TGĐ Selta Group và "mối tình" đặc biệt

(PLO) -Doanh nhân Nguyễn Xuân Ngọc (TGĐ Selta Group) đang có trong tay một bộ sưu tập đồ cổ đồ sộ  và một mối tình lạ lỳ đến khó lý giải với những món đồ đã nhuốm màu thời gian.
TGĐ Selta Group và "mối tình" đặc biệt
Trầm tĩnh hơn nhờ mê đồng hồ cổ
với khoảng 500 chiếc đồng hồ, 100 chiếc đèn dầu, 100 cặp đồng hồ, nến và khoảng 50 bức tượng. Tất cả đều có nguồn gốc từ châu Âu và được các thành viên của Hội cổ vật Thăng Long mê mẩn mỗi khi có dịp diện kiến. 
Quán café Đồng hồ cổ (131 Thái Thịnh) trong những ngày đầu đông chớm lạnh, cảm giác như không gian, thời gian đang dừng lại ở những chiếc đồng hồ cổ đủ loại, đủ kích cỡ, kiểu dáng, tất cả đều toát lên sự tinh tế mà mới thoạt nhìn, ít người nhận ra được. 
Ông Nguyễn Xuân Ngọc, chủ nhân của quán café chia sẻ “Ngồi ngắm kỹ từng chiếc đồng hồ mới thấy hết được sự tài hoa ẩn hiện trong từng đường nét, sự tinh tế qua từng nét chạm khắc và độ chính xác đến từng chi tiết của những người thợ lành nghề. Đấy chính là điều khiến tôi luôn bị mê mẩn bởi những chiếc đồng hồ, như một ma lực, cực kỳ cuốn hút”. 
Nhà ông Ngọc có 5 anh em nhưng không ai có hứng thú với những chiếc tủ tây, gương tây mà ông nội đã giữ gìn cho con cháu, như những thứ đồ gia bảo. Riêng ông Ngọc lại khác, từ khi còn là một cậu bé, đã bị những món đồ ông nội để lại “hớp hồn”. 
Cảm nhận được sự yêu thích ấy, người cha đã cho phép con mình đi cùng mỗi lúc mua những món đồ cổ. Thậm chí có những lần, ông Ngọc còn được mang tiền riêng đi để tự mua những món đồ. Ai biết được đó lại là tiền đề để bây giờ, ông Ngọc trở thành người có bộ sưu tập đồ cổ thuộc dạng lớn nhất Hà Thành. 
Ông Ngọc chia sẻ, bạn cứ tưởng tượng, trong một khung cảnh yên bình, ngồi ngắm chiếc đồng hồ, tai lắng nghe những âm thanh tích tắc, tích tắc, đều đều, mới thấy tâm mình thanh thản. Cuộc sống, bình thường bận rộn, bộn bề suy nghĩ, nên được lắng lại bên cạnh những chiếc đồng hồ mới “cảm” được cái thú của người chơi. 
Chậm rãi, nhịp nhàng và thư thái như phiêu linh, như nghe những tiếng mưa thu. Ông Ngọc chợt trầm ngâm, có lẽ ông đang nhớ về một thời khốn khó, vì trót yêu đồng hồ mà ông theo học tận 3 năm nghề sửa chữa đồng hồ, để vừa kiếm được tiền, vừa thỏa niềm đam mê đã gắn bó với mình từ thuở nhỏ. 
ông Ngọc trong không gian của những món đồ cổ quý giá
 ông Ngọc trong không gian của những món đồ cổ quý giá
Nhưng “cơm áo không phải chuyện đùa”. Bởi đam mê là một chuyện, kiếm cơm được với đam mê lại là chuyện khác. Lận đận, long đong một thời gian với nghề sửa chữa đồng hồ, ông Ngọc quyết định chuyển sang nghề làm thiết bị vệ sinh. 
Ông bảo, hai công việc ấy chẳng liên quan đến nhau nhưng đều đòi hỏi sự tỉ mỉ rất lớn từ kỹ thuật, mỹ thuật và đặt biệt là sự tinh tế. “Mê đồng hồ cổ khiến con người trầm tính hơn. Thật sự tôi nhiều lần rất giận vì nhân viên của mình không hoàn thành công việc, thực sự muốn nổi nóng nhưng rồi ngắm những chiếc đồng hồ và nghe được những tiếng tích tắc của đồng hồ lại khiến tôi dịu lại, nhẹ nhàng hơn”, ông Ngọc trải lòng. 
Bộ sưu tập đồ sộ bậc nhất Hà thành
Có thể nói không ngoa, ông Ngọc đang sở hữu bộ sưu tập đồ cổ thuộc loại đồ sộ nhất đất Hà thành. Ngoài 500 chiếc đồng hồ cổ là thú vui, là đam mê từ khi còn là một cậu bé, ông còn có khoảng 100 chiếc đèn dầu, 100 cặp đồng hồ, nến và khoảng 50 bức tượng. 
Tất cả đều là những đồ vật mà theo thời gian, có duyên để ông được gặp và thích thú. Theo ông Ngọc, tất cả những món đồ cổ ông đang lưu giữ đều có xuất xứ từ châu Âu. Ông cho biết, mình lợi thế do có anh em bạn bè làm việc nhiều ở các nước châu Âu, biết ông mê đồ cổ nên mỗi khi thấy có món đồ gì quý giá là lại gửi mail, báo tin để ông lên kế hoạch mang về Việt Nam. 
