“Methadone đã mang hạnh phúc đến cho em!”
Đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người (18 tuổi), Nguyễn Minh Quân (1982) Lê Chân, Hải Phòng mắc nghiện (năm 2000). Lý do đưa Quân đến với ma túy thật đơn giản: Ngay đầu ngõ nhà Quân có một đại gia đình buôn ma túy, mà Quân lại chơi thân với con cháu họ, thế là được họ “đưa vào đời”. Cũng giống như bao bạn nghiện khác, Quân tìm đủ mọi cách để có tiền “chơi” ma túy, kể cả việc “chôm chỉa” đồ của người khác, mang đồ đạc trong nhà đi bán.
Vô cùng buồn chán và thất vọng vì con, nhưng cũng không đành lòng nhìn con chết, đôi lúc mẹ Quân còn dấm dúi cung cấp tiền cho con “giải” cơn nghiện. Chán nản cuộc đời của “một thằng nghiện”, đôi ba lần Quân đã tìm cách lãng quên ma túy nhưng không thành công.
Những tưởng, tương lai của mình đã chìm vào bóng tối. Nhưng, đột nhiên giữa năm 2008, Quân được một anh trong khu giới thiệu vào làm cho một Dự án về phòng, chống HIV/AIDS. Công việc của Quân là đi tiếp cận để truyền thông, phân phát bơm kim tiêm sạch cho những người nghiện chích ma túy. Rồi Quân được tư vấn đăng ký ĐT methadone...
Cuộc đời Quân dường như bước sang một trang mới. Từ một anh nghiện, sức khỏe suy yếu gần như hoàn toàn, thậm chí phải nằm ĐT ở bệnh viện..., Quân bỗng hoạt bát, khỏe mạnh, phấn chấn hẳn lên. Không chỉ có vậy, Quân còn được các anh trong Dự án xin vào làm bảo vệ trong một công ty tư nhân lương tháng tới 4-5 triệu đồng. Có tiền, Quân vừa chăm chút cho bản thân, rồi dành tiền cưới vợ. Không lâu sau đó, một bé trai ra đời trong niềm hạnh phúc, vui sướng đến tột cùng của cả gia đình.
“Methadone đã mang hạnh phúc đến cho em!” - Quân khẳng định. Quân cũng cho hay, hiện Quân vẫn đang ĐT methadone và sẽ theo nó đến hết đời. “Kể cả trong điều kiện các Dự án rút hết đi, người ĐT phải bỏ tiền ra để chi trả em vẫn sẽ tiếp tục ĐT bởi những hiệu quả mà nó nó mang lại là rất to lớn. Với điều kiện kinh tế hiện nay, em có thể lo được chuyện này”.
“Trong thời gian ĐT tại đây, Quân luôn thể hiện mong muốn sẽ lấy vợ, nhưng không ai dám nghĩ đến. Không ngờ điều đó lại trở thành hiện thực, cả cơ sở đều mừng cho Quân” - chị Đặng Thanh Tâm, cán bộ quản lý hành chính, Cơ sở ĐT Methadone quận Lê Chân, Hải Phòng vui mừng chia sẻ với chúng tôi. Chị Tâm còn cho biết, cả cơ sở có tới hơn chục trường hợp nhiễm HIV, đã ĐT ARV nhưng vẫn lấy vợ, sinh con hoàn toàn khỏe mạnh, trong đó có 4 đôi cùng ĐT tại cơ sở yêu nhau và lấy nhau, sinh con.
Chung tay mở rộng điều trị methadone
Theo chị Tâm, khai trương từ tháng 4/2008, đến nay cơ sở ĐT Methadone Lê Chân, Hải Phòng đã tiếp nhận 807 lượt bệnh nhân (BN); số BN đang ĐT tại đây là 553, trong đó có 112 BN đang ĐT ARV. Hiện, nhu cầu ĐT methadone của các BN vẫn rất cao. Cả TP có tổng số 10 cơ sở ĐT nhưng vẫn không đáp ứng. Bởi vậy, chủ trương xã hội hóa ĐT methadone đã được đặt ra, trước tiên thí điểm tại một cơ sở sau đó sẽ triển khai nhân rộng.
Trước khi thí điểm, các cán bộ đã tổ chức xuống cơ sở, mời gia đình các BN đến họp, thông qua lộ trình xã hội hóa methadone. Qua đó cho thấy, hầu hết người dân ở đây đều rất hưởng ứng, ủng hộ và cho biết sẽ tạo mọi điều kiện cho con em mình tham gia chương trình này - chị Tâm cho hay.
Những thành quả và sự nhất trí trên là tại TP. Hải Phòng - một trong những địa phương tiên phong triển khai thí điểm ĐT nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế methadone, và cũng là TP có điều kiện kinh tế phát triển của cả nước. Còn tại những tỉnh, thành khác như Thái Nguyên, Sơn La, Lào Cai..., chúng tôi đều bắt gặp sự lo lắng của các cấp lãnh đạo sở tại địa phương khi trao đổi về việc nhân rộng và phát triển mô hình này.
Điều mà họ lo lắng là khi các nguồn tài trợ từ nước ngoài rút hết, giữ vững và duy trì kết quả đạt được đã khó, nói chi đến việc phát triển và nhân rộng mô hình này. Mối lo đó cũng là trăn trở của các cơ quan chức năng và nhà quản lý lĩnh vực này.
Tại Hội thảo bàn về các giải pháp để thực hiện mở rộng và duy trì bền vững ĐT nghiện bằng methadone vừa được Tổ chuyên gia, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tổ chức tại Hà Nội, đa số các đại biểu đã thống nhất 4 vấn đề cốt lõi và giải pháp là: Quán triệt quan điểm “nghiện là một loại bệnh mãn tính, tái diễn của não bộ” do đó cần được ĐT; ĐT bằng methadone là phương pháp hiệu quả, chi phí rẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam; Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện để đẩy mạnh mô hình xã hội hoá hoặc tư nhân hoá ĐT methadone theo nhu cầu; Các địa phương cần mạnh dạn triển khai mô hình thiết thực này.
Bên cạnh đó, việc giới thiệu, chuyển gửi người nghiện đi ĐT methadone là một chỉ tiêu mà địa phương cần hướng đến. Đồng thời hợp tác và liên kết giữa các ngành công an, y tế, lao động thương binh và xã hội để tạo nên sức mạnh tổng hợp giúp việc quản lý hỗ trợ người nghiện cộng đồng được toàn diện và hiệu quả hơn.