Việc “nới lỏng” quy chế này làm không ít người đẹp vui mừng nhưng lại khiến dư luận băn khoăn vì sự bát nháo của giải thưởng mang danh quốc tế nhưng chất lượng “ao làng”.
Người đẹp ngạo nghễ với danh xưng sắc đẹp quốc tế “ao làng”?
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cho biết, sắp tới sẽ kiến nghị sửa đổi một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP. Theo đó, người đẹp không cần phải được sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước, không cần phải có danh hiệu trong nước mới được đi thi quốc tế. Điều này có nghĩa, bất kỳ người đẹp nào, nếu có mong muốn tham gia các cuộc thi quốc tế, nếu đủ tiềm lực về tài chính, được ban tổ chức cuộc thi quốc tế mời, thì được tự do tham gia.
Sở dĩ Thứ trưởng Biên muốn sửa đổi bởi theo ông, những quy định trước đây đã ít nhiều hạn chế cơ hội nâng tầm nhan sắc Việt trên bản đồ nhan sắc quốc tế. “Nhiều người đẹp có danh hiệu được cấp phép dự thi nhan sắc quốc tế chưa chắc đã đạt danh hiệu cao, trong khi nhiều người đẹp có nhan sắc, có khả năng đạt giải cao lại không được cấp phép. Điều này gây nên những hạn chế nhất định đối với nhan sắc Việt. Tôi nghĩ rằng, nếu người đẹp nào thấy mình phù hợp với các tiêu chí của cuộc thi, đồng thời được ban tổ chức cuộc thi chấp thuận thì họ được phép tự do tham gia” - Thứ trưởng Vương Duy Biên nhấn mạnh.
Dĩ nhiên, người mừng nhất là những người đẹp muốn có “số má” để lao vào showbiz Việt. Việc tìm mọi cách để “kiếm tí tiếng” như kim chỉ nam cho mọi hành động của một số người đẹp. Đây cũng là lý do những năm gần đây, hàng loạt người đẹp tham dự các cuộc thi nhan sắc ngoài nước mà không xin phép cơ quan quản lý ngành văn hóa.
Sở dĩ có nhiều người đẹp chọn con đường thi “chui” bởi họ đều là những người chưa có tên tuổi, không có nhan sắc quá nổi bật. Đặc biệt, họ không có giải thưởng trong nước. Mà theo quy định, họ phải có giải thưởng mới được Cục Nghệ thuật biểu diễn, cơ quan chức năng cấp phép để đường hoàng đi thi quốc tế.
Với số tiền xử phạt 30 triệu trở xuống quá “hẻo” so với những gì họ kiếm được. Bỏ ra 30 triệu tiền phạt cùng một số chi phí tham gia dự thi những cuộc thi tầm cỡ… “ao làng” ở xứ người, họ nghiễm nhiên giắt túi danh hiệu Hoa hậu, Á hậu, Nữ hoàng sắc đẹp gắn mác quốc tế. Chưa kể tới việc, việc phạm luật do thi “chui” bỗng chốc tên tuổi của các cô nàng vô danh trở nên nổi bần bật trên các phương tiện truyền thống mà không tốn tiền, công sức quảng bá.
Các người đẹp này điềm nhiên bước vào làng giải trí với các quảng cáo, hợp đồng dự sự kiện, đóng phim, chụp ảnh… cùng với số tiền cát-xê tăng gấp vài chục lần so với thời vô danh. Rất nhiều cô gái sau khi kiếm “tí tiếng” ở các cuộc thi quốc tế (dù trong nước không công nhận danh hiệu đó) đã kiếm vô số “miếng” ở làng giải trí với tiền tỉ, nhà lầu, xe hơi với các đại gia tháp tùng.
Theo quy chế, ngoài việc bị xử phạt thì những giải thưởng họ đạt được cũng sẽ không được thừa nhận tại Việt Nam. Nhưng trên thực tế, đi đâu họ cũng “ngạo nghễ” xưng danh với danh hiệu đi kèm mà chẳng có ai “tuýt còi”.
Thả lỏng quy chế có nâng được điểm số sắc đẹp Việt?
Dư luận từng “vỡ mộng” khi tin rằng sắc đẹp Việt đã được đạt tới đỉnh cao mang tầm quốc tế. Ví như, người đẹp Vũ Hoàng Điệp khi trở về từ cuộc thi “Nữ hoàng sắc đẹp quốc tế 2009” (Trung Quốc) với những cuộc đưa đón, ăn mừng chiến thắng ầm ĩ.
Giới chuyên môn cho rằng, nó chỉ là cuộc thi nhan sắc thuộc “ao làng” nếu so với những cuộc thi sắc đẹp đã được khẳng định về uy tín. Và hiện ở Trung Quốc có tới hơn chục cuộc thi người đẹp dán mác quốc tế nhằm thu hút khách du lịch. Còn Ngọc Trinh đã sở hữu hàng loạt giải thưởng “Hoa hậu người Việt hoàn cầu”, “Nữ hoàng Bikini châu Á”... với quy mô, chất lượng chỉ dừng lại ở mức “ao làng”. Nhiều người trong nghề còn nhấn mạnh, những giải thưởng ấy chẳng có giá trị nâng điểm số sắc đẹp cho Việt Nam trên bản đồ nhan sắc thế giới.
Theo Thứ trưởng Biên, sau khi hoàn tất cuộc thi, các người đẹp hoặc đơn vị đưa người đẹp đi thi phải có trách nhiệm báo cáo cụ thể với Cục Nghệ thuật biểu diễn để Cục nắm được tình hình. Nếu người đẹp hoặc đơn vị đăng cai đưa người đẹp đi thi không báo cáo lại cho Cục mà Cục phát hiện có những vi phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh đất nước thì Cục sẽ có biện pháp xử lý. Nhẹ thì xử phạt hành chính theo quy định, nặng có thể cấm đi thi quốc tế vĩnh viễn.
Như vậy, có thể coi, Cục Nghệ thuật biểu diễn lại muốn “thả gà ra đuổi”?. Dư luận lo ngại, việc thả lỏng quy chế càng thêm làng giải trí Việt thêm bát nháo và ảnh hưởng không nhỏ uy tín sắc đẹp, văn hóa Việt trên trường quốc tế. Nên chăng, Cục Nghệ thuật biểu diễn nói riêng, ngành văn hóa nói chung thận trọng hơn, lấy ý kiến công khai rộng rãi của các chuyên gia Văn hóa, xã hội, người dân trước khi ra quyết định.