Thách thức cho ngành hàng không phục hồi sau đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hàng không nội địa Việt Nam được đánh giá là tăng trưởng số 1 thế giới nhờ nỗ lực kiểm dịch tốt từ phía Chính phủ và toàn dân. Thách thức tiếp theo chính là việc đẩy mạnh khai thác thị trường hàng không quốc tế trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện tại.
Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng mạnh trong nửa đầu năm do dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng mạnh trong nửa đầu năm do dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Nhu cầu đi lại nội địa tăng mạnh

Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 quốc gia có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới sau đại dịch, với đà tăng trưởng là 123% so với cùng kỳ năm 2019. Các vị trí tiếp theo lần lượt là Mexico, Brazil, Nga, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia… Khu vực Đông Nam Á cũng gọi tên thêm 4 quốc gia khác là Indonesia (thứ 8), Malaysia (thứ 9), Philippines (thứ 13) và Thái Lan (thứ 24).

Cục Hàng không Việt Nam công bố báo cáo 6 tháng đầu năm, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 40,7 triệu khách, tăng 56,8% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,8 triệu khách, tăng thần tốc 904,6%. Khách nội địa đạt 38,9 triệu khách, tăng ấn tượng 52,6%. Dự kiến trong năm 2022, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không trên cả nước ước đạt 87,8 triệu khách, tăng 190% so với năm 2021, trong đó khách quốc tế đạt 5 triệu khách và khách nội địa đạt 82,8 triệu.

Sự phục hồi nhanh chóng này cho thấy nhu cầu đi lại sau dịch của người dân là rất lớn, hầu như không còn tâm lý e ngại dịch bệnh. Kết quả này chính là nỗ lực không ngừng của Chính phủ trong việc kiểm soát, phòng dịch quyết liệt, sớm đưa nền kinh tế Việt Nam vào giai đoạn phục hồi, đặc biệt chú trọng vào thị trường nội địa là tiên quyết. Đó cũng là nỗ lực từ phía các doanh nghiệp đã vượt khó để cung cấp những dịch vụ phù hợp, đáp ứng nhu cầu xã hội; người dân cũng nhiệt tình hưởng ứng.

Đơn cử, mới bắt đầu dịp hè, dù giá vé máy bay đến các điểm nổi tiếng như Phú Quốc, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh,… đã tăng cao nhưng nhu cầu đi lại vì mục đích du lịch của người dân vẫn rất lớn. Theo thống kê, trung bình những ngày đầu tháng 6/2022, sản lượng qua cảng đạt hơn 89.000 lượt khách/ngày, trong đó, khách quốc nội đạt 80.000, khách quốc tế đạt 9.000 khách. Số chuyến bay đạt 565 lượt chuyến/ngày, trong đó, quốc nội đạt gần 450 lượt chuyến, quốc tế đạt khoảng 115 lượt chuyến. Những ngày cuối tuần thậm chí còn ghi nhận lượng hành khách qua cảng tấp nập hơn, đạt hơn 95.000 khách/ngày với hơn 600 lượt chuyến/ngày.

Đáng nói, theo dự báo của IATA, thị trường hàng không thế giới sẽ phục hồi vượt mức trước khi có dịch vào đầu năm 2024 với tổng số hành khách dự kiến đạt 4 tỷ lượt khách; thị trường nội địa sẽ phục hồi sớm hơn, ngay trong năm 2022 với mức phục hồi khoảng 93%, riêng thị trường nội địa Việt Nam dự báo phục hồi ở mức 96%. Mặc dù vậy, vẫn còn những rủi ro kìm hãm đà phục hồi của ngành hàng không, ví như đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, đồng thời còn xuất hiện thêm một số dịch bệnh theo vùng, bất ổn về chính trị - xã hội, xung đột vũ trang ở một số nơi.

Mở mới các đường bay quốc tế

Đến giữa tháng 6/2022, thị trường hàng không quốc tế có gần 30 hãng hàng không nước ngoài và 3 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways) khai thác đi/đến 22 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Trên thực tế, mặc dù đến nay các hãng hàng không Việt Nam và quốc tế đã khôi phục phần lớn đường bay đến các thị trường truyền thống, tuy nhiên số lượng hãng hàng không tham gia thị trường cũng như tần suất khai thác còn hạn chế. Nguyên nhân là do các thị trường du lịch lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan vẫn chưa được kích hoạt, trong khi tại châu Âu, đặc biệt là thị trường khách Nga bị “đóng băng” từ tháng 2/2022 đến nay.

Đáng nói, so với trước dịch COVID-19, còn có 4 thị trường chưa mở lại các đường bay thường lệ đi, đến Việt Nam gồm Brunei, Indonesia, Myanmar, Macao (Trung Quốc) và một số thị trường có các chuỗi thuê chuyến theo từng giai đoạn trong năm như Phần Lan, Ý, Thụy Sỹ.

Trong bối cảnh đó, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, mặc dù các thị trường bay quốc tế chưa mở rộng thêm nhưng các hãng hàng không đang từng bước triển khai việc khai thác những thị trường mới tiềm năng. Đơn cử với Ấn Độ, Vietnam Airlines, Vietjet đều đã khai thác trở lại đường bay giữa Việt Nam và Ấn Độ. Trong đó, hãng Vietjet đã được cấp quyền vận chuyển hàng không để khai thác mới hơn 20 đường bay từ các điểm tại Việt Nam là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc tới các điểm mới tại Ấn Độ là Bangalore, Hyderabad, Ahmedabad, Chennai, Kolkata, Gaya.

Với các thị trường khác như Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Âu Mỹ, hoạt động khai thác những đường bay sẵn có đang được khôi phục, đồng thời các hãng hàng không hiện đang đề xuất những đường bay mới.

Hàng không Việt Nam trong thời gian qua cho thấy những tín hiệu hồi phục tích cực, đặc biệt đến từ nội địa. Thách thức tiếp theo của ngành hàng không Việt Nam chính là khôi phục việc khai thác các chuyến bay quốc tế.

Đọc thêm