Vào nghề thợ mỏ từ năm 17 tuổi, đến nay người thanh niên quê lúa Thái Bình đã có 32 năm gắn bó cuộc đời với vùng mỏ Quảng Ninh và cũng ngần ấy năm anh không ngừng học hỏi, sáng tạo nhằm tiết kiệm tối đa nguồn “vàng đen” quý báu của Tổ quốc.
|
Anh Nguyễn Thái Học - Ảnh Chinhphu.vn |
Anh Nguyễn Thái Học, Quản đốc Phân xưởng khai thác số 7, Công ty Cổ phần Than Vàng Danh (Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam) là cá nhân duy nhất của ngành Than – Khoáng sản được về dự Hội nghị sơ kết 3 năm biểu dương những điển hình về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Cách đây 3 năm khi cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được phát động, anh luôn cảm thấy sự thôi thúc về việc học hỏi nâng cao trình độ, tay nghề, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác, tăng năng suất, tránh lãng phí, hạn chế tối đa rủi ro, tai nạn xảy ra.
Anh luôn trăn trở tìm cách đưa cuộc vận động ngày càng trở nên thiết thực, lan tỏa tới mỗi công nhân, tới từng người thợ trong đơn vị ngày đêm làm việc trong các lò sâu, nơi môi trường lao động hết sức khắc nghiệt.
Việc tìm ra được hướng đi phù hợp với đặc điểm nghề nghiệp của người thợ mỏ không dễ dàng. Việc tuyên truyền phổ biến phải “nói đi đôi với làm”. Với suy nghĩ đó, anh đã xây dựng chương trình hành động cụ thể như tác phong làm việc an toàn lao động, bởi một sai sót nhỏ có thể cướp đi tính mạng của người thợ.
Liên tục 3 năm qua, tại phân xưởng của anh không xảy một tai nạn nghiêm trọng nào ảnh hưởng đến tính mạng của công nhân.
Nhằm tạo sức lan tỏa của cuộc vận động, anh mời cán bộ tuyên giáo các cấp xuống tận phân xưởng để nói chuyện về những tấm gương, điển hình các địa phương, ngành nghề khác để anh em công nhân cùng lĩnh hội, học tập và áp dụng trong điều kiện cụ thể của từng người.
Anh Học tâm sự: “Mỗi người thợ lò chúng tôi luôn ý thức được phải luôn thực hành tiết kiệm tài nguyên, giảm tổn thất, tăng tỷ lệ thu hồi than vì đây là tài nguyên không thể tái tạo, không được phép lãng phí. Có lẽ, chúng tôi học được rất nhiều từ đức tính tiết kiệm của Bác”.
Trong 2 năm 2007 và 2008, anh Học đã có 2 sáng kiến là “mở thêm đường lò vào khu vực đã dừng thiết kế khai thác, tận thu tài nguyên” và “tạo khám chứa ngay tại chân lò chợ nhằm tách triệt để đá ra khỏi than trước khi truyền vận tải, tăng chất lượng than, giảm chi phí vận chuyển và sàng tuyển”.
Các sáng kiến hợp lý hóa sản xuất này góp phần làm lợi cho Nhà nước 100 triệu đồng. Riêng năm 2009, anh cùng cán bộ, công nhân Phân xưởng đã tiết kiệm cho Nhà nước được gần 300 triệu đồng từ chi phí vật tư, nhiên liệu.
Phân xưởng 7 của anh đã vượt 133% kế hoạch được giao, thu nhập của người lao động đạt 7,3 triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập trung bình của người lao động công ty là 6,6 triệu đồng/tháng.
Đối với gia đình, anh luôn là người mẫu mực với lối sống giản dị. Hiện gia cảnh của anh cũng rất đơn sơ với căn nhà cấp bốn ba gian nhưng các con anh được chăm lo ăn học tử tế. Các con luôn coi anh là tấm gương sáng để phấn đấu vươn lên. Đến nay, con trai lớn của anh đã là sinh viên Đại học Kiến trúc năm thứ 3, con thứ 2 đang học phổ thông.
Với những thành tích của mình, anh Học đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và mới đây anh vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng 3.
Nói về cán bộ của mình, ông Phạm Văn Mật, Giám đốc Công ty Cổ phần Than Vàng Danh cho biết: Quá trình học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ của anh Học với những việc làm cụ thể là minh chứng thuyết phục nhất để chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động này đối với hơn 6.000 công nhân đang gắn bó với Công ty Vàng Danh hôm nay.
Nguồn: Chinhphu.vn