Thân phận pháp lý 'vỉa hè'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nếu bạn có một ngôi nhà ở mặt tiền đường, nhưng chính quyền địa phương lại cấp phép cho một người khác đậu xe, buôn bán kinh doanh ì xèo trên vỉa hè trước cửa nhà bạn, thì bạn có đồng ý không?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều ý kiến cho rằng có đến 90% người được hỏi câu hỏi trên sẽ “lăn tăn”, có vẻ không đồng ý. Trong thực tế hiện nay, chỉ cần đậu xe dưới lòng đường trước cửa nhà ai đó tại một số đô thị lớn, khả năng cao là chủ xe sẽ bị chủ nhà ra “mời” đi nơi khác.

Bản thân vỉa hè, xưa nay cũng được cơ quan chức năng xác định là nơi dành cho người đi bộ. Tại một số đô thị như TP HCM, dù đang có Quyết định 74/2008/QĐ-UBND về quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố; nhưng đây cũng chỉ là “sử dụng tạm thời một phần công năng lòng đường và vỉa hè”, chứ không phải chính thức.

Thế nhưng mới đây, Sở GTVT TP HCM đề xuất UBND TP ra văn bản mới thay thế Quyết định trên và có một ý tưởng mới, là cho sử dụng vỉa hè làm điểm giữ xe, kinh doanh, quảng cáo, tổ chức sự kiện văn hóa, nơi trung chuyển vật liệu, phế thải... có thu phí, sau khi đã chừa đủ tối thiểu 1,5m cho người đi bộ.

Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Có người nói “kinh tế vỉa hè” là một trong những yếu tố không thể thiếu ở những đô thị lớn như TP HCM. Nếu việc cho thuê vỉa hè được triển khai bài bản ngoài đáp ứng nhu cầu sẽ giúp chỉnh trang đường phố. Có người ủng hộ việc chấp nhận tình trạng vỉa hè “đa năng”, ngoài dành cho người đi bộ cần mở rộng theo hướng cho sử dụng có thu phí. Có người vội bàn chuyện mức phí cụ thể với các trường hợp thuê sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường sẽ ra sao.

Thế nhưng, nhiều người lại quên chuyện thân phận pháp lý của vỉa hè. Như trên đã nói, ngay trong Quyết định 74 của TP HCM đang có hiệu lực thi hành, thì việc sử dụng vỉa hè, lòng đường vào mục đích khác chỉ là sử dụng tạm. Ngay trong Quyết định này, cũng không quy định rõ tuyến phố nào được sử dụng tạm vỉa hè, khu vực cụ thể nào được sử dụng vỉa hè, mà chỉ nêu nguyên tắc chung chung: “Khu vực vỉa hè được cấp phép sử dụng tạm thời phải đảm bảo không chắn ngang lối ra vào đường hẻm, không nằm trước mặt tiền của các công trình văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, cơ quan ngoại giao, công sở