Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết: Tại Việt Nam, hoạt động của TPL được quy định tại Nghị quyết 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 về thực hiện chế định TPL, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8/1/2020 về tổ chức và hoạt động của TPL, Bộ Tư pháp cũng ban hành một số Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 08…
Sau thời gian thí điểm và đi vào hoạt động chính thức, nghề TPL đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò hết sức hữu ích trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, quá trình triển khai các quy định pháp luật trong thực tiễn tại Việt Nam đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, cần kịp thời tháo gỡ. Để tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho TPL tại Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn nữa, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến hoạt động của TPL. Thứ trưởng cho biết Bộ Tư pháp đang tham mưu với Chính phủ sửa đổi Luật Thi hành án dân sự với những yêu cầu, đổi mới để hoạt động thi hành án dân sự hiệu quả hơn, trong đó có nội dung liên quan đến TPL. Cùng với đó, Bộ Tư pháp Việt Nam mong muốn lắng nghe, trao đổi, tham khảo kinh nghiệm về hoạt động TPL ở Pháp để tiếp tục nghiên cứu, làm cơ sở hoàn thiện pháp luật về TPL.
Đại biểu tại các điểm cầu. |
Tại buổi làm việc, bà Agnès CARLIER đã giới thiệu một số thông tin cơ bản về hệ thống pháp luật Pháp nói chung và Hội đồng TPL và đấu giá viên quốc gia Pháp nói riêng. Bà cũng cho biết thêm, việc thay đổi về mặt pháp luật để bắt kịp với sự biến động của xã hội là yêu cầu bắt buộc, đặc biệt là trong bối cảnh cách mạng số đang diễn ra mạnh mẽ. Vì vậy, bà hy vọng buổi làm việc sẽ là buổi chia sẻ thông tin 2 chiều, là cơ hội để Việt Nam và Pháp cùng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.