Giảm 16 trung tâm, Ban quản lý DA, 813 biên chế
Dẫn thông tin từ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình, TTXVN cho biết, thời gian qua nhiều cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, cấp huyện và các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Thái Bình đã tiến hành rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy.
Cụ thể như năm 2017 tỉnh Thái Bình thực hiện sáp nhập 22 trung tâm (gồm 10 Trung tâm giáo dục thường xuyên, 6 Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, 6 Trung tâm dạy nghề các huyện Thành phố) thành 9 Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên, giảm 13 trung tâm và 28 biên chế; sáp nhập 6 Ban quản lý dự án các công trình xây dựng thuộc 4 sở (gồm Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Giao thông vận tải và Sở Y tế) thành 3 Ban quản lý dự án trực thuộc UBND tỉnh…
Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy đã góp phần giảm nhiều đơn vị đầu mối và giảm số lượng người làm việc trong các cơ quan có chung chức năng, chuyên môn, nhiệm vụ. Thống kê của Tỉnh ủy Thái Bình cho thấy, sau khi sắp xếp đã giảm được 233 biên chế, tương ứng giảm chi trên 16 tỷ đồng/năm.
Đánh giá về kết quả tinh giản biên chế, ông Đỗ Xuân Thành, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình cho biết, giai đoạn 2015 - 2017 toàn tỉnh đã giảm 813 biên chế trong đó có khối chính quyền giảm 722 người (gồm 67 công chức và 655 viên chức); khối Đảng, đoàn thể giảm 91 người.
Tuy nhiên thực tế hiện nay tỉnh Thái Bình vẫn còn thiếu 2.776 biên chế so với số được Trung ương giao từ năm 2015 là 30779 biên chế. Kết quả tinh giản biên chế trên địa bàn còn mang tính cơ học, chủ yếu là các cán bộ công chức, viên chức đến tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu đến năm 2021 sẽ giảm 3124 biên chế khối chính quyền, khối Đảng, đoàn thể cấp tỉnh và huyện (đạt 10,14%).
Quyết liệt tổ chức, sắp xếp lại bộ máy
Thực hiện Nghị quyết số 19 – NQ/TW hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Kế hoạch số 62-KH/TU.
Theo đó, Tỉnh Thái Bình xác định việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời phải thu hút được người có đức, có tài làm việc trong bộ máy hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình xác định cụ thể những nhiệm vụ theo lộ trình và những nhiệm vụ thường xuyên trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Các nội dung trong kế hoạch đều được giao cho từng cơ quan, đơn vị chủ trì và cụ thể về thời gian hoàn thành.
Đồng chí Đỗ Xuân Thành, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình cho rằng, việc Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW là chủ trương rất đúng và trúng trong tình hình hiện nay nhằm giảm bớt sự cồng kềnh, chồng chéo, nhiều đầu mối của bộ máy, giảm gánh nặng cho ngân sách đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của từng cơ quan chuyên môn trong toàn hệ thống chính trị.
Quan điểm của tỉnh Thái Bình là thận trọng thực hiện từng bước, nội dung nào đã rõ sẽ tiến hành làm trước, nội dung còn mới sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm với những bước đi cụ thể hoặc thực hiện thí điểm từ đó rút kinh nghiệm để triển khai, nhân rộng.
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình cho biết thêm, trong số các đề án, chương trình hành động giao cho các đơn vị xây dựng có 31 đề án thuộc khối đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong số này có 12 đề án phải hoàn thành xây dựng trong năm 2018 như: Đề án sáp nhập trường mầm non tại các xã, phường, thị trấn có từ 2 trường mầm non công lập trở lên thành 1 trường mầm non công lập; Đề án sáp nhập trường Trung cấp nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trường Trung cấp xây dựng (Sở Xây dựng), trường Trung cấp nghề thủ công mỹ nghệ Kiến Xương (UBND huyện Kiến Xương) vào trường Cao đẳng nghề Thái Bình; Đề án sáp nhập 4 Trung tâm: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh…
Các đề án sẽ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến và sau đó tiến hành thực hiện tại các cơ quan, đơn vị nằm trong đề án.
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, đặc biệt là Nghị quyết số 18 - NQ/TW theo đúng lộ trình, kế hoạch đặt ra, tháng 4/2018 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết tại các huyện, thành phố và một số đơn vị trên địa bàn, lắng nghe các khó khăn từ phía cơ sở, qua đó có các giải pháp tháo gỡ.
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình Đỗ Xuân Thành cho rằng, vấn đề tổ chức, sắp xếp lại bộ máy liên quan trực tiếp đến vấn đề công tác cán bộ. Khó khăn hiện nay của nhiều địa phương là không ít cán bộ, công chức, viên chức tại những đơn vị sẽ được tổ chức sắp xếp vẫn còn băn khoăn về vị trí công việc sau khi tổ chức lại bộ máy. Trước vấn đề này, giải pháp được tỉnh Thái Bình đưa ra là đẩy mạnh tuyên truyền về những nội dung cơ bản trong Nghị quyết cũng như nâng cao nhận thức, làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội./.