việc ở đây, ông tiếp xúc và trở thành bạn thân với tiến sĩ Lê Thanh Lựu (Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1), người có công đầu trong việc đưa các giống cá nước lạnh về Việt Nam. Sau đó, từ gợi ý của tiến sĩ Lựu, Vadim đã đến Lâm Đồng khảo sát tìm nơi lập trang trại nuôi cá nước lạnh. Năm 2008, ông quyết định chọn con suối giữa khu rừng sâu thuộc xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương) để lập trang trại cá Thung Lũng Nắng. Từ đó, ông sống với rừng, cùng làm việc với công nhân trong việc thiết kế, xây dựng hệ thống hồ nuôi. Lúc đầu, trang trại của ông chỉ làm đơn giản, dạng ao trải bạt. Sau khi nuôi thấy hiệu quả, ông quyết định xây dựng hệ thống hồ nuôi kiên cố bằng bê tông có mái che. Hệ thống dẫn nước, lọc nước hiện đại, vì yêu cầu đầu tiên của con cá hồi là nước phải lạnh và sạch. Vadim cho biết, ở quê ông (miền bắc nước Nga), người ta cũng nuôi cá hồi nhưng do thời tiết quá lạnh (có khi xuống tới -30 độ C) nên thời gian từ khi ươm ấp con giống đến thu hoạch phải mất 3 năm, còn ở Đà Lạt, nhờ nhiệt độ thích hợp (từ 16-17 độ C) nên thời gian chỉ 1 năm (1,4 - 1,5kg/con). Hiện trang trại Thung Lũng Nắng có quy mô 8ha, trải dài trên 2,3km suối với khoảng 30.000 con cá hồi, mỗi tháng cung ứng 1,5 – 2 tấn cá cho thị trường Đà Lạt, TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Cứ 3 tháng, trang trại nhập một đợt trứng về ươm ấp để nuôi và cung ứng cá giống cho các đơn vị bạn. Ngoài ra, trang trại cũng nuôi thử nghiệm 6 giống cá tầm, trong đó một số giống đang phát triển tốt, sẽ tiến hành nuôi thương phẩm trong thời gian tới. Trò chuyện với chúng tôi, Vadim cho biết, môi trường đầu tư ở Việt Nam, Lâm Đồng rất tốt. Ông muốn gửi lời cám ơn chính quyền địa phương rất tạo điều kiện, nhất là đối với những đơn vị đầu tư vào nông nghiệp như Thung Lũng Nắng. Ông tiết lộ ý tưởng xây dựng nơi đây thành trung tâm sản xuất, cung cấp cá giống (nước lạnh) cho Việt Nam và cả châu Á, và ông dự định sẽ gắn bó lâu dài với mảnh đất này. Với tiềm năng đất đai, khí hậu, với chính sách mở cửa, thông thoáng, mời gọi, Lâm Đồng đang ngày càng nhiều những ông bà Tây đến đầu tư, tình nguyện làm nông dân Việt.
Thanh Hằng – Nam Dương 

Đọc thêm