Tết của con “sếp”

Cảm giác một mình cứ kéo dài lê thê từ ngày này qua ngày khác, hương tết đối với con xa vời quá, cứ ở mãi đẩu đâu.

Mấy hôm nay đi học về, nhìn nhà cửa lạnh tanh, bố mẹ vẫn còn bận rộn cuối năm với những hợp đồng, dự án. Con thầm hỏi: “Nhà của mình đây ư?”. Cảm giác một mình cứ kéo dài lê thê từ ngày này qua ngày khác, hương tết đối với con xa vời quá, cứ ở mãi đẩu đâu.

Ai cũng bảo con sướng như “công tử bột”, có bố mẹ làm sếp, tha hồ tiêu tiền. Bạn bè nhìn vào con trầm trồ ghen tỵ. Đúng là cuộc sống của con quá đầy đủ, quá dư thừa tiền bạc. Vậy mà con lại cảm thấy thiếu và thèm những cái tết ngày nào.

Cái ngày ấy, khi bố còn là công chức, mẹ là cô giáo cấp 3, cuộc sống êm ả trôi qua. Tết đến bố lại lo làm bánh chưng. Mẹ dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa đồ đạc trong nhà. Con giúp bố việc này, giúp mẹ việc khác. Bánh chưng thơm mùi lá dong cứ bốc khói nghi ngút. Kinh tế ngày ấy còn eo hẹp, khó khăn nhưng sao trong nhà vẫn rộn tiếng cười. Bố cũng chẳng đi biền biệt, mẹ cũng không gắt gỏng như bây giờ.

Cách đây không lâu lắm, con vẫn nhớ như in những lúc bố mẹ dắt tay con đi chúc tết từng nhà. Con chờ đợi tết đến, sẽ được mẹ mua quần áo mới, được lì xì những đồng tiền lẻ, nhận được những lời chúc yêu thương. Nhưng khi có nhiều tiền rồi thì những điều đó nay còn đâu?

Bây giờ, tết không bánh chưng, không lá dong, không còn những buổi cơm tối có đủ 3 người. Tất cả cũng chỉ vì bố thay đổi công việc, bố thăng chức, làm sếp của một công ty, đồng nghĩa với việc có tiền mua nhà, đồ đạc tiện nghi. Mẹ cũng chẳng còn phải lên bục giảng nữa mà cùng giúp bố một tay trong việc kiếm tiền. Tự nhiên con trở thành “con sếp”. Đó cũng là lý do con không còn những bữa cơm gia đình.

Con bảo thèm cơm mẹ nấu, mẹ chỉ gắt gỏng là không có thời gian, cứ ăn quán ăn hàng là nhanh nhất, vừa tiện vừa ngon. Con lại bảo thèm những lúc ba người, bố, mẹ và con cười nói vui vẻ bên nhau, thèm những đêm giao thừa, tết đến trong nhà có bánh chưng. Nhưng mẹ cứ chăm chăm vào sổ sách tính toán, vào những cái phong bì chứ nào để ý đến lời con nói?

Tết đến, cấp dưới của bố đến tặng quà, biếu tết chật nhà. Những cái phong bì toàn đô la dày cộp, bia rượu suốt ngày, những cái bao lì xì con nhận được cũng nhiều hơn. Từ khi bố làm sếp, năm nào tết con cũng nhận được “lương” như thế. Rồi bố mẹ lại bận đi chúc tết đối tác, mở rộng quan hệ và con lại một mình, cô đơn.

Lâu rồi con chưa biết giây phút giao thừa ra sao và cũng không biết từ lúc nào con không còn cái tết đúng nghĩa. Có năm con trốn tránh cảm giác một mình bằng việc xin về quê ăn tết với ông bà Nội.

Đã bao lâu nay bố mẹ thờ ơ với  tết nhất. Bánh chưng thì mua trong siêu thị, đồ ăn sẵn chất đầy tủ lạnh. Bố lì xì cho con một số tiền lớn. Mẹ lại cho thêm một ít nữa với lời dặn: “Ở nhà ngoan nghe con. Đồ ăn trong tủ lạnh, con tự lấy mà ăn nhé. Tối về, mẹ nấu cơm cho mà ăn”. Nhưng đến tối thì bố say khướt, mẹ la mệt nên cũng quên luôn lời hứa. Nhìn thấy nhà người ta đầm ấm bên mâm cơm gia đình, cùng nhau đi sắm tết mà con chỉ biết rớt nước mắt.

Có bao giờ bố mẹ biết con chờ đợi một cái tết đầm ấm, quen thuộc biết nhường nào? Chỉ còn vài ngày nữa là tết đến rồi, con lại nín thở chờ đợi. Ước gì tết năm nay con sẽ có bánh chưng ăn, sẽ lại nhận được những lời chúc bình dị của bố mẹ như ngày xưa.

Khi không khí tết đã đến với mọi nhà thì nhà mình, bố mẹ vẫn còn bận rộn với việc kiếm tiền, với hàng mớ công việc chưa giải quyết xong vì quan điểm của mẹ đơn giản lắm: “Đã có tiền thì ngày nào cũng là tết”. Tết chưa đến mà lòng con đã trống rỗng. Tết của “con sếp” đơn điệu quá.

Theo Eva

Đọc thêm