Thực hiện phương châm: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương – Sáng tạo – Phát triển”, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX xác định chủ đề là: “Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phấn đấu xây dựngThái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng”.
Dấu ấn một nhiệm kỳ…
Về Thái Bình hôm nay, nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay, phát triển nhanh chóng của vùng đất vốn trước giờ được biết đến là địa phương thuần nông, không có nhiều điều kiện tự nhiên ưu đãi.
Trong 5 năm vừa qua, những khó khăn, hạn chế chung của nền kinh tế cùng với những thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai gây ra đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trong tỉnh. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thái Bình đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, tạo nhiều chuyển biến tích cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền địa phương.
Kinh tế tăng trưởng khá và toàn diện trên các lĩnh vực, tạo được những dấu ấn nổi bật. Tổng sản phẩm GRDP (giá so sánh năm 2010) bình quân 5 năm (2016-2020) ước tăng 9%/năm, vượt mục tiêu Đại hội XIX đề ra (8,6%/năm), cao hơn mức trung bình cả nước và gấp 1,3 lần mức tăng trưởng của 5 năm trước (6,7%/năm). Quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người có bước tăng mạnh.
Cơ cấu kinh tế đúng hướng; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ trong GRDP đạt 75,5%, tăng 9,5% so với năm 2015. Các ngành sản xuất đều tăng trưởng khá cao và toàn diện, cơ bản đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm (2016-2020) ước đạt 235,5 nghìn tỷ đồng, gấp gần 2 lần 5 năm 2011-2015, tăng bình quân 7,8%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn hằng năm luôn vượt dự toán được giao; năm 2020 ước đạt trên 8.000 tỷ đồng, gấp 1,35 lần năm 2015.
Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện, đang chuyển dần sang sản xuất hàng hoá gắn với tập trung, tích tụ đất đai và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị. Tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp tăng cao; năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất và mức độ cơ giới hóa tăng lên rõ rệt.
Sản xuất nông nghiệp đạt mức tăng trưởng khá; giá trị sản xuất bình quân 5 năm (2016-2020) tăng 2,5%/năm, đạt mục tiêu Đại hội đề ra. Giữ vững năng suất lúa trên 132 tạ/ha/năm, tăng 1,6 tạ/ha so với bình quân nhiệm kỳ trước, sản lượng thóc duy trì trên 1 triệu tấn/năm.
Xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh và đạt được những thành quả quan trọng. Đến hết năm 2019, đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh, vượt trước 3 năm so với mục tiêu Đại hội XIX; đặc biệt, có 100% dân cư nông thôn được cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt, vượt trước 2 năm so với mục tiêu Đại hội XIX. Xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đạt kết quả bước đầu; dự kiến hết năm 2020, có 14 xã (5%) đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng bình quân 15,2%/năm, vượt mục tiêu Đại hội đề ra (13,8%/năm). Một số dự án quy mô lớn hoàn thành đầu tư đúng tiến độ, đi vào sản xuất kinh doanh ổn định. Năng lực sản xuất của hầu hết các ngành công nghiệp đều tăng mạnh so với năm đầu nhiệm kỳ.
Thu hút đầu tư tăng nhanh; đến nay, toàn tỉnh Thái Bình có 1.060 dự án đăng ký đầu tư trên địa bàn với tổng vốn đăng ký trên 130,4 nghìn tỷ đồng, trong đó, có trên 850 dự án đang sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho 115.000 lao động.
Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất đã thu hồi tại các khu công nghiệp đạt 93,5%, cụm công nghiệp đạt 68,3%. Nghề, làng nghề truyền thống có thị trường tiêu thụ sản phẩm được quan tâm, tạo điều kiện phát triển; đã rà soát, loại bỏ 106 làng nghề không đạt tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường…
Tập trung nguồn lực xây dựng Khu kinh tế Thái Bình
Tập trung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu của Thái Bình trong cả nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo.
Khu kinh tế Thái Bình có diện tích đất tự nhiên 30.583ha, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Khu kinh tế có nhiều lợi thế về vị trí trải dài trên khoảng 52km bờ biển, gần đầu mối giao thông quan trọng, nằm trong vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; có nguồn năng lượng tại chỗ dồi dào trữ lượng lớn khí mỏ, than nâu…
Đây là những điểm nhấn rất thuận lợi để Thái Bình mở rộng cửa chào đón làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các Tập đoàn lớn trong và ngoài nước, tạo bước ngoặt đưa kinh tế của tỉnh tăng tốc trong thời gian tới. Một Thái Bình phát triển toàn diện cả về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị và kinh tế biển đang hiện hữu rất gần.
Biến thế mạnh trở thành cơ hội, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã thực hiện nhiều giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, tạo cơ chế chính sách thông thoáng, dành ưu đãi đặc biệt thu hút đầu tư.
Ông Ngô Đông Hải - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cho biết: “Hàng loạt những cuộc xúc tiến đầu tư được Thái Bình tổ chức tại nước ngoài và trong nước. Quan điểm chung của lãnh đạo tỉnh là chào gọi đầu tư nhưng không vội vã, lựa chọn những nhà đầu tư có quy mô lớn, uy tín, năng lực ưu tiên thu hút các ngành có công nghệ tiên tiến, hiện đại, giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và thân thiện với môi trường, không thâm dụng đất đai.
Dự báo trong năm 2021, Thái Bình sẽ đón bắt làn sóng chuyển dịch đầu tư, tiếp nhận các dự án đầu tư thức ấp của các Tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước”.
Nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá phát triển nhiệm kỳ 2020-2025
+ 5 nhiệm vụ trọng tâm:
1. Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
2. Tích cực đổi mới sáng tạo và thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm túc cơ chế trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.
3. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tham gia vào chuỗi giá trị; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thu hút, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.
4. Thường xuyên củng cố, xây dựng quốc phòng, an ninh vững mạnh. Giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nắm, dự báo tình hình; thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân và đối thoại với công dân; kịp thời giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân và những vấn đề bức xúc mới nảy sinh ngay tại cơ sở, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn.
5. Xây dựng con người Thái Bình phát triển toàn diện cả về đạo đức, nhân cách, trí tuệ, thể chất và năng lực làmviệc, đổi mới, sáng tạo. Tích cực đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy truyền thống văn hoá, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Thực hiện tốt chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
+ 3 đột phá phát triển:
1. Tăng cường cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
2. Tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế vùng Duyên hải Bắc Bộ; trong đó, tập trung hoàn thành đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển và các tuyến đường liên huyện huyết mạch. Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh.
3. Đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ cho phát triển nông nghiệp và đời sống nhân dân. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.