Chỉ cách nhau một chiếc cổng sắt, nhưng cuộc sống bên trong và bên ngoài cánh cửa bệnh viện dường như khác nhau một trời một vực. Nếu ngoài kia, mọi người hối hả về quê ăn Tết, thì nơi góc hành lang của bệnh viện, nhiều người chẳng màng bàn chuyện Tết nhất.
Không về nhà,sợ tốn tiền xe
|
|||
“Năm ni ăn Tết trong bệnh viện là cái chắc rồi. Về thì tốn kém đủ thứ mà sức khỏe cũng không bảo đảm”.TRONG ẢNH: Bà Trương Thị Phước (trái) và chị Lê Thị Lan. |
Những người có kinh nghiệm “ăn dầm, nằm dề” trong bệnh viện mách nước: Chỉ cần lướt qua hành lang, ở đâu có chiếu, mền, thùng giấy gói ghém gọn gàng, ở đó có người ăn Tết ở bệnh viện. Trước Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đà Nẵng, bà Diệu (62 tuổi, quê Đại Lộc, Quảng Nam) thản nhiên nằm đọc sách. Cái góc hành lang đã quá quen thuộc với bà, bởi 3 năm rồi, người đàn bà không chồng, không con này tự coi bệnh viện là nhà để ngày ngày ăn, ở và đợi tới đợt điều trị. Mỗi tuần chạy thận vài lần, những ngày còn lại không điều trị, bà Diệu cũng chẳng biết đi đâu về đâu ngoài việc quanh quẩn trong bệnh viện.
Trên phần chiếu bên cạnh chỗ bà Diệu nằm, chị Lê Thị Lan (37 tuổi, quê Mộ Đức, Quảng Ngãi) cũng dự định sẽ ăn Tết luôn trong bệnh viện. Mẹ chị Lan bị suy thận giai đoạn cuối nên một năm nay, chị khăn gói ra Đà Nẵng chăm sóc mẹ già. “Trước Tết, chắc tôi về quê cúng ông bà. Lật đật vài ngày rồi sẽ ra lại ngay”, chị Lan cho biết. Bình thường, khoảng 3 tháng chị mới về quê một lần, giá xe đò cho hai vòng đã là 100 nghìn đồng. Đến Tết, chị càng không dám về, bởi Tết thì giá xe đắt hơn. Cũng vì tiền xe đò mà bà Trương Thị Phước (60 tuổi, quê Đại Lộc, Quảng Nam) không dám nghĩ đến chuyện về nhà ăn Tết. Bà Phước tâm sự: “Mỗi lần về mất vài chục nghìn đồng. Số tiền này tôi dành dụm bồi dưỡng còn có ích hơn. Với lại, sức khỏe cũng không bảo đảm để đi lại nhiều”. Xa gia đình, ngày qua ngày, những con người trôi dạt từ nhiều vùng quê chỉ còn biết dựa vào nhau tìm niềm an ủi.
Đón Tết trong nỗi lo
|
|||
Người đàn ông này cũng chưa biết có thể đón Tết ở quê được không khi bệnh tình vợ ông đang rất nặng. |
Những câu hỏi của chúng tôi về Tết dường như trở nên lạc lõng khi các bệnh nhân nghèo không còn tâm trạng nhắc chuyện mừng Tết, đón xuân. Thay vào đó, họ ngập chìm trong bộn bề những nỗi lo trước một số thay đổi của ngành Y tế từ đầu năm 2010. “Tôi hoang mang lắm. Bắt đầu năm ni bệnh nhân nghèo sử dụng bảo hiểm y tế phải chi trả 5%. Rứa là răng cô hè?”, bà Phước hỏi. Rồi bà nhẩm tính: “Mỗi tuần tôi chạy thận 2 lần với tổng số tiền 800 nghìn đồng. Trả 5%, tức là 40 nghìn đồng. Rứa là tôi không dám chi tiêu, được đồng mô dồn vô trả cho bệnh viện”.
Chị Lan tiếp lời bà Phước: “Thêm cái chuyện ni nữa, từ ngày 1-1, người ta yêu cầu mỗi lần xin thuốc bảo hiểm phải có giấy chuyển viện loại bản chính, có con dấu đỏ. Trước đây chỉ cần giấy photo là được. Mà mỗi lần lấy giấy chuyển viện thì phải về quê. Nếu áp dụng quy định này, trung bình một năm hai mẹ con tôi phải về quê trên 30 lần. Tiền xe đâu cho phỉ. Hơn nữa, xin giấy chuyển cũng nhiêu khê lắm”.
Bài và ảnh: THU HOA