Ở tập sách này, như thường thấy, Đỗ Bích Thúy vẫn dành phần lớn số trang cho các bài viết về miền núi với những kí ức trong trẻo gắn liền với thung lũng mà chị được sinh ra, lớn lên. Bên cạnh đó, độ chín của một người đã có hơn 30 năm cầm bút, đi nhiều và luôn chăm chú quan sát cuộc sống, đã khiến cho tản văn của chị đằm sâu hơn, day dứt hơn, nhiều chiêm nghiệm hơn.
Tản văn, như Đỗ Bích Thúy nói, là thể loại mà càng viết chị càng thấy rất khó, rất mất sức. Hay như hoạ sĩ Lê Thiết Cương gọi cách viết tản văn của Đỗ Bích Thúy là “rút ruột, rút gan” ra mà viết.
Cũng trong cuốn sách này có 15 bức tranh minh họa của họa sĩ Lê Thiết Cương, một số bức được in trên giấy dó, kèm theo một tấm postcard được thiết kế rất tinh tế với dòng chữ: “Sách của bạn, lòng biết ơn của tôi” - lời tri ân mà Đỗ Bích Thúy muốn gửi tới bạn đọc, những người đã lặng lẽ âm thầm đồng hành cùng chị trong suốt những năm tháng qua.
Đỗ Bích Thúy được biết tới là một nhà văn ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc bằng các tác phẩm viết về dân tộc thiểu số và miền núi. Trong số 23 cuốn sách đã xuất bản, có 6 cuốn tiểu thuyết, còn lại là các tập truyện ngắn, truyện vừa và tản văn. Chưa kể các kịch bản phim điện ảnh và truyền hình. Hầu hết trong số đó chị viết về miền núi, về các vùng văn hoá Mông, Tày, Dao...
Đỗ Bích Thúy từ Hà Giang chuyển công tác về Hà Nội từ năm 2001, sau khi chị đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Hướng tới giao thừa thiên niên kỷ của tạp chí Văn nghệ Quân đội. 22 năm sống và làm việc tại Hà Nội, chị đã in 23 cuốn sách.
Trong số những nhà văn thuộc thế hệ 7X, nhà văn Đỗ Bích Thúy được xem là người lao động bền bỉ, kiên định và quyết liệt trên một lối đi riêng mà chị tự cho rằng mình rất may mắn, đó là gắn bó với một đề tài “ruột” - dân tộc thiểu số và miền núi.
Và sự mãnh liệt đó thể hiện không gì sâu sắc hơn qua những tác phẩm đã in. Ở tập tản văn mới nhất, ngay cả khi chị viết về những vùng đất mới mẻ thì xúc cảm của chị cuối cùng vẫn cứ kết nối với nơi mà chị đã được sinh ra.
Nói như Đỗ Bích Thúy tự nhận, rằng mỗi khi viết về miền núi, không gian văn chương thân thuộc và tha thiết nhất, chị lại có cảm giác “về nhà”. Cuối cùng, đi đâu xa rất xa chăng nữa, Đỗ Bích Thúy sẽ lại quay về.
Đỗ Bích Thúy đang ngày càng đi sâu vào trái tim và tâm hồn của những người đọc tinh tế bằng tản văn. Dường như chị đang rất nỗ lực để khẳng định tản văn hoàn toàn có thể là một thể loại chinh phục được độc giả, ghi danh được tác giả. Sáng tạo trong hình thái kể chuyện, tập tản văn mới của Đỗ Bích Thúy - “Than đỏ dưới tro tàn”, sau cùng cũng vẫn về nguồn, về lại miền núi rừng quen thuộc của chị.
Chị nói: “Tôi sẽ không thành nhà văn, không thành một tác giả ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc được như ngày hôm nay nếu không viết về miền núi”.
Những câu chuyện Đỗ Bích Thúy kể luôn giản dị, gắn với những ký ức trong trẻo nơi thung lũng chất phác. Và những câu chuyện cứ nhẹ nhàng ngấm, để độc giả càng đọc, càng tìm thấy độ đằm sâu, da diết.
Thấm đẫm trong dòng tản văn “Than đỏ dưới tro tàn” là một nỗi nhớ, nỗi khao khát được quay về. Bằng cách luôn liên hệ với nơi thân thuộc, ấm áp với trái tim mình, Đỗ Bích Thúy cũng đưa độc giả chạm đến những cung bậc cảm xúc chân thật, tinh tế, tựa như than đỏ luôn ấm nóng, luôn có cơ hội để làm bùng lên một ngọn lửa…