Cán bộ điều trị người nghiện bằng Methadone ngắc ngoải chờ biên chế

Hải Phòng là thành phố đầu tiên triển khai điều trị cho người nghiện chất dạng thuốc phiện (CDTP) bằng thuốc Methadone miễn phí trong cả nước. Tuy nhiên, tình trạng cung vượt quá cầu cộng với chế độ đãi ngộ, chính sách cho cán bộ làm việc tại các cơ sở điều trị Methadone đang là thách thức lớn khiến chương trình trên khó có thể duy trì bền vững và đạt hiệu quả mong đợi trong những năm tới.

Hải Phòng là thành phố đầu tiên triển khai điều trị cho người nghiện chất dạng thuốc phiện (CDTP) bằng thuốc Methadone miễn phí trong cả nước. Tuy nhiên, tình trạng cung vượt quá cầu cộng với chế độ đãi ngộ, chính sách cho cán bộ làm việc tại các cơ sở điều trị Methadone đang là thách thức lớn khiến chương trình trên khó có thể duy trì bền vững và đạt hiệu quả mong đợi trong những năm tới.

Ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng động viên người điều trị.
Ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng động viên người điều trị.

Cung vượt quá cầu

Theo số liệu cung cấp của Sở Y tế, Hải Phòng hiện có 8/10 cơ sở điều trị bằng thuốc Methadone hoạt động, đã tiếp nhận điều trị cho 1.826 người nghiện CDTP; trong đó có 1349 bệnh nhân đã đạt liều duy trì, tinh thần, sức khỏe ổn định, không còn dùng heroin. Đánh giá chung tại các địa phương triển khai, chương trình điều trị thay thế nghiện CDTP bằng thuốc Methadone có hiệu quả tốt: Điều trị an toàn, giúp người nghiện thay đổi hành vi, nhận thức, tăng thể trạng sức khỏe, không dùng lại heroin, giảm tội phạm do nghiện gây ra.

Cụ thể, theo số liệu từ nghiên cứu đánh giá hiệu quả chương trình điều trị giai đoạn thí điểm tại Hải Phòng, sau 12 tháng điều trị, không có người nhiễm HIV mới, trên 90% đã ổn định không dùng thêm ma túy và trên 70% bệnh nhân đã có công việc ổn định, các địa phương triển khai an ninh xã hội cải thiện đáng kể.

Theo kế hoạch, một cơ sở chỉ điều trị tối đa 300 bệnh nhân. Nhưng đến thời điểm này, mỗi cơ sở đang có thêm danh sách 100-150 hồ sơ kéo dài, “thấp thỏm” chờ được điều trị. Sở Lao động, Thương binh & Xã hội Hải Phòng - đơn vị quản lý cơ sở điều trị Methadone xã hội hóa thí điểm đầu tiên cả nước - cho biết, chỉ sau gần 1 tháng khai trương, lượng hồ sơ nộp đã quá tải và việc tiếp nhận phải tạm thời... khoá sổ. Điều này chứng tỏ nhu cầu của người nghiện CDTP và gia đình họ là rất lớn. Như vậy, con số khoảng 1 vạn người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý ở Hải Phòng mới chỉ là phần nổi. Nếu không can thiệp dự phòng sớm, phần chìm tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm HIV là không thể kiểm soát.

“Cửa hẹp” biên chế

Chương trình điều trị thay thế bằng Methadone cho người nghiện CDTP đang được các cấp, các ngành, đoàn thể xã hội tích cực triển khai, dư luận xã hội hoan nghênh và ủng hộ. Thêm nữa, theo Sở Y tế, cứ 10.000 đồng được đầu tư vào Methadone sẽ tiết kiệm được 70.000 chi phí liên quan đến tội phạm, điều trị HIV/AIDS.

Đại diện Sở Y tế Hải Phòng cho biết, toàn bộ kinh phí vận hành chương trình trong suốt thời gian qua do các dự án Quốc tế tài trợ; nhân viên làm việc tại các cơ sở điều trị theo hợp đồng ngắn hạn/thời vụ và được trả lương khoán. Phải đến 4/2011, nhân viên thuộc 5/8 cơ sở mới được trả lương theo bằng cấp bao gồm các chế độ cho người lao động trong ngành Y tế (BHXH, BHYT, phụ cấp đặc thù...).

Không chỉ vậy, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và tổ chức Sức khỏe Gia đình Quốc tế (FHI360) - tài trợ chính cho chương trình điều trị Methadone tại cộng đồng Việt Nam - đã thông báo lộ trình rút dần tài trợ kể cả chương trình phòng, chống HIV/AIDS nói chung bắt đầu từ 1/1/2012. Cụ thể, mỗi năm sẽ cắt giảm 30% kinh phí hỗ trợ, sau năm 2014 kinh phí vận hành chương trình sẽ không còn; riêng thuốc Methadone sẽ được miễn phí đến năm 2015...

Như vậy, đến 2015, Hải Phòng hoàn toàn phải tự lo nguồn lực, tài chính cho toàn bộ Chương trình. Tuy nhiên, mới đây, UBND TP Hải Phòng lại có công văn để nghị Bộ Y tế và Cục Phòng chống HIV/AIDS về kế hoạch tăng số lượng bệnh nhân/cơ sở điều trị trong thời gian tới. Như vậy, nguồn lực vận hành không phải là nhỏ, khó khăn chồng chất khó khăn...

Được đào tạo chuyên môn, làm việc cả ngày nghỉ, dịp lễ Tết, tiếp xúc với bệnh nhân đặc biệt nhưng chế độ chưa tương xứng nên hầu hết các nhân viên đều lo lắng cho tính “yêu nghề” của mình - một lực cản khiến chương trình khó đạt đích đến như mong đợi. Thêm nữa, Công văn số 1764/SNV-TCBM do Sở Nội vụ phúc đáp mục tiêu biên chế nhân lực của Đề án ngày 13/10/2011 của Sở Y tế khẳng định “không giao biên chế với các cơ sở điều trị Methadone, chỉ hỗ trợ kinh phí tương đương với định mức lao động cần thiết sau xã hội hóa để các cơ sở chủ động hoạt động theo hướng tăng dần xã hội hóa”.

Chủ trương xã hội hóa là hướng đi đúng, song vẫn cần phải có chỉ đạo về cơ chế, chính sách thật rõ ràng, cụ thể. Bởi nghiện ma túy là bệnh mãn tính, Methadone lại là một ma túy được dùng để điều trị thay thế CDTP lâu dài và cần sự phối hợp của nhiều ngành trong công tác quản lý, giáo dục, tạo môi trường để người bệnh tuân thủ điều trị, tự chăm lo bản thân, ổn định cuộc sống lâu dài tại cộng đồng. Nhiều cán bộ băn khoăn đặt câu hỏi nếu xã hội hóa toàn các cơ sở điều trị thì vai trò quản lý của Nhà nước sẽ nằm ở đâu? 

Theo UBQG phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, cho tới thời điểm hiện tại, cả nước đã có 9 tỉnh, thành phố với 30 điểm và gần 4.890 bệnh nhân đang được điều trị bằng Methadone.

Phương Thanh

Đọc thêm