Tưng bừng “Trống hội trăng thu”
Từ ngày 6 - 13/9 (ngày 9-15/8 âm lịch), Ban quản lý Phố cổ tổ chức Tết Trung thu với các hoạt động văn hóa, giới thiệu trò chơi dân gian và nghề thủ công truyền thống. Hoạt động này nhằm góp phần tôn vinh giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của Hà Nội, đồng thời tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá cho du khách về phong tục, tập quán, nét văn hoá Lễ hội Trung thu trong khu phố cổ Hà Nội và trên phố Bích họa Phùng Hưng.
Tại không gian văn hóa phố bích họa Phùng Hưng sẽ diễn ra nhiều hoạt động sắp đặt các gian hàng giới thiệu về đồ chơi; các nghệ nhân và thợ thủ công hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống như: đèn ông sao, ông tiến sĩ, ông đánh gậy do thợ thủ công Vân Canh, huyện Hoài Đức thực hiện; đèn kéo quân do nghệ nhân xã Cao Viên (huyện Thanh Oai) thực hiện; tàu thủy bằng sắt tây do thợ thủ công phường Khương Hạ (quận Thanh Xuân) thực hiện…; tổ chức không gian vui chơi dành cho thiếu nhi như: ô ăn quan, cướp cờ, đánh chuyền... Tại Đình Kim Ngân (số 42-44 Hàng Bạc), các nghệ nhân cũng sẽ giới thiệu, trình diễn và hướng dẫn cách làm đồ chơi dân gian.
Người dân, các em thiếu nhi còn có cơ hội chiêm ngưỡng bộ ảnh Trung thu phố cổ đầu thế kỷ XX của Trung tâm Thông tin Khoa học Xã hội - Viện Hàn Lâm khoa học Xã hội Việt Nam; được giới thiệu không gian Tết trung thu truyền thống của gia đình Hà Nội tại Ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây).
Còn tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ) sẽ hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống như: vẽ mặt nạ, vẽ đèn tre, làm bưu thiếp và vẽ trên giấy dó, làm đèn con thỏ, vẽ con cá bằng gỗ.
Nhiều đồ chơi dân gian như đèn kéo quân, tàu thủy sắt tây, mặt nạ giấy bồi, đèn ông sao… được giới thiệu tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long trong chương trình Trung Thu với chủ đề “Trống hội trăng thu”.
Ban tổ chức cho biết không gian trưng bày Trung thu truyền thống năm nay có nhiều nét mới, với những chiếc trống hội đủ kích thước, màu sắc được trưng bày, sắp đặt, gợi nhớ không gian hội hè, lễ, Tết rất quen thuộc ở làng quê Việt Nam.
Không gian trò chơi dân gian cũng mang đến cảm giác thú vị khi đưa người xem trở về thế giới tuổi thơ cùng mặt nạ giấy bồi, đèn kéo quân truyền thống, đèn ông sao, đèn con thỏ, con giống bột… Ngoài ra, công chúng còn được chiêm ngưỡng mô hình những chiếc đèn kéo quân bằng sắt hay bằng sành độc đáo và lạ mắt.
Chương trình “Trống hội trăng thu” tại Hoàng thành Thăng Long tổ chức năm nay còn tái hiện không gian trải nghiệm các trò chơi dân gian của Trung thu truyền thống xưa như: Biểu diễn múa sư tử, trống ếch, làm bánh Trung thu, tô vẽ mặt nạ giấy bồi, làm diều, tô tranh, nặn tò he, chơi bập bênh, cầu trượt… Các em thiếu nhi sẽ được các nghệ nhân dạy cách làm trò chơi dân gian.
Đau đáu giữ hồn dân tộc
Ông Trịnh Bách là người yêu văn hóa cổ, ông luôn nhớ tới những món đồ chơi truyền thống mỗi khi trăng tròn tháng 8 tới gần và đi tìm những di sản đã mất để phục dựng lại. Ông Bách không chỉ phục dựng các hiện vật, trang phục cung đình triều Nguyễn mà còn đau đáu phục hồi những đồ chơi dân gian của trẻ em thời xưa trong dịp Trung thu.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa này, có ba phẩm vật của Tết Trung thu được trẻ em ngày xưa chuộng nhất là bánh trung thu, con giống bột và đèn lồng phết giấy để rước cùng các đám múa sư tử. Có lẽ, Việt Nam là đất nước độc nhất có tục lệ nặn con giống bột làm đồ chơi trẻ em cho dịp Tết Trung thu. Tục nặn con giống bột có từ hàng trăm năm trước.
