Thác K50 - 'Trinh nguyên' giữa rừng già Kon Chư Răng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - K50 chắc hẳn là một cái tên thác mà bất cứ ai mê xê dịch cũng mong được một lần chiêm ngắm. Quả thực, đứng dưới dòng suối mát lạnh dưới chân “nàng” mà ngước nhìn, mà trầm trồ, sửng sốt với hai từ: Tuyệt đẹp.
Thác K50 nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.
Thác K50 nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.

“Tây Nguyên đệ nhất thác”

Nước Nam vốn nổi tiếng với những hang động, những thạch nhũ lóng lánh trăm vẻ ngàn sắc. Thế mà, người xưa cũng mới chỉ biết đến: Hương Tích (Nam thiên đệ nhất động), Bích Động (đệ nhị) và Địch Lộng (đệ tam), chứ đâu đã có điều kiện để mà một lần ngắm những Phong Nha, Thiên Đường, Sơn Đoòng… Thế mới thấy, đường đến những kiệt tác của mẹ thiên nhiên giữa rừng xanh nơi “thâm sơn cùng cốc” vẫn là điều xa xôi, diệu vợi với người đồng bằng miền xuôi.

Quan sát trên bản đồ vệ tinh của Google Earth thì thác K50 nằm ở sát đường phân ranh giữa hai tỉnh Gia Lai và Bình Định, lệch về phía Bình Định, giữa một vùng xanh thẳm của mênh mông rừng. Những thước phim quay bằng thiết bị bay không người lái (flycam) cũng cho thấy con thác đẹp mê hồn hiện ra giữa tán rừng già nhiệt đới thuộc dãy Trường Sơn Nam. Và dĩ nhiên chưa có đường cho bất cứ loại phương tiện cơ giới nào (có lẽ chỉ trừ máy bay trực thăng) có thể đến… tận thác.

Thế nhưng, hình ảnh về thác nước từng được chuyên trang du lịch The Local Vietnam xếp “á hậu” chỉ sau thác Bản Giốc (Trùng Khánh, Cao Bằng) cùng vô số lời xưng tụng của các phương tiện truyền thông về một thác nước “hùng vĩ và đẹp nhất vùng Tây Nguyên”, “nàng thơ giữa đại ngàn”… khiến chúng tôi quyết định xách ba lô lên và đi.

Từ Hà Nội, mất hơn 1h30 phút bay để tới sân bay Pleiku (Gia Lai). Do muốn tận hưởng thêm không khí lãng đãng sương mù của miền cao nguyên nên chúng tôi ghé qua Măng Đen (huyện Kon Plông, Kon Tum) rồi mới từ Măng Đen xuôi đường ĐT669 (Trường Sơn Đông) đến Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng - nơi “nàng” K50 ngự trị.

Để được vào rừng bắt buộc phải ký cam kết bảo đảm an ninh, an toàn tại chốt kiểm lâm “độc đạo” kiểm soát việc ra, vào. Từ chốt vào đến thác còn 18km đường rừng. Người dẫn đường cho chúng tôi là anh Trần Minh Chánh - nhân viên của Khu bảo tồn. Tự tin đã từng “chinh phục” không ít cung đường hiểm trở, thế nên trước ánh mắt nghi ngại và câu hỏi của các anh về việc có tự đi xe máy vào rừng được không? Tôi đáp chắc nịch: yên tâm!

Nhiều người tin rằng, nguồn gốc tên gọi K50 bắt nguồn từ độ cao của thác.

Nhiều người tin rằng, nguồn gốc tên gọi K50 bắt nguồn từ độ cao của thác.

Quả thực, khoảng vài km đầu tiên không quá khó khăn. Tôi còn nghĩ bụng “chắc mấy ảnh nhát ma”. Thế nhưng, đoạn đường tiếp theo là một trải nghiệm không thể nào quên. Đường đi là những miếng đan bằng bê tông bé xíu rộng chừng 40cm chỉ vừa lọt xe quanh co “nhào lộn” giữa rừng. Dốc “đáng sợ”, nghiêng tới 40 - 50 độ nối tiếp nhau khiến chỉ nhìn đã muốn… đông cứng. Đã mấy lần trượt ra khỏi đường, “sém” va vào gốc cây, cố giữ vững tinh thần và tay lái, cuối cùng, chúng tôi cũng thở phào khi “được” dừng xe để bắt đầu… cuốc bộ.

Quãng đường đi bộ tuy vất vả hơn nhưng bù lại đỡ phải “căng như dây đàn”. Không những thế, trekking cũng có thêm thời gian để ngắm nhìn cây cối, hít hà “mùi rừng”. Đã nghe thấy tiếng thác ầm ào khiến chúng tôi càng thêm háo hức. Lách mình qua lùm cây ven bờ, chúng tôi cẩn thận dìu nhau trèo lên những tảng đá giữa suối. Để rồi, mọi giác quan vỡ òa khi nhìn lên trên: dòng thác trắng xóa tung mình như những dải lụa trắng giữa rừng xanh, giữa mây trời…

Đứng trước khung cảnh hùng vĩ, ban sơ này, mới thấy mình thật nhỏ bé, thấy bàn tay của mẹ thiên nhiên thật là tài hoa.

