Thách thức trong quản lý, kiểm soát các loại tiền chất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo số liệu thống kê của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), số lượng tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần xuất, nhập khẩu hợp pháp trong các năm vẫn tiếp tục tăng, trung bình đạt mức 10%/năm. Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, không để tội phạm lợi dụng sử dụng vào mục đích sản xuất ma túy là hết sức cấp thiết.
Cần sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ ngành trong việc quản lý nhập khẩu tiền chất.
Cần sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ ngành trong việc quản lý nhập khẩu tiền chất.

Còn bất cập trong lưu thông, sử dụng và tồn trữ tiền chất

Thượng tá Chu Văn Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết, không chỉ hoạt động thẩm lậu từ nước ngoài có xu hướng ngày càng gia tăng, tình hình sản xuất ma túy trong nước có dấu hiệu càng phức tạp.

Quản lý chặt chẽ tiền chất, không để tội phạm có cơ hội lợi dụng điều chế, sản xuất ma túy tổng hợp đang là đòi hỏi cấp bách. Tuy nhiên, hiện nay, công tác kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cũng còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Bởi việc theo dõi, chống thất thoát tiền chất ở các khâu xuất nhập khẩu, lưu thông, sử dụng và tồn trữ tiền chất còn nhiều bất cập. Các đơn vị nhập khẩu tiền chất về để kinh doanh không chỉ bán lại cho các đối tượng trực tiếp sử dụng mà còn bán cho nhiều đối tượng kinh doanh khác; các đơn vị này lại bán cho các đối tượng khác tạo thành một khâu trung chuyển phức tạp, do đó rất khó kiểm soát đến khâu cuối cùng.

Thực trạng trên càng khó kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời khi sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy chưa được triển khai nhịp nhàng.

Ngoài ra, đến nay một số hoạt động chưa được đưa vào kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy như tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập. Trong khi đó, đây là các hoạt động trên thực tiễn diễn ra thường xuyên, rất dễ bị các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội về ma túy.

Đặc biệt là hiện nay một số loại thuốc có chứa chất ma túy, tiền chất cũng chưa được quy định thuộc đối tượng chịu sự kiểm soát (như: thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất). Thực tế, các đối tượng đã lợi dụng sản xuất ma túy tổng hợp từ các loại thuốc này.

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, tính đến nay cả nước có hơn 40 vụ sản xuất trái phép chất ma túy, trong đó phần nhiều là các vụ sản xuất ma túy tổng hợp từ các loại tiền chất trôi nổi hoặc bằng cách chiết xuất tiền chất từ thuốc tân dược.

Quản lý chặt từ khâu cấp phép đến hậu kiểm

Tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng tiền chất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội rất lớn. Hiện có khoảng 900 doanh nghiệp thường xuyên có hoạt động xuất, nhập khẩu tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp và y tế.

Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước liên quan thực hiện việc kiểm soát nguồn tiền chất sau khi nhập khẩu, sử dụng trên thị trường hoặc xuất khẩu đi các nước khác. Từ đó, đã góp phần ngăn chặn được việc sử dụng bất hợp pháp tiền chất vào sản xuất ma túy tại Việt Nam.

Thông qua các Kế hoạch chỉ đạo về kiểm soát ma túy, tiền chất, Kế hoạch kiểm tra tiền chất dùng trong công nghiệp, tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần dùng trong y tế, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y có chứa ma túy, tiền chất, từ năm 2011 đến năm 2021, Tổng cục Hải quan đã kiểm tra, phát hiện 60 vụ vi phạm hành chính.

Các vi phạm pháp luật trong hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy chủ yếu là vi phạm hành chính với các hành vi như: nhập khẩu không có giấy phép, nhập khẩu vượt qua số lượng tiền chất xin cấp phép, ngày cấp phép sau ngày thông quan hàng hóa…

Thông qua việc kiểm tra, kiểm soát và áp dụng biện pháp nghiệp vụ soi chiếu qua tuyến hàng không (bưu điện, chuyển phát nhanh), trong khoảng 10 năm qua, lực lượng Hải quan đã chủ động phát hiện, bắt giữ hơn 67 kg tiền chất (Ephedrine, Pseudephedrine), hơn 9.800 hộp thuốc tân dược chứa hoạt chất gây nghiện.

Đánh giá về tình hình kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy tại Việt Nam cho thấy, các cơ quan chức năng cơ bản mới chỉ kiểm soát được tiền chất trong khâu nhập khẩu vào Việt Nam, các hoạt động mua bán tiếp theo của các đơn vị, cá nhân, đường đi và mục đích sử dụng của các loại tiền chất này vẫn đang đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý, kiểm soát.

Hơn nữa, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy chưa đồng bộ, còn một số điểm bất cập, không phù hợp, chưa đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, xuất hiện các loại ma túy và tiền chất mới ngày càng nhiều, thủ đoạn gian lận của tội phạm ngày càng tinh vi…

Để đẩy mạnh công tác phòng, chống nhập lậu và sử dụng tiền chất sai mục đích, ông Nguyễn Văn Lịch cho rằng, các cơ quan quản lý chuyên ngành (Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cần quản lý chặt từ khâu cấp phép tiền chất đến hậu kiểm việc sử dụng tiền chất, không để thất thoát vào các mục đích bất hợp pháp.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát ở khâu sản xuất, tiêu thụ đúng mục đích, đối tượng; cấp phép đúng năng lực sản xuất của doanh nghiệp, định mức tiêu hao nguyên liệu. Bên cạnh đó, cũng cần thường xuyên cập nhật các loại tiền chất trong danh mục quản lý của Chính phủ.

Theo báo cáo của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC), thị trường ma túy và tiền chất bất hợp pháp gia tăng nhanh chóng, "Tam giác vàng" vẫn là địa bàn sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất cho cả khu vực và thế giới. Tình hình thất thoát, sản xuất và mua bán tiền chất để sản xuất ma túy tổng hợp tiếp tục gia tăng đáng quan ngại và khó kiểm soát.

Sự xuất hiện các tiền chất thay thế mới được sử dụng sản xuất ma túy tổng hợp với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, hoạt động có tổ chức, thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong phát hiện, điều tra, xử lý.

Đọc thêm