Tết với nhiều giáo viên ở ngoại thành: “Liệu cơm gắp mắm”

Dù mức thưởng Tết ít ỏi, khiến không ít cán bộ, giáo viên chạnh lòng so sánh với ngành này, ngành nọ, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến hoạt động sư phạm và chất lượng giáo dục.

Trường THPT Vĩnh Bảo nổi tiếng ở thành phố và cả nước vì 5 năm gần đây, năm nào nhà trường cũng có học sinh đỗ thủ khoa đại học. Học sinh ở đây không học thêm ngoài nhà trường, bởi vậy, giáo viên chỉ trông vào đồng lương “cứng”. Tết này, Hội cha mẹ học sinh nhà trường tặng mỗi cán bộ, giáo viên 100 nghìn đồng, nhà trường tự cân đối, hỗ trợ thêm mỗi người 400 nghìn đồng. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Hữu Kiên băn khoăn: “Tiền thưởng Tết thế này, chúng tôi cũng thương giáo viên lắm, nhưng nhà trường chỉ lo được đến thế. Thôi đành nhắc nhau liệu cơm gắp mắm vậy”.     

Cô giáo Trường mầm non xã Tiên Phong (huyện Vĩnh Bảo) trong giờ dạy.
Cô giáo Trường mầm non xã Tiên Phong (huyện Vĩnh Bảo) trong giờ dạy.
       

Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục - Đào tạo Hoàng Phú Mạnh cho biết, những ngày này, trong khi nhiều đơn vị, doanh nghiệp công bố mức thưởng Tết cho người lao động thì hơn 700 trường học, cơ sở giáo dục tại Hải Phòng vẫn im ắng. Lý do là mức hỗ trợ Tết của các trường cho giáo viên quá ít. Theo thống kê của Công đoàn ngành Giáo dục, mức thưởng Tết của ngành năm nay thấp nhất là 100 nghìn đồng/giáo viên, cao nhất khoảng 500 nghìn đồng/giáo viên. Như vậy, mức thưởng Tết của Trường THPT Vĩnh Bảo là khá cao so với nhiều trường học trong ngành Giáo dục - Đào tạo Hải Phòng. Tuy nhiên, số trường có mức thưởng như vậy không nhiều.

 Cũng theo Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục, giáo viên có hai nguồn tiền thưởng Tết. Nguồn thứ nhất trích từ quỹ phúc lợi của nhà trường (được xây dựng từ dịch vụ trông xe đạp hoặc tiết kiệm trong chi tiêu), nguồn thứ hai do Hội cha mẹ học sinh nhà trường và các lớp biếu, tặng. Ngoài ra,  những giáo viên làm chủ nhiệm hoặc dạy các bộ môn Toán, Văn, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học (khu vực nội thành) thường nhận được quà Tết của phụ huynh nhiều hơn so với giáo viên không làm chủ nhiệm hoặc dạy các bộ môn khác. Tại một số trường THCS, THPT điểm ở nội thành, giáo viên chủ nhiệm hoặc dạy môn quan trọng có thể nhận được quà Tết đến vài triệu đồng. Việc đi Tết thầy, cô giáo là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bởi vậy dân gian mới có câu “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Nhưng những năm gần đây việc này bị biến tướng nhiều, nặng về biếu xén vật chất, giảm ý nghĩa “tôn sư trọng đạo”.

Theo một số giáo viên Trường mầm non Tân Liên (Vĩnh Bảo), phụ huynh ở đây chủ yếu là nông dân, đời sống còn khó khăn, nên việc biếu quà Tết cô giáo hầu như không có. Với những giáo viên mầm non vùng xa như họ, thưởng Tết là cái gì đó rất xa vời....

Hiện toàn ngành giáo dục Hải Phòng có hơn 26 nghìn cán bộ, giáo viên. Trong số này, hàng nghìn giáo viên hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn gắn bó với nghề dạy học, hết lòng vì học sinh thân yêu. Nhằm chia sẻ với các đoàn viên công đoàn hoàn cảnh khó khăn, Công đoàn ngành trợ cấp quà Tết cho 300 giáo viên, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng. Toàn bộ kinh phí được trích từ hai quỹ ân nghĩa do cán bộ, giáo viên toàn ngành đóng góp từ năm 2000 đến nay. Món quà tuy nhỏ nhưng thể hiện sự quan tâm, sẻ chia giữa những người đồng nghiệp. Chủ tịch Công đoàn ngành Hoàng Phú Mạnh khẳng định, dù mức thưởng Tết ít ỏi, khiến không ít cán bộ, giáo viên chạnh lòng so sánh với ngành này, ngành nọ, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến hoạt động sư phạm và chất lượng giáo dục. Hầu hết giáo viên thành phố Cảng luôn miệt mài truyền thụ tri thức cho học sinh, được đồng nghiệp khâm phục và học sinh kính trọng.

         Bích Hạnh

Đọc thêm