Thái Lan hướng tới chính sách mới để kiểm soát thuốc lá mới hiệu quả hơn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thái Lan đang nằm trong danh sách các nước cấm các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm cả thuốc lá điện tử lẫn thuốc lá làm nóng. Tuy nhiên, gần đây quốc gia này vừa thành lập Ủy ban Đặc biệt nhằm hướng tới một chính sách mới hài hòa, hiệu quả hơn thay cho lệnh cấm hiện nay.

Cụ thể, ngày 27/9/2023, Viện Dân biểu Thái Lan đã thông qua đề xuất thành lập Ủy ban Đặc biệt nhằm đánh giá lại các khung pháp lý và biện pháp quản lý thuốc lá điện tử (TLĐT) nói riêng và thuốc lá mới nói chung. Đến nay, Ủy ban này đã họp mặt 6 lần để thảo luận các vấn đề xoay quanh dòng sản phẩm này, trong đó bao gồm tình trạng giới trẻ sử dụng sản phẩm.

Bất chấp lệnh cấm, thuốc lá điện tử vẫn tràn lan tại Thái Lan

Trong một phiên họp, Ủy ban Đặc biệt của Thái Lan đã công nhận thuốc lá mới vẫn được cung cấp rộng rãi qua buôn lậu, với số người sử dụng TLĐT ngày càng tăng, bất chấp lệnh cấm từ năm 2014. Điều này gây nhiều khó khăn cho Chính phủ Thái Lan trong việc thu thuế, chống tham nhũng, dẹp loạn thị trường chợ đen, giải quyết an toàn sản phẩm hay hạn chế sự tiếp cận của giới trẻ.

Thuốc lá điện tử tràn lan tại khu chợ Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: nationthailand.com)

Thuốc lá điện tử tràn lan tại khu chợ Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: nationthailand.com)

Trong cuộc họp gần đây của Viện Dân biểu, ông Jirat Thongsuwan, nghị sĩ Đảng Move Forward (Đảng Tiến lên), đã đặt ra câu hỏi tại sao thuốc lá mới là bất hợp pháp nhưng thuốc lá điếu đốt cháy thông thường lại hợp pháp?

Quan trọng hơn cả, hệ lụy từ việc cấm thuốc lá mới đã tạo lỗ hổng pháp lý, làm gia tăng tình trạng buôn lậu, tham nhũng, hối lộ trong giới quan chức của Thái Lan. Chưa kể, không phải du khách nào cũng biết đến điều luật cấm thuốc lá mới khi đến Thái Lan, do sản phẩm vẫn được bày bán tràn lan, công khai.

Trước đó, ông Chaiwut Thanakamanusorn, Bộ trưởng Kinh tế Kỹ thuật số và Xã hội Thái Lan đã từng khẳng định, việc cấm hoàn toàn thuốc lá mới không phải là giải pháp tốt nhất cho đất nước trong bối cảnh xã hội hiện nay. Theo ông Chaiwut, việc hợp pháp hóa sản phẩm này sẽ đem lại nguồn thuế cho Chính phủ cũng như đặt ra các tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp thuốc lá.

Từ động thái trên, một số ý kiến dự đoán Thái Lan có thể sẽ là nước tiếp theo cân nhắc việc hợp pháp hóa thuốc lá mới phục vụ cho chiến lược giảm tác hại thuốc lá theo chính sách quốc gia của nước này.

Từ Thái Lan nhìn về Việt Nam hiện nay

Tương tự, tại Việt Nam, thuốc lá mới nhập lậu đang phổ biến trên thị trường chợ đen và chính sách quản lý mặt hàng này vẫn còn trong tiến trình thảo luận của các Bộ, ngành.

Tại Hội thảo “Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm” ngày 5/7/2023, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật (nay là Trưởng Ban Dân chủ, Giám sát và phản biện xã hội), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thừa nhận, chúng ta đã mất quá nhiều năm chỉ để thảo luận về việc kiểm soát thuốc lá mới như thế nào, trong khi bên ngoài, chỉ trong vòng 5 năm, tỷ lệ hút TLĐT ở giới trẻ đã tăng 18 lần và độ tuổi sử dụng thuốc lá mới ở giới trẻ ngày càng có xu hướng giảm.

Vì thế, ngày càng nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng bơm ma túy, chất cấm vào trong vỏ bọc TLĐT để dụ dỗ người dùng, gián tiếp tạo ra một thế hệ nghiện ma túy mới.

Trong tọa đàm “Thực trạng thuốc lá mới và giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng” ngày 19/10/2023, TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, hiện nay chúng ta chỉ mới tiếp cận theo hướng bảo vệ sức khỏe cho người dùng, nhưng chưa quan tâm đầy đủ đến thị trường. Theo ông Kiên, để quản lý thuốc lá mới, phải hài hòa giữa các công tác quản lý Nhà nước, tuyên truyền và bảo vệ sức khỏe người dân.

TS Nguyễn Đức Kiên. (Ảnh: PV)

TS Nguyễn Đức Kiên. (Ảnh: PV)

Hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công nhận sự tồn tại của thuốc lá làm nóng như là một sản phẩm thuốc lá, đồng thời đưa ra khuyến nghị đối với các quốc gia là nên tiếp tục giám sát sản phẩm trên thị trường, quản lý sản phẩm theo luật kiểm soát thuốc lá của quốc gia và phù hợp với Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC).

Mới đây nhất, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vào ngày 7/11, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đang xây dựng phương án quản lý xây theo hướng tiệm cận nhất với ý kiến của Bộ Y tế để trình Thủ tướng trong quý IV năm nay. Theo Bộ trưởng, phương án quản lý thuốc lá mới sẽ phù hợp với Hiến pháp, Luật Đầu tư, các quy định khác có liên quan và chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ với Chiến lược quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, dung hòa quyền lợi giữa các chủ thể liên quan.

Trước đó, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã có hai Tờ trình số 728 và số 5200 trình Chính phủ về việc đưa thuốc lá mới vào quản lý. Bộ Công Thương và Bộ Y tế cũng đã có hai cuộc họp chính thức để thảo luận nhằm hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 67/2013/NĐ-CP về kinh doanh thuốc lá, bao gồm phương án quản lý thuốc lá mới.

Mặt khác, cũng tại Hội thảo “Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm”, đại diện Bộ Công Thương thông tin: Giai đoạn thí điểm dự kiến trong 5 năm tới, Bộ Công Thương sẽ tiến hành đánh giá tác động của thuốc lá làm nóng trước khi đề xuất với Chính phủ kế hoạch tiếp theo.

Đọc thêm