Tổng giá trị sản xuất năm 2017 đạt 17.787,8 tỷ đồng, tăng 19,94% so với cùng kỳ năm 2016. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 26,51%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản chiếm 52,15%; thương mại, dịch vụ chiếm 21,34 %. Thắng lợi này tạo niềm tin và động lực để địa phương tiếp tục thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị năm 2018.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị thu nhập. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Tập đoàn TH hiện đang khảo sát, đề xuất thuê đất sản xuất nông nghiệp tại 02 xã Thái Giang và Thụy Chính với diện tích 200 ha. Trước tình hình chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn, UBND huyện đã tập trung các giải pháp tháo gỡ, động viên người chăn nuôi yên tâm sản xuất, do vậy đa số các trang trại chăn nuôi tiếp tục duy trì. Công tác tiêm phòng, kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được triển khai thực hiện tốt, không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên địa bàn.
Sản xuất thủy sản đạt kết quả tốt. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 4.334 ha, sản lượng ước đạt 33.300 tấn. Diện tích nuôi tôm công nghệ cao năm 2017 đạt 34 ha, sản lượng đạt 6-8 tấn/ha/vụ cho giá trị 1 ha/năm đạt 2-3 tỷ đồng. Khai thác thủy sản tiếp tục được đẩy mạnh, tổng phương tiện đang hành nghề khai thác là 444 phương tiện, sản lượng ước đạt 44.169 tấn.
Việc thực hiện cơ chế hỗ trợ ngư dân đóng mới và cải hoán tàu cá theo Nghị định 67 và Nghị định số 89 của Chính phủ được chú trọng, bảo đảm đúng quy định của Nhà nước. Toàn huyện có 6 tàu đóng mới, 2 tàu nâng cấp với tổng kinh phí hỗ trợ là 850 triệu đồng. Những cố gắng, nỗ lực trên đã góp phần đưa giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của huyện đạt 4.715,5 tỷ đồng, tăng 3,24% so với năm 2016.
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia nên đã đạt kết quả khá toàn diện. Đến hết năm 2017, tổng lượng xi măng Thái Thụy đã tiếp nhận xây dựng NTM là hơn 146.106,9 tấn, tương ứng 150,4 tỷ đồng, kết hợp huy động sự tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công lao động của nhân dân đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông thôn: điện, đường, trường, trạm, giao thông, thủy lợi nội đồng, các công trình phúc lợi xã hội.
Đến nay toàn huyện đã có 29 xã đạt chuẩn NTM và 03 xã đã hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh thẩm định, công nhận. Chương trình nước sạch nông thôn tiếp tục mở rộng, mạng lưới cung cấp nước sạch sinh hoạt cho 100% các xã, thị trấn trong huyện, tỷ lệ hộ dân nông thôn đấu nối nước sạch đạt 82,3%, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngay từ đầu năm, UBND huyện chủ động đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; lãnh đạo huyện gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp; chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, để thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Nhờ vậy, sản xuất công nghiệp có bước tăng trưởng khá, giá trị sản xuất ước đạt 3.853,4 tỷ đồng, tăng 51,8% so với năm 2016. Nghề và làng nghề tiếp tục được duy trì, phát triển.
Đến nay, Thái Thụy đã hoàn thành Đề án công nhận thị trấn Diêm Điền mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV, hiện đang trình Bộ xây dựng và các bộ, ngành liên quan thẩm định, phê duyệt theo quy định. Huyện cũng tập trung đôn đốc hoàn thiện các quy hoạch, kêu gọi đầu tư thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch trên địa bàn. Cùng với đó, việc thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp và thực hiện xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư được đẩy mạnh và đạt được kết quả khá tích cực.
Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được tăng cường với giá trị xây dựng ước đạt 5.423 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Huyện ủy, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo, chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư, xử lý nợ đọng, quản lý chất lượng thi công xây dựng và an toàn lao động. Nhiều dự án lớn, các công trình giao thông trên địa bàn huyện được triển khai thực hiện, góp phần tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong những năm tới.
Các hoạt động thương mại - dịch vụ được duy trì và có bước phát triển với giá trị đạt 3.795,9 tỷ đồng, tăng 8,8% so với năm 2016 đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 1.156,24 tỷ đồng, đạt 114,8% dự toán.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, trong năm qua, tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện Thái Thụy được bảo đảm. Đặc biệt UBND huyện, ngành chức năng và các xã, thị trấn đã thực hiện nghiêm việc giải tỏa, chống lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè, lòng đường, hành lang an toàn giao thông trên địa bàn huyện theo đúng tinh thần Chỉ thị số 04 của UBND tỉnh. Toàn huyện đã thực hiện giải tỏa 3.618/3.639 trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đạt 99%.
Trật tự an toàn giao thông được kiểm soát và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Thái Thụy đã thực hiện nghiêm Pháp lệnh 16 và Nghị định 36/CP, giữ vững thành tích 6 năm liên tục, toàn huyện không có tiếng pháo nổ, không đốt và thả đèn trời trong dịp Tết Nguyên đán.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm. Các chế độ, chính sách đối với người và gia đình có công, các đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra.
Hoạt động của Trung tâm hành chính công và đường dây nóng của huyện được duy trì hiệu quả; thời gian giải quyết và thành phần hồ sơ trong mỗi thủ tục hành chính được rà soát, cắt giảm và rút ngắn; hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước được cải thiện.
Xác định năm 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV và có ý nghĩa quan trọng trong việc phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, Thái Thụy phấn đấu giá trị sản xuất năm 2018 đạt 21.501,7 tỷ đồng, tăng 20,9% so với năm 2017; có 129/145 trường học đạt chuẩn quốc gia; 90% số gia đình trở lên đạt gia đình văn hóa; trên 88% thôn, làng và khu phố đạt danh hiệu thôn, làng văn hóa; 47 xã đạt “Xã chuẩn văn hóa nông thôn mới”, 47 xã đạt 3 tiêu chí về văn hóa; 100 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới 0,5% trở lên. Tỷ lệ dân số nông thôn, đô thị sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%. Năm 2018, Thái Thụy phấn đấu về đích xây dựng nông thôn mới.
Để hoàn thành các mục tiêu đó, Huyện ủy, UBND huyện sẽ tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, kết luận chỉ thị của Đảng, nhà nước, của Tỉnh ủy, Huyện ủy.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, trong đó chỉ đạo quyết liệt tái cơ cấu ngành Nông nghiệp với việc đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao thu nhập cho người dân. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm, thủy sản theo hướng bền vững, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới bảo đảm thực chất, không chạy theo thành tích, gắn với thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo quy định, phù hợp với khả năng, nguồn lực của địa phương. Triển khai tích cực, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành công thương và các quy hoạch phát triển ngành đã phê duyệt.
Phối hợp với các cơ quan chức năng tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn, mặt bằng, nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động hiệu quả và thu hút nhiều dự án mới đầu tư vào địa bàn. Chủ động phối hợp, đôn đốc các doanh nghiệp, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa dự án vào hoạt động theo phương án đã phê duyệt để tạo chuyển biến mạnh mẽ về sản xuất công nghiệp của huyện.
Tập trung khai thác tốt các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; chỉ đạo xây dựng các công trình mục tiêu, công trình trọng điểm của huyện theo kế hoạch. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; đẩy mạnh hoạt động xã hội hoá công tác y tế. Tổ chức thành công lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính.
Tăng cường công khai, minh bạch, tiếp tục rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp và nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức khi thực thi công vụ. Xây dựng, chính quyền, các đoàn thể trong sạch vững mạnh. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn an ninh tạo tiền đề vững chắc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.