Ngày 11/1/2022, Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Dựa trên căn cứ này, Đề án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được lập ra.
Đại diện Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, mục tiêu của quy hoạch là nhận diện đầy đủ giá trị của quần thể di tích Cố đô Huế; hoàn thiện hệ thống hồ sơ, dữ liệu làm cơ sở chuyển đổi số và tự động hóa trong quản lý. Quy hoạch cũng giúp bảo tồn di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, phục hồi không gian gắn với di sản, đưa quần thể di tích Cố đô Huế trở thành động lực trong chiến lược phát triển đô thị di sản Thừa Thiên Huế.
Tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý tổ chức mới đây, đại diện đơn vị tư vấn cho biết, diện tích quy hoạch khoảng 134.000ha, gồm di tích kinh thành Huế, chùa Thiên Mụ, Văn Miếu và Võ Miếu, Hổ Quyền và Voi Ré, đàn Nam Giao, điện Hòn Chén, các lăng: Dục Đức, Tự Đức, Đồng Khánh, Thiệu Trị, Khải Định, Minh Mạng, Gia Long và Trấn Hải Thành...
Ranh giới quy hoạch phía bắc được giới hạn bởi cảng thị Thanh Hà (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền); phía nam tới cầu ngói Thanh Toàn (làng Thanh Thủy, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy); phía đông tới hạ nguồn sông Hương và cửa biển Thuận An; phía tây tới thượng nguồn sông Hương và các dãy núi Thương Sơn, Duệ Sơn.
Dự thảo Quy hoạch này bị một số nhà nghiên cứu chỉ ra còn một số vấn đề chưa được. Một nguyên lãnh đạo Sở VH,TT&DL đánh giá quy hoạch như trên quá dàn trải. Ranh giới quy hoạch vẫn còn hạn chế, bỏ sót một số di tích nổi tiếng; trong khi một số địa danh lại chưa đúng so với thực tế. Chuyên gia này cho rằng đơn vị tư vấn lập quy hoạch cần chỉnh sửa những địa danh ghi sai, bổ sung di sản văn hóa dân gian, di sản phi vật thể vào để hoàn thiện đề án.
Cùng quan điểm, một lãnh đạo Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, Đề án Quy hoạch đã ghi sai tên một số khu vực không còn tồn tại; không đi vào trọng tâm quy hoạch quần thể di tích Huế, xác định hiện trạng di tích đang có.
Ngoài việc tổ chức hội thảo, tham vấn ý kiến các nhà nghiên cứu, cơ quan thẩm quyền cũng lấy ý kiến người dân bằng cách niêm yết hồ sơ quy hoạch tại 15 Lê Lợi. Người dân có thể đóng góp ý kiến, nhưng trong thời gian không dài, chỉ đến hết 31/10.
Nhiều ý kiến cho rằng Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi quần thể di tích Cố đô Huế có vai trò quan trọng không chỉ với Thừa Thiên Huế, mà với ngành Du lịch cả nước nói chung. Và thực tế trong hội thảo vừa qua đã cho thấy Dự thảo Quy hoạch này còn một số lỗi không đáng mắc phải. Vì vậy, để quy hoạch được hoàn thiện một cách tốt nhất, cần tổ chức thêm các hội thảo, truyền thông để chính người dân Huế và các nhà nghiên cứu góp ý, phản biện, hiến kế… góp phần giúp Huế ngày càng đẹp, đậm đà bản sắc, giá trị văn hóa trường tồn.