Phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi
Tại Diễn đàn “Chống buôn lậu, gian lận thương mại, uy tín doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng” diễn ra mới đây, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong những năm gần đây, cùng với xu thế hội nhập quốc tế và sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, Việt Nam đang phải đối diện với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM), hàng giả đang diễn ra phức tạp.
“Ngoài việc vận chuyển trái phép hàng cấm, thì hiện tượng buôn lậu, GLTM những mặt hàng thiết yếu, phục vụ sản xuất kinh doanh (SXKD), hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, hàng điện tử... cũng có chiều hướng gia tăng, diễn biến hết sức phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, quy mô ngày càng lớn, làm ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe và thiệt hại cho người tiêu dùng (NTD), thiệt hại lớn cho doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính, gây thất thu ngân sách nhà nước (NSNN), ảnh hưởng đến các ngành sản xuất trong nước, tác hại rất lớn cho nền kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội…” - Phó Chủ tịch VCCI nhận định.
Theo thống kê, trong năm 2023, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý hơn 14.600 vụ việc vi phạm với trị giá hàng hóa ước tính 11.520 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 166 vụ. Số tiền thu nộp NSNN là 474 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cả nước phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022), thu nộp NSNN gần 500 tỷ đồng (tăng 36% so với năm 2022), giá trị tang vật thu giữ gần 204 tỷ đồng; Chuyển cơ quan điều tra 170 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 35% so với năm 2022).
Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, vấn nạn buôn lậu, GLTM, hàng giả vẫn tiếp tục âm thầm diễn ra, với những thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thực thi pháp luật.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục QLTT nhận định, mặc dù tình hình suy thoái kinh tế và sức mua của NTD sụt giảm, nhưng tình hình buôn lậu, GLTM vẫn chưa giảm nhiều.
Theo ông Lê, mặc dù các lực lượng chức năng đã vào cuộc tích cực, nhưng trong dịp Tết, nhất là Tết Nguyên Đán 2024 sắp tới, các đối tượng sử dụng các phương thức, thủ đoạn mới để tối đa lợi nhuận thu được trong việc GLTM. Các phương thức mới như che giấu nguồn gốc hàng hóa, đánh tráo, rút ruột hàng hóa, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn ra.
Lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn
Theo đại diện Tổng cục QLTT, các đối tượng buôn lậu, GLTM, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới hoạt động có tính tổ chức chặt chẽ theo đường dây, trên địa bàn rộng, liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi, gây khó khăn trong việc phát hiện hành vi vi phạm…
Đặc biệt, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển nên việc xác minh, truy tìm cũng gặp nhiều khó khăn. “Các đối tượng ngày càng am hiểu và có trình độ về công nghệ thông tin, sử dụng cùng một lúc nhiều tài khoản trên mạng xã hội, các sàn TMĐT để ngay lập tức có thể xóa thông tin, gây khó khăn trong việc truy vết và xử lý của cơ quan chức năng…” - Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê cho biết.
Một khó khăn cho các lực lượng chức năng hiện nay là hàng lậu, hàng giả và GLTM không tập kết, bày bán công khai như trước đây mà sau khi qua biên giới, các đối tượng tập kết hàng tại kho hàng ở khu vực ngoại thành, xa trung tâm, ít người qua lại hoặc để tại nhà riêng, các khu chung cư cao cấp, sau đó lợi dụng việc kinh doanh trên môi trường TMĐT để kinh doanh hoặc hoạt động giao hàng được thực hiện chủ yếu qua đơn vị vận chuyển trung gian nên gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình xác định vị trí kho hàng để tiến hành kiểm tra, xử lý.
Cùng với đó, công tác đấu tranh chống SXKD hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ còn khó khăn, việc cung cấp thông tin, hỗ trợ phát hiện hàng giả của các DN và các Hiệp hội còn hạn chế; chi phí giám định cao, thời gian kéo dài nên ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra, xử lý…
Ở góc độ Hải quan, ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đánh giá, tình hình buôn lậu, GLTM gia tăng khiến các DN làm ăn chính đáng gặp khó khăn cũng như NTD bỏ tiền thật nhưng lại mua phải hàng giả, đi kèm với đó là bệnh tật và những hệ lụy khác… Cũng theo đại diện Tổng cục Hải quan, lực lượng toàn ngành tại các cửa khẩu rất mỏng, mặc dù trên tuyến biên giới phía Bắc, nước bạn đã lập hàng rào và có các camera quan sát, hạn chế buôn lậu qua đường biên giới. Tuy nhiên, khi làm chặt đường bộ thì lại xảy ra qua đường hàng không và biên giới phía Tây…
“Có thể nói, việc đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và GLTM để bảo vệ lợi ích chính đáng của tổ chức, DN, cá nhân SXKD, quyền lợi NTD góp phần ổn định thị trường trong nước là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay. Để thực hiện nhiệm vụ này cần tiếp tục có được sự đồng thuận, đồng lòng và quyết liệt hơn của cả người dân, DN, cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng…” - Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa nhấn mạnh.