Tết quê giữa phố

Quanh năm mất dạng “tăm hơi”, bỗng dưng đến Tết lại thấy lạt, lá, bánh tổ, củi v.v... ùn ùn ra phố. Nhiều thứ trong số này bình thường ít được chuộng. Nhưng hễ Tết về, chúng lại trở nên hút hàng.

Quanh năm mất dạng “tăm hơi”, bỗng dưng đến Tết lại thấy lạt, lá, bánh tổ, củi v.v... ùn ùn ra phố. Nhiều thứ trong số này bình thường ít được chuộng. Nhưng hễ Tết về, chúng lại trở nên hút hàng.

Mô tả ảnh.
Vẫn còn nhiều người “chơi sang” bằng cách nấu bánh chưng bằng củi.

Lạt, lá… “lên đời”

Đường Ông Ích Khiêm, những ngày này xuất hiện thêm mấy hàng lạt. Gói bánh chưng, bánh tét mà thiếu dây lạt thì coi như chưa đủ “tiêu chuẩn” bánh quê. Nên trong dịp đặc biệt của năm, những người thích tự tay làm bánh vẫn muốn mua cho được dây lạt thay cho những loại vật liệu khá dễ tìm như dây nhựa. Mỗi bó lạt “mình” có 100 sợi, giá 20 nghìn đồng. Nếu không sành chọn lựa, người gói chỉ có thể sử dụng được chừng 50 dây trong một bó. Riêng với lạt đến từ quê hương… nước bạn Lào, theo lời quảng cáo của người bán, năm nay, lạt Lào có vẻ chiếm ưu thế hơn

so với lạt ta. Loại này có giá mềm hơn với 15.000 đồng/bó, lại có độ dai, bền, cột sợi nào ăn chắc sợi đó.
Không chỉ có lạt, lá chuối cũng sôi động không kém cạnh khi có hàng tạ lá được mua vào, bán ra mỗi ngày tại chợ Cồn. Diện tích đất nông nghiệp tại thành phố thu hẹp, vì vậy hầu hết nguồn lá chuối hiện nay rặt là hàng quê Quảng Nam. Bình thường, lá chuối được dùng vào nhiều mục đích như cột, gói bánh nậm, bột lọc, nên loại lá nhỏ hay còn gọi là lá nát, có giá chừng 4-5 nghìn đồng/kg được ưa chuộng. Ngược lại, lá chuối bán trong dịp Tết phải chọn loại với lá to, đều nên giá cả có nhỉnh hơn.

Bỗng dưng trở...“hot”

Mô tả ảnh.
Lá chuối ùn ùn lên phố.

Trong những căn bếp ở các ngôi nhà phố, hầu như không còn bóng dáng của một thời nấu củi. Với những lò chuyên nấu bánh chưng, than tổ ong đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu khi củi mỗi ngày một hiếm. Theo ông Thanh, người bán củi tại khu vực gần Bảo tàng Điêu khắc Chămpa, giá một viên than chở đến nhà khoảng 2 nghìn đồng. Trong khi một thanh củi nhỏ đã 2.700 đồng. Nấu một nồi bánh chỉ cần vài viên than là đủ, nhưng dùng củi thì cần trung bình từ 20-25 cây. Từng ấy đã cho thấy, nếu trước đây chỉ có người nghèo mới dùng củi, thì ngày nay đun củi là một kiểu… chơi sang.

Nhưng hễ Tết về, không ít người vẫn mạnh dạn rút hầu bao để mua củi nấu nên một nồi bánh đúng hương vị quê nhà. Ông Thanh cho biết, càng sát Tết, số người đến mua củi lẻ càng đông. Loại củi được dùng phổ biến những năm gần đây là dương liễu do các hộ tại Quảng Nam tự trồng. “Những loại cây khác mà chặt để đốt thì hỏi… kiểm lâm, biết liền”, ông Thanh hóm hỉnh nói.

Tại các chợ nhỏ, thêm một “sản vật” có thể nói bình thường có cho cũng chẳng ai buồn lấy, nhưng đến Tết vẫn hút hàng, đó là trái cây… non. Mâm ngũ quả dùng để chưng trong ba ngày Tết bao gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài hàm chứa niềm mong mỏi của người dân lao động: “Cầu vừa đủ xài”. Nhưng vào những ngày giáp Tết, sắm một mâm ngũ quả chí ít phải ngốn khoảng 200 nghìn đồng, nên một số người nghèo chọn các loại quả non được bà con ngắt vội trong vườn nhà ra bán với giá cũng tạm… đủ xài.

TOÀN VÂN

Đọc thêm