Từ đầu thế kỷ 20, Viện Viễn đông Bác Cổ còn lưu giữ ảnh chụp những con giống bột, chú thích là “Đồ chơi bằng bột nhuộm màu của Tết Trung thu Hà Nội”. Ngoài hồi sinh những món đồ chơi đất nặn cổ truyền, ông Trịnh Bách còn phục hồi những chiếc đèn lồng xưa.
Những chiếc đèn lồng được ông Bách kỳ công khôi phục mang đủ hình dáng dễ thương của con thỏ, con bướm, con cá... và có thể thắp sáng bằng nến hay bóng đèn điện, khác hẳn những chiếc đèn ông sao xẹp lép đang bán hàng loạt trên thị trường.
Những món đồ chơi đất nặn xưa được “hồi sinh” tại Bảo tàng Dân tộc học, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Phố cổ Hà Nội. Bao cặp mắt tròn xoe, thích thú của trẻ nhỏ khi được ngắm nhìn cóc ba chân trên cung trăng, rồng, cá… đầy tinh tế với đủ sắc màu. “Đây là thành quả của chúng tôi sau nhiều năm phục hồi món đồ chơi đất nặn xưa.
Hiện chúng tôi đang truyền dạy những bí kíp làm món đồ chơi đất nặn này cho các bạn trẻ yêu văn hóa truyền thống. Hy vọng, Trung thu những năm tới, những món đồ chơi bột nặn có hàng trăm tuổi này sẽ ngập tràn tại Hà Nội.
Với những món đồ chơi bột nặn và lồng đèn Trung thu truyền thống đó, hy vọng trẻ em Hà thành sẽ đón mùa Trung thu một cách cổ truyền, ý nghĩa hơn; và như thế sẽ trân trọng những tinh hoa, đượm hồn dân tộc hơn”- nhà nghiên cứu Trịnh Bách lâng lâng hạnh phúc.
Cũng là những người đau đáu giữ hồn dân tộc, hai ông Vũ Văn Sinh và Nguyễn Văn Quyền tại thôn Đàn Viên (xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) là một trong ít nghệ nhân Hà Nội được biết đến với nghề làm đèn kéo quân (đèn cù).
Đây một loại đồ chơi truyền thống bằng giấy dán vào khung tre, nứa được trẻ em rất ưa thích mỗi dịp Tết, Trung thu. Cây đèn kéo quân có mục đích ban đầu là để trẻ em nhớ về lịch sử cũng như giáo dục lòng yêu nước nên hình ảnh trên cây đèn thường nói về việc nghĩa, về những đoàn quân lính xung trận (nguồn gốc của tên gọi "kéo quân").
Về sau người ta mở rộng nhiều đề tài khác như thêm ông quan trạng vinh quy bái tổ, cảnh tứ linh nhảy múa, bác nông dân làm ruộng, mục đồng chăn trâu, bức tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, hình chú Tễu, chú cuội, chị Hằng…
Hiện nay, tại thôn Đàn Viên có lịch sử hơn 100 năm làm đèn kéo quân, chỉ còn 2 nghệ nhân vẫn ngày ngày làm đèn kéo quân và sẵn sàng dạy nghề cho lớp trẻ, để níu giữ nghề xưa. Vì lòng đam mê nên, dù khó khăn nhưng hai nghệ nhân vẫn quyết tâm giữ nghề, vẫn sẽ đi dạy lũ trẻ ở bất cứ nơi nào.
Hơn ai hết, các nghệ nhân mong muốn những trẻ nhỏ có mùa trăng ý nghĩa, tuổi thơ trong sáng, giữ gìn văn hóa dân gian truyền thống, tốt đẹp.