Có những món đồ mà nhờ duyên lành ông gặp và mua rất dễ dàng. Nhưng cũng có những món đồ mà lao công khổ tứ khá nhiều, ông vẫn không thể sở hữu được. 
Rồi ông kể, một lần, một người em họ của ông thông báo có phiên bán đấu giá chiếc đồng hồ Bouler, vừa nhìn thấy chiếc đồng hồ này ông đã mê nhưng không thể đấu lại với một người đấu giá khác, ông đành ngậm ngùi chia tay. Ông bảo, đã nhìn thấy, đã yêu mà không mang được món đồ ấy về với mình thì cảm giác như mình phải chia tay người yêu vậy. Đến mức sau đó, có những đêm ông phải ngồi bật dậy, ngắm ảnh chiếc đồng hồ ấy cho thỏa nỗi lòng.   
“Mê đồng hồ cổ để thấy quý thời gian hơn, còn mê đèn dầu cổ là để thấy quý sự sống hơn” - ông Ngọc lý giải về thú sưu tập đèn dầu cổ còn khá lạ lẫm. 
Ông bảo, ông mệnh hỏa, “phúc đăng hỏa” nên rất hợp với những ngọn đèn. Tình cờ một lần, một người bạn thân gửi cho ông xem hình ảnh của những ngọn đèn dầu cổ châu Âu, ông bần thần nhận ra, sao mình lại không biết đến đèn dầu cổ sớm hơn. 
Bởi mỗi khi ngắm đèn dầu là ông nhìn thấy sự sống. Nếu đồng hồ biểu tượng cho sự sống động thì đèn dầu là biểu hiện của sự vươn lên, là ngọn đuốc soi đường, là sự hoài cổ. Ông bập vào đèn dầu và bị cuốn hút lúc nào không hay. 
Trong khi nhà nhà, người người dùng những ngọn đèn điện để thắp sáng và làm ấm cúng hơn không gian trong những gian thờ họ, nhà thờ tổ thì ông Ngọc dùng một cặp đèn dầu cổ cho không gian linh thiêng của dòng họ mình. 
Ông bảo, mỗi lần về nhà thờ tổ, nhìn thấy ánh sáng dịu hắt ra từ hai chiếc đèn dầu cổ, ông thấy như được chở che, vẫn thấy mình giống như một đứa trẻ, được quan tâm, bao bọc bởi vòng tay của cha mẹ. 
Nếu đèn dầu cho ông thấy sự sống thì những ngọn nến lại khiến ông cảm nhận sự huyền bí của thế giới tâm linh. Trong một lần thăm quan một nhà thờ lớn ở nước ngoài, ông như bị cuốn hút bởi ngọn lửa mê hoặc từ cặp nến đang cháy trong nhà thờ. 
Tìm hiểu thêm về nến ông mới biết, ở nước ngoài, họ thường chơi nến và đồng hồ theo cặp. Gặp đúng sở thích của mình, lại được cảm nhận sự huyền bí của ánh sáng tỏa ra từ ngọn nến, ông lên mạng tìm hiểu ngay và gắn bó với thú chơi cặp đồng hồ - nến đến bây giờ. 
Ông bật mí: Vì yêu và muốn ngắm những món đồ cổ này mà ông thấy yêu cuộc sống hơn
 Ông bật mí: Vì yêu và muốn ngắm những món đồ cổ này mà ông thấy yêu cuộc sống hơn
Còn những bức tượng quý giá ở châu Âu mà ông đã gặp lại mang đến cho ông những câu chuyện giáo dục quý giá. Mỗi bức tượng đều ẩn chứa trong nó một câu chuyện, một bài học hoặc một thông điệp nào đó khiến ông thấy thích thú và mê mẩn và thôi thúc ông tìm hiểu. Bức thì kể câu chuyện tình chị em, bức thì miêu tả hình ảnh mẹ dạy con…
Là chủ một doanh nghiệp lớn với hơn 300 cán bộ công nhân viên nhưng ông Ngọc vẫn dành được khá nhiều thời gian cho niềm đam mê và bộ sưu tập đồ cổ của mình. Ông bảo, chính vì mê đồ cổ mà ông nhận ra chân giá trị cuộc sống, không thể cả đời chỉ chạy theo công việc và kiếm tiền, không thể ngày nào cũng chỉ biết đến những con số và hoàn thành doanh thu… 
Ông bật mí: Vì yêu và muốn ngắm những món đồ cổ này mà ông thấy yêu cuộc sống hơn, vì đơn giản “chết thì không được ngắm chúng nữa, những tình yêu lớn của tôi”. 
Nhìn ông thư thái bên ly cà phê vào mỗi sáng cuối tuần, cùng bạn bè ngắm và đàm đạo về đồng hồ, về tượng cổ, về đèn dầu và những ngọn nến mới thấy, bộ sưu tập đồ cổ đồ sộ này đã mang đến cho ông một cuộc sống thật sự thư thái và nhẹ nhàng... 

Đọc thêm