Một nơi “check-in đặc hữu” của thác K50 chính là ở chân thác, có tảng đá lớn, điều đặc biệt, trên đá có một cây mọc “chơ chọi” được ví là “cây cô đơn” của thác K50, cùng với “background” (hậu cảnh) thác nước hùng vĩ phía sau khiến bất cứ ai cũng có ao ước một lần tạo dáng…

Giữ rừng, giữ thác,… giữ sự sống

Anh Chánh đợi chúng tôi chụp hình mỏi tay, thỏa sức sáng tạo từ góc nhìn chính diện, rồi mới dẫn chúng tôi men theo lối mòn để lên thác. Nếu góc thẳng cho thấy cái nhìn toàn cảnh thì từ góc nghiêng, K50 lại toát lên sự hùng vĩ của độ cao.

Thác cao như một tòa cao ốc, dòng nước đổ ầm ầm từ trên mái đá xuống chân thác. Chính độ cao vời vợi, thẳng tắp của thác khiến nhiều người tin chắc rằng, cái tên K50 bắt nguồn từ việc thác đổ từ độ cao 50m xuống mà ra. Dưới ánh nắng, du khách reo lên thích thú khi thấy những cầu vồng được tạo ra qua màn bụi nước.

Quá sững sờ trước vẻ đẹp của thác, không đợi anh Chánh dẫn đường, tôi mạo hiểm bám theo sợi dây dừng để leo xuống lối đi vào mái đá phía sau thác. Mái đá khum khum, chiều ngang cả vài chục mét tạo nên con mắt khổng lồ, con mắt diễm tình của “nàng” K50 ẩn giấu sau thác. Càng sống động hơn khi ở “bờ mi” dưới trong “con mắt” ẩm ướt của nàng, những thảm dương xỉ, thảm thảo mộc xanh tươi, căng tràn sức sống. Tôi cố nép mình vào thật sát vách để máy ảnh có thể thu được cảnh rộng nhất dù biết rằng, khó có máy ảnh nào có thể diễn tả được hết vẻ đẹp của tạo hóa.

Ngồi ở đây, ăn miếng cơm lam cho lại sức trước hành trình trở ra, nghe dòng thác đang ầm ào tung bọt trắng xóa, ngắm thảm dương xỉ xanh mát dưới mái đá khiến tôi nghĩ về ngọn nguồn của sự sống. Từ bao triệu năm rồi, địa chất đứt gãy để tạo nên dòng thác? Từ bao vạn năm rồi, thác vẫn cứ tung mình giữa đại ngàn xanh thẳm? K50 đâu có chờ con người khám phá rồi mới “bung lụa”, con nước vẫn ngàn đời làm công việc của mình, đổ nước nuôi những cánh rừng, đổ nước về xuôi, ra biển lớn, đổ nước vào thượng nguồn sông Côn để những vương triều Chămpa thăng trầm suy thịnh; để ba hào kiệt nhà Tây Sơn dựng cờ đào khởi nghĩa...

Thảm thực vật xanh tốt ở mái đá phía sau thác.

Thảm thực vật xanh tốt ở mái đá phía sau thác.

K50 còn được gọi là thác Hang Én, bởi ở mái đá sau thác có cả ngàn con én trú ngụ. K50 còn có truyền thuyết của đồng bào địa phương kể về những tkơi trên các con suối Đak Say, Đak Xốp: But Jai (thác Hang Én), Sriêng (thác Bom Đạn), Moi (Thác Tổ ong), về cuộc chiến của các Yàng (thần) thủa khai thiên lập địa. Có huyền thoại bởi có người. Và có người đã giải thích cái tên đúng của khu bảo tồn này phải là Kon Jrăng (chứ không phải Kon Chư Răng như trong văn bản hành chính chính thức).

Jrăng là tên một loại cây mà đồng bào Bahnar bản địa gọi giống chôm chôm rừng hoặc nhãn rừng. Còn “Kon” là làng. Từ những Kon Tun, Kon Hà Nừng, Kon Ka Kinh… và biết bao buôn làng đã hình thành nên một cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên đa dạng về chủng tộc và văn hóa.

Nước là nguồn gốc của sự sống và một lý lẽ hiển nhiên: không có rừng thì chẳng có nước, chẳng còn thác. Nghĩa là cũng chẳng còn sự sống.

Nhà văn của Tây Nguyên - Nguyên Ngọc gọi vùng đất này là “mái nhà sinh tử”. Ông viết: “… Tây Nguyên, rừng đại ngàn, rừng nguyên sinh, rừng nhiệt đới Tây Nguyên. Chính rừng Tây Nguyên, từ trên Trường Sơn rất xa xôi kia, đêm ngày, hàng triệu triệu năm nay, như một người mẹ vĩ đại, bao dung và tần tảo, hứng lấy tất cả các nguồn nước của đất trời, cất lấy, “để dành” tằn tiện, tuyệt đối không phí mất một giọt nào, để từng ngày, từng ngày chắt chiu mà bất tận cung cấp cho đứa con đồng bằng của mình, cho sự sống có thể sinh sôi, nảy nở, trường tồn…”.

Bởi thế, để giữ cho “nàng” K50 mãi xinh đẹp phải giữ lấy rừng Tây Nguyên, giữ lấy màu xanh của đại ngàn. Màu của sự sống! Màu của sống còn…

Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (một phần của Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng) - nơi sở hữu thác K50 và nhiều thác nước khác là một trong những “lá phổi xanh” có vai trò quan trọng không chỉ đối với khu vực Tây Nguyên mà cả khu vực Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ của Việt Nam. Nơi đây có hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi trung bình còn tương đối nguyên vẹn, có tính đa dạng sinh học cao, đặc trưng cho hệ sinh thái rừng, hệ thực vật, động vật rừng của khu vực Tây Nguyên.

Đọc thêm