Hoạt động phá dỡ tàu biển cũ gây ô nhiễm môi trường đã bị cấm. Tuy nhiên, khi các con tàu cũ trị giá cả chục tỷ đồng đến lúc phải loại bỏ khỏi đội tàu, thì dù có "vướng" cơ chế, hoạt động phá dỡ vẫn được các chủ tàu tìm mọi cách tiến hành. Phá “chui” đang là một thực tế.
Sôi động các “lò mổ” tàu cũ
Ngày 8/1, Cảng vụ Hải Phòng có báo cáo khẩn gửi tới Cục Hải quan, CA TP Hải Phòng, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.Hải Phòng về việc Cty CP thương mại Đại Huy - trụ sở tại số 7, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, TP.Hải Phòng đang tổ chức phá dỡ tàu biển Green Viship tại một bến bãi trên sông Cấm.
Tại thời điểm kiểm tra, tàu biển Green Vship tổng dung tích 4.688 GT đã được Cty Đại Huy phá dỡ phần đài chỉ huy. Tàu Green Vship vốn thuộc quyền sở hữu của Cty CP vận tải biển ViShip - trụ sở tại quận Đống Đa, Hà Nội.
Được đóng từ năm 1986, đến nay đã 26 tuổi, theo quy định của Đăng kiểm Việt Nam, tàu biển Green Vship không còn đủ điều kiện đăng kiểm, chủ tàu đã làm thủ tục đăng kiểm cho tàu mang quốc tịch Mông Cổ - một quốc gia chuyên “bán” quốc tịch cho những tàu biển không đủ điều kiện đăng kiểm. Mặc dù đã “lách” đăng kiểm tại một quốc gia xa lạ với kinh tế biển, nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cũng “neo” chặt con tàu này tại Cty sửa chữa tàu biển Vinalines trên địa bàn xã Lập Lễ suốt thời gian qua.
Tàu Green Viship đang bị phá dỡ chui |
Để “hóa vàng” con tàu biển thành khối sắt vụn, tháng 12/2012, Cty Viship đã bán tàu Green Viship cho Cty Đại Huy - một DN phá dỡ tàu cũ trên địa bàn Hải Phòng. Nhằm qua mặt cơ quan chức năng, miễn trách nhiệm nếu cơ quan chức năng phát hiện có sai phạm, Cty CP bến bãi Hải Phòng – DN cho Cty Đại Huy thuê địa điểm phá dỡ tàu cũ đã đi trước một bước với văn bản “chủ động” báo cáo các ngành chức năng của Hải Phòng rằng, Cty Đại Huy chỉ thuê địa điểm để sửa chữa tàu cũ.
Chung số phận với tàu Green Vship còn có tàu Hufa Star 01, cũng mang quốc tịch Mông Cổ, thuộc quyền sở hữu của một DN trên địa bàn Hải Phòng. Ngày 26/11/2012, Cảng vụ Hải Phòng phát hiện con tầu này bị phá dỡ làm sắt vụn tại khu vực neo đậu tại sông Cấm, đoạn chảy qua địa bàn xã An Hồng, huyện An Dương.
Phát hiện có sai phạm nghiêm trọng về bảo vệ môi trường, Cảng vụ Hải Phòng đã kiến nghị các cơ quan chức năng trên địa bàn Hải Phòng phải đình chỉ việc phá dỡ tàu Hufa Star 01. Hoạt động phá dỡ tàu biển cũ phải được sự đồng ý từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).
Tuy nhiên, lệnh cấm của Cảng vụ Hải Phòng đã không được DN thực thi, tàu biển Hufa Star 01 vẫn được chủ tàu hối thúc các đầu nậu phá dỡ tàu cũ khẩn trương “xẻ thịt” để tẩu tán hiện trường.
Cần một cơ chế tháo gỡ khó khăn
Lãnh đạo Cảng vụ Hải Phòng chia sẻ, những năm trước, hoạt động vận tải biển phát triển, có hàng trăm tàu biển quá hạn đăng kiểm theo luật Việt Nam được các chủ tàu nhập về Việt Nam. Các tàu dù mang quốc tịch các quốc gia khác nhau nhưng chủ sở hữu thực vẫn là người Việt. Việc nhập khẩu tàu cũ có thuận lợi là giá rẻ nhưng kèm theo hàng loạt hệ lụy, rủi ro cao như chi phí vận hàng, bảo trì cao hơn rất nhiều tàu biển có độ tuổi theo quy định.
Do khủng hoảng kinh tế, đội tàu biển quá đát này không thể cạnh tranh được với đội tàu biển hiện đại. Một nguy cơ khác là các con tàu biển này không được đăng kiểm thường xuyên, không bảo đảm các quy định về an toàn hàng hải nên khi ra vào các cảng biển nước ngoài rất dễ bị cầm giữ. Để có thể phần nào vớt vát lại số vốn đã bỏ ra khi mua tàu, nhiều chủ tàu đã tính đến phương án “xẻ thịt”, bán sắt vụn các con tàu này.
Ông Phùng Văn Thanh – Phó giám đốc sở TN&MT TP.Hải Phòng cho biết, từ năm 2006, theo Luật Bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT đã có quy định cấm nhập khẩu tàu cũ từ nước ngoài về phá dỡ trên lãnh thổ Việt Nam. Ông Thanh nhấn mạnh, mặc dù các tàu này đã neo đậu tại khu vực Cảng biển Hải Phòng từ nhiều năm nay, nhưng “danh chính, ngôn thuận”, các tàu này đều có quốc tịch nước ngoài nên việc các chủ tàu hay chủ cơ sở phá dỡ tàu cũ xin “giải bản” – phá tàu là khó khả thi.
Theo ghi nhận của PLVN, hiện trên vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh còn có hàng chục tàu biển như Sunny Viship, Rosy Falcon, Peace Star, Ocean Star, Lucky Star, Friendly Falcon, Asean Sea 01, South Star ... mang quốc tịch nước ngoài, thuộc quyền sở hữu của chủ tàu Việt Nam hiện đang bị hỏng hóc nặng, khả năng khôi phục là không thể, các con tàu này đang neo đậu tại các vùng nước chờ “giải bản”.
Vướng cơ chế, cả chục con tàu không được bán sắt vụn không chỉ là gánh nặng cho chủ tàu, còn là mối nguy hiểm đối với an toàn hàng hải bởi hầu hết các con tàu này đều mất khả năng điều khiển. Thực tế này đòi hỏi TP.Hải Phòng cần sớm kiến nghị Chính phủ, Bộ TN&MT có chủ trương tháo gỡ khó khăn cho các chủ tàu “trót” mua phải số tàu cũ hiện hữu này.
Những năm trước, trên địa bàn Hải Phòng đã có tình trạng DN nhập khẩu tàu cũ về phá dỡ dù Luật Bảo vệ môi trường đã có hiệu lực pháp luật. Thoạt đầu số tàu cũ này cũng bị đình chỉ phá dỡ nhưng sau đó, không hiểu bằng cách nào, gần như tất cả đều đã được “giải bản”. Vì vậy, đã đến lúc cần một cơ chế minh bạch, hữu hiệu, để vừa tạo điều kiện cho DN, vừa giám sát, bảo vệ môi trường, vừa phòng ngừa tiêu cực.
Linh Nhâm