Cụ thể, tính từ ngày 1/10/2017 đến ngày 30/9/2018, hệ thống cơ quan THADS tỉnh Thanh Hóa đã thụ lý 18.024 việc, trong số có điều kiện, đã giải quyết xong 11.888 việc, đạt tỷ lệ 82,66% (vượt 9,16% so với chỉ tiêu được Tổng cục THADS giao). Về tiền, tổng số tiền thụ lý hơn 1.214 tỷ đồng, trong số có điều kiện, đã giải quyết xong hơn 419 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 42,6% (vượt 10,1% so với chỉ tiêu được Tổng cục THADS giao).
Các mặt công tác khác như chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn nghiệp vụ ngày càng sâu sát, quyết liệt; bộ máy, tổ chức được quan tâm củng cố; kỷ cương, kỷ luật ngày càng được siết chặt; công tác phối hợp tiếp tục được tăng cường...
Tuy nhiên, công tác THADS năm 2018 vẫn còn những tồn tại như hiệu quả công tác chuyên môn chưa cao, tỷ lệ thi hành xong thấp hơn về tiền và tăng cao về số có điều kiện chuyển kỳ sau so với cùng kỳ năm 2017. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành ở một số đơn vị còn kém, chưa sâu sát, kiên quyết.
Công tác kiểm tra, tự kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên, chất lượng chưa được nâng cao. Trình độ năng lực, chuyên môn, ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, chấp hành viên còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành còn hạn chế.
Để phát huy các kết quả đã đạt được và kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, năm 2019, lãnh đạo Cục, các Chi cục THADS trên địa bàn tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt các chỉ tiêu, nhiệm vụ ngay từ đầu năm công tác. Theo đó, tích cực chỉ đạo việc xác minh, phân loại án chính xác, đúng pháp luật, thường xuyên kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch việc thực hiện các quy định về xác minh điều kiện thi hành án; chủ động, quyết liệt nâng cao hiệu quả thi hành án đối với những việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng.
Đặc biệt, các cơ quan THADS sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho lãnh đạo ngành, lãnh đạo tỉnh, cấp ủy Đảng, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố và Ban Chỉ đạo THADS các cấp trong tỉnh về công tác THADS, thi hành án hành chính. Tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan, nhất là các cơ quan Nội chính cấp tỉnh và cấp ủy, chính quyền cơ sở, Ban Chỉ đạo THADS các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ THADS.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải nhạy bén, kịp thời và phù hợp với nguyên tắc tập trung thống nhất trong quản lý. Người đứng đầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên bám sát địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách theo phương châm quản lý “hướng về cơ sở”, thực sự sâu sát thực tiễn.
Từ đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho chấp hành viên, cán bộ, công chức và các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của toàn hệ thống các cơ quan THADS trong tỉnh.
Các cơ quan THADS cần thực hiện nghiêm túc chế độ Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp tiếp công dân định kỳ, tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo với tinh thần trách nhiệm cao, đúng pháp luật, hạn chế phát sinh những vụ việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, kéo dài. Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác tổ chức cán bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm để kịp thời khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động THADS; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tổ xử lý nợ xấu trong thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng.
Trong đó, tập trung nguồn lực để giải quyết từng vụ việc cụ thể, kịp thời nắm bắt, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời giám sát chặt chẽ việc thẩm định, đấu giá tài sản kê biên theo thẩm quyền. Cùng với đó là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai đầy đủ cơ chế một cửa và hỗ trợ trực tuyến yêu cầu thi hành án tại các cơ quan THADS trong tỉnh.