Tết này có về nhà?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Trào lưu” một số địa phương ra văn bản “vận động” người xa quê không về nhà đón Tết Nhâm Dần 2022 để phòng chống dịch bệnh lây lan; cũng là thời điểm một ca sĩ có tiếng tung ra một bài hát có nội dung “Mang tiền về cho mẹ/ Đừng mang muộn phiền về cho mẹ”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Với người Việt, Tết Nguyên đán là quãng thời gian cần về với gia đình nhất, là thời điểm cả nước diễn ra cuộc di chuyển đông nhất, nhiều nhất. Năm 2021, nhiều triệu người đã không thể về quê mà bám trụ lại TP, nơi làm việc để tuân thủ giãn cách xã hội. Thế nên Tết này, nhiều người cùng nóng lòng được đoàn tụ với gia đình trong dịp Tết sắp tới.

Thế nhưng, kế hoạch của nhiều triệu người có nguy cơ đổ bể. Tại một loạt địa phương trên cả nước, có những nơi chính quyền ra “Thư ngỏ” vận động người dân sinh sống, học tập, công tác xa tạm thời không về quê dịp Tết nếu không thật sự cần thiết, đặc biệt là trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Có những nơi ra công văn yêu cầu lao động làm việc ngoại tỉnh có nhu cầu về quê, cần về trước ngày 10/1 (8 tháng Chạp), “nhằm đảm bảo cách ly y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế” (dù thực sự Bộ Y tế không hướng dẫn như vậy”.

Vận động kiểu “nửa nạc, nửa mỡ”, hoặc trái quy định của Trung ương, khiến nhiều người về không được, ở không đành và có cảm giác bị chính quê hương mình kỳ thị. Khi cả nước chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn với Covid-19 và Việt Nam là một trong sáu nước có độ phủ vaccine cao nhất thế giới, những vận động nêu trên quả là “rất khó hiểu”.

Với những người bảo vệ quan điểm “vận động” trên, sẽ đưa ra lý do “phòng hơn chống”. Có thể thông cảm với tâm lý “sợ COVID” quá mức này. Có thể thông cảm với những người còn chưa có nhiều kiến thức về COVID, không thực sự hiểu quan điểm cả thế giới “sống chung với Covid” là như thế nào. Nhưng chỉ vì quan điểm của cá nhân mình mà ảnh hưởng đến cả xã hội là khó chấp nhận. Quan điểm này, xét ở một góc độ nào đó, cũng không khác quan điểm của một số ít người mù quáng cho rằng “tiêm vaccine là độc hại”.

Về phía các chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội khẳng định: “Việc di chuyển giữa các tỉnh không thể làm bùng dịch, nếu người dân thực hiện nghiêm quy định phòng ngừa. Chúng ta cũng không sợ tình trạng dịch lan truyền từ tỉnh này sang tỉnh kia bởi giờ tỉnh nào cũng có”. Ông Hùng cho rằng việc yêu cầu người dân về sớm để cách ly hay vận động “đừng về quê ăn Tết” không có nhiều hiệu quả phòng chống dịch; và quy định cách ly 14 ngày với người về từ vùng dịch ở một số địa phương chưa thật sự thỏa đáng, khi người dân đa phần đã tiêm hai mũi vaccine.

Đến giờ này, khi Tết đã cận kề, chắc chắn nhiều chục triệu người vẫn phân vân Tết này nên về hay ở. Một bài hát đang “hot” trên mạng có câu “Mang tiền về cho mẹ/Đừng mang muộn phiền về cho mẹ”. Mang tiền về cho mẹ thì ai cũng muốn, nhưng năm qua khó khăn, Tết này tiền sẽ ít hơn, thậm chí không có. Còn muộn phiền, nếu tâm lý lệch lạc “vận động không về quê ăn Tết” ở một số nơi còn tồn tại như thế thì rất có thể mẹ sẽ vừa mừng khi thấy con về, vừa muộn phiền khi bị hàng xóm láng giềng “kỳ thị”.

Đọc thêm