Tết xa nhà, buồn lắm con ơi!

Tết đến gần, cánh cửa sắt vào Trung tâm Dưỡng lão Từ Liêm khép lại. Một cái Tết khác với lẽ thường lại hiện ra trớ trêu với những số phận người già.

Tết đến gần, cánh cửa sắt vào Trung tâm Dưỡng lão Từ Liêm, Hà Nội khép lại. Một cái Tết khang khác với lẽ thường lại hiện ra trớ trêu với những số phận người già…

Chờ con

Cụ Nguyễn Thị Mùi (76 tuổi, hộ khẩu ở Lý Thường Kiệt, Hà Nội), thỉnh thoảng bị mất trí nhớ, cụ cứ hỏi đi hỏi lại “hôm nay ngày mấy rồi?”. Có lúc, cụ lại nói: “Thằng con tôi 34 tuổi, làm giám đốc, giàu lắm, nhưng ác lắm…”. Khi minh mẫn, cụ Mùi kể: “Thằng con trai tôi làm giám đốc, nhà cao cửa rộng, kẻ hầu người hạ. Nhưng khi tôi già, đau nằm một chỗ… dù đã thuê người chăm sóc nhưng nó vẫn không chịu nổi. Nó cho tôi vào đây. Mỗi tháng nó nộp 2,5 triệu cho trung tâm là xong”.

Kể đến đó, cụ Mùi bỗng đổi nét mặt, cười cái cười khó hiểu và vô thức, cụ lại mất trí nhớ trong khoảnh khắc. Cụ túm tay tôi lại như sợ tôi đi mất. Rồi cụ hốt hoảng: “Hôm nay ngày mấy ta (âm lịch) rồi hả con?”. Cụ Mùi nhắc lại câu hỏi vài lần rồi khóc rức lên. Nhân viên chăm sóc lại phải đến bên cụ dỗ dành.

Một số cụ khác cũng trong tình trạng lẩn thẩn, thấy cụ Mùi khóc thì bỏ chỗ ngồi, có cụ bị bại liệt còn bỏ xe lăn, nhổm dậy cười khềnh khệch như bắt được thời cơ thể hiện tâm trạng một cách rất “phong trào”. Một cụ ông còn đập bàn chửi rất “khí thế”.

Chị Nguyễn Thị Lành, nhân viên chăm sóc nói: “Tính cách của tất cả các cụ ở đây rất thất thường. Chỉ cần một người vô tình to tiếng là “cả nhà” lại “cãi nhau” quyết liệt mà không biết mình cãi vì cái gì”. Đang trong câu chuyện, chị Lành lại chạy sang dỗ dành một cụ ông khá đặc biệt. Chị Lành nói: “Đây là cụ Nam, 79 tuổi, cứ đến bữa ăn, bắt nhân viên đưa đến nhà ăn thật sớm, chờ đầy đủ mọi người là “kích động” để cãi nhau cho đỡ buồn, đỡ cô đơn”.
Anh Ngọc hỏi thăm một cụ bà. (Ảnh: T.Tâm)
Anh Ngọc hỏi thăm một cụ bà. (Ảnh: T.Tâm)

Tết ở Trung tâm vui hơn ở nhà!

Anh Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm, cho biết Tết năm nay, trong số 145 cụ thì có tới 120 cụ được con cháu đón về nhà ăn Tết. Số còn lại sẽ ăn Tết ở đây. Anh Ngọc cho biết Trung tâm sẽ chuẩn bị nhiều bánh chưng và đồ ăn Tết, vì nhiều cụ chỉ về được 1, 2 ngày rồi trở lại Trung tâm.

Chúng tôi thấy lạ, anh Ngọc giải thích, tuy có nhiều cụ mong mỏi được con cháu đón về để ăn Tết, nhưng về nhà bị nhốt trong phòng, bị la mắng... thế là đòi vào lại.

Chẳng hạn, trường hợp cụ Trường (75 tuổi, Hà Nội), Tết năm trước, cụ chờ mãi đến chiều 29 âm lịch, các con vào cho cụ về một ngày. Nhưng về đến nhà cụ nổi cơn, vác gậy “xung phong” khắp xóm, con cháu sợ xấu hổ lại gửi trở lại đúng vào ngày hôm sau.

Cụ Trần Thị Bảo (89 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội, có 6 người con gái trong đó 3 ở Hải Phòng, 1 sống ở Đà Nẵng, 2 tại Hà Nội), nói: “Thằng con rể tôi làm giám đốc một bệnh viện, tôi nằm ở đó không mất tiền vì có bảo hiểm, nhưng không thích không khí ở bệnh viện vì ở đó ồn ào lắm. Còn ở nhà thì vắng, chẳng có ai chơi. Cứ thui thủi một mình buồn lắm, chúng nó cứ nhốt suốt ở trong nhà. Vào trung tâm còn có người săn sóc”.

Cụ cũng cho biết, vừa được tin anh con rể vào đăng ký cho cụ về ăn Tết 5 ngày, nhưng cụ lại nói với chúng tôi: “Các chú đừng nói cho ai biết, tôi chỉ về chiều 29, ngó mặt mấy đứa cháu rồi vào, chứ ở nhà vào ngày Tết nó lại nhốt tôi vào phòng buồn muốn chết”.

"Năm nay là tết đầu tiên tôi ăn Tết ngoài này cùng các bác ở trung tâm. Thấy vui và hạnh phúc vì vẫn có nhiều người nói chuyện với mình, vẫn biết Tết nhất ai chả muốn về nhà nhưng về lại bị “bỏ rơi” ngay chính trong nhà mình, ở đây vui hơn, mấy hôm nữa là gói bánh chưng, chúng tôi tự gói hết chứ không mua. Tết ở đây vui hơn ở nhà”, cụ Nguyễn Thị Vân cứ nói. Tết năm nay Trung tâm không đi mua bánh chưng mà chuẩn bị lá dong cho các cụ tự gói gói vào 28 âm lịch. Đêm 30 sẽ tổ chức đón giao thừa và chúc Tết các cụ. Trung tâm còn có kế hoạch sẽ đưa các cụ đi chợ hoa ngày Tết.

Theo
Thành Tâm
Đất Việt

Đọc thêm