Tây Phi “nóng” với nạn cướp biển

Theo Cơ quan hàng hải quốc tế, số vụ cướp biển ngoài khơi Tây Phi thời gian qua đã tăng rất mạnh, nhất là ngoài vùng biển Nigeria và Benin. Điều này làm gia tăng những lo ngại rằng khu vực này có thể giống như Somalia, trở thành một nỗi ám ảnh với lưu thông hàng hải quốc tế...

Theo Cơ quan hàng hải quốc tế, số vụ cướp biển ngoài khơi Tây Phi thời gian qua đã tăng rất mạnh, nhất là ngoài vùng biển Nigeria và Benin. Điều này làm gia tăng những lo ngại rằng khu vực này có thể giống như Somalia, trở thành một nỗi ám ảnh với lưu thông hàng hải quốc tế.

Theo đó, năm nay Nigeria và Benin đã ghi nhận 22 vụ cướp biển tấn công tàu bè (năm ngoái Benin không xảy ra vụ nào).

Giới quan sát cho rằng, số vụ xảy ra trên hải phận Nigeria còn cao hơn nhiều bởi nhiều chủ tàu không dám khai báo do chở dầu có nguồn gốc bất hợp pháp và lo ngại phí bảo hiểm tăng.

cuopbien
Ảnh minh họa.

Tình trạng tồi tệ đến mức đầu tháng 8 này Công ty bảo hiểm Lloy (Anh) đã xếp hải phận Nigeria, Benin và các vùng biển lân cận có mức nguy cơ cao như Somalia.

Còn theo một công ty an ninh có trụ sở tại Đan Mạch, trong 8 tháng qua nạn cướp biển ở Vịnh Guinea (kéo dài theo bờ biển của hàng chục nước từ Guinea tới Angola) đã leo thang từ cướp có vũ trang đơn giản thành cướp có quy mô lớn, chiếm giữ tàu, chiếm đoạt hàng hóa.

Người ta cho rằng, phần đông cướp biển có nguồn gốc Nigeria – nơi tình trạng vô pháp luật khiến tội phạm lan tràn.

Theo các nhà phân tích, cướp biển Tây Phi trở nên mạnh dạn hơn khi thấy hoạt động từ đồng bọn của chúng ở Somalia.

Tuy nhiên, cướp biển ở hai khu vực này có những điểm khác biệt lớn: bọn ở Tây Phi tập trung cướp hàng hóa hơn là chiếm giữ tàu để đòi tiền chuộc.

Mặt khác, những tên từ Nigeria sẵn sàng sử dụng bạo lực hơn như đánh thủy thủ bằng bang sung, dây cáp, không ngần ngại đâm hoặc bắn chết những người cản trở chúng (đã có ít nhất 2 trường hợp xảy ra).

Với cướp biển Benin, chúng có xu hướng tấn công các tàu chở dầu, rút toàn bộ dầu và thả tàu đi.

Thời gian qua, Mỹ và nhiều nước phương Tây đã tổ chức lực lượng chống cướp biển tuần tiễu ngoài khơi Đông Phi song không có đối tác nào thuộc khu vực Tây Phi nên họ phải tự xoay xở.

Hiện Benin hết sức lo ngại bởi 40% ngân sách hàng năm thu được từ các hoạt động liên quan tới cảng biển trong khi tham mưu trưởng lực lượng hải quân nước này là Maxime Ahoyo cho biết đã có vài chục tàu lớn không dám cập bờ Benin vì sợ cướp biển.

Nigeria cũng mới cử một số quan chức thuộc lực lượng hải quân và hàng hải để bàn thảo nhiều vấn đề, trong đó có chiến lược chống cướp biển.

Theo Antony Goldman, chuyên gia của Công ty tư vấn PM có trụ sở tại London (Anh), vẫn chưa thể tin tưởng được điều gì vì người ta còn đặt câu hỏi về phạm vi thông đồng giữa lực lượng an ninh và các nhóm có vũ trang tại Nigeria.

Q.Dương (theo Guardian)

Đọc thêm