|
Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài trên biên giới Việt Nam - Căm-pu-chia. Nguồn: Internet |
Tuy không khí đón Xuân trầm lắng hơn quê nhà nhưng không vì thế mà những ngày Tết của cộng đồng người Việt sống tại đất nước Campuchia kém đi phần ý nghĩa, vui tươi. Bên cạnh những lời chúc tụng và phút giây sum vầy vui chơi, Tết cổ truyền của người Việt xa xứ trên đất nước chùa Tháp còn có nỗi nhớ quê hương và những ân tình san sẻ yêu thương giữa những người đồng cảnh.
Để đổi không khí đón Xuân, sáng mồng 3 Tết, chúng tôi quyết định sang vui Tết cổ truyền dân tộc với cộng đồng người Việt sống ở khu cầu Sài Gòn, nằm ven dòng sông Basac, một nhánh rẽ của dòng Mê-kông hùng vĩ, thuộc quận ngoại thành Miêng-chay (thủ đô Phnôm Pênh). Xuất phát tại khu phố Tây trên đường Phạm Ngũ Lão (quận 1, TP Hồ Chí Minh), sau gần 5 giờ đồng hồ lăn bánh trên đoạn đường xuyên Á dài gần 200km, chiếc xe xuyên quốc gia của Hãng xe Sapaco dừng bánh trước chợ Chbar Ampeou, “cửa ngõ” dẫn vào khu sinh sống của cộng đồng người Việt sầm uất nhất Nam Vang (tên gọi xưa của thủ đô Phnôm Pênh). Đón chúng tôi là anh Mai Đình Tuấn, quê ở tỉnh Quảng Ngãi, sang Campuchia lập nghiệp gần 20 năm qua, người mà chúng tôi gặp lúc bung lưới đánh bắt cá trên Biển Hồ (Xiêm Riệp) hơn 4 năm trước. “Khu cầu Sài Gòn còn được biết đến với tên gọi Đồng nhà cháy vì nơi đây từng xảy ra 2 cơn bão lửa khủng khiếp thiêu rụi hơn 1.000 nhà dân nơi đây. Tại đây cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn nên việc đón Tết hẳn là không xôm tụ như các khu sinh sống của người Việt trong nội ô Nam Vang. Nhưng nghèo cỡ nào thì Tết nhứt bà con cũng sửa sang nhà cửa, sắm bánh mứt, cúng kiếng không khác gì Tết nơi quê nhà” - anh Tuấn bộc bạch.
Vào sâu trong khu dân cư Đồng nhà cháy, chúng tôi bắt gặp nhiều hình ảnh nước Việt thân thương. Đó là những nụ cười thuần Việt của các bà, các chị khi biết có bà con người Việt sang thăm. Cùng đó là rừng bảng hiệu song ngữ Việt - Campuchia nào là hủ tiếu, cà phê, tiệm hớt tóc, tiệm thuốc tây… và những nhóm trẻ con đang nô nức vui đùa, xúng xính trong những bộ quần áo mới kẻng được giặt sạch từ mấy hôm trước. Bà Hoà cho biết vui Tết Tân Mão 2011, gia đình bà như nhiều gia đình khác chuẩn bị từ trước đó cả tháng: “Lo chạy ăn từng bữa, nếu không có kế hoạch thì lấy gì mà ăn Tết chú ơi! Đến cận Tết thì đập heo cũng đủ tiền mua bánh mứt, vài ký thịt, đòn bánh tét… cho mấy đứa nhỏ ăn chơi thả giàn”.
Cô giáo Chu Thị Việt Ái, giáo viên tình nguyện dạy chữ miễn phí cho những đứa trẻ con nhà nghèo phía sau chợ tâm tình rằng, cư dân cầu Sài Gòn chủ yếu sinh sống bằng các nghề buôn gánh bán bưng, khuân vác, làm thợ sơn, công nhân xây dựng… Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng bà con cũng ý thức cho các con đến lớp để học lấy con chữ đặng mai này vào đời biết đọc biết viết, biết tính toán không để mình bị thua thiệt. Chúng tôi sang nhà cụ Nguyễn Hoành, 78 tuổi, một trong vài mươi cư dân đầu tiên định cư ở vùng này để hỏi thêm chuyện “Tết Việt trên đất nước chùa Tháp”. Cụ Hoành cho biết, năm mới của người Khmer được gọi là Chaul Chnam Thmey đến muộn hơn Tết của người Việt, thường rơi vào ngày 13 hoặc 14-4 hằng năm, nhờ vậy mà cộng đồng người Việt ở Campuchia năm nào cũng được “ăn” 2 cái Tết. “Tuy khác nhau về ngày tháng năm nhưng Tết của người Việt và người Campuchia đều có điểm chung là diễn ra trong 3 ngày, mọi người đều dồn sức vào việc vui chơi, thăm hỏi, chúc tụng nhau và không thể thiếu mâm cơm cúng ông bà tổ tiên”. Nói chuyện hoà hợp dân tộc, cụ Hoành tấm tắc: “Ai cũng biết trong chiến tranh chống họa diệt chủng Pôn Pốt, nhờ sự hỗ trợ của quân tình nguyện Việt Nam mà người dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Nên trong sâu thẳm, nhân dân Campuchia luôn ghi nhớ cái ơn ấy và luôn tạo điều kiện cho bà con người Việt làm ăn, sinh sống. Khi đến Tết cổ truyền của người Việt, bà con Khmer ở quanh vùng cũng sang chúc mừng và cùng chung vui với dân mình hết tình hết nghĩa”.
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng nhìn chung Tết cổ truyền của cộng đồng người Việt ở khu cầu Sài Gòn không thiếu niềm lạc quan và hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn, làm ăn khấm khá hơn của những người con Việt xa xứ. Bên cạnh những niềm hân hoan ấy của những người trẻ, chúng tôi cũng thấy thấp thoáng những ánh mắt ưu tư của những người già khi nhiều năm rồi không được đón Xuân nơi quê cha đất mẹ, bởi nơi quê nhà chẳng còn người thân, người vì hoàn cảnh kinh tế, vì lý do sức khoẻ khó trở về. “Tuy không về Việt Nam nhưng điều an ủi là năm nào tôi và nhiều người khác cũng thấy ấm lòng khi cảm nhận được không khí vui Tết của bà con nơi quê nhà và nhận được lời chúc Tết của lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua radio, tivi” - bà Hồ Thị Loan, ở cuối khu Đồng nhà cháy, chia sẻ!
Theo: cand.com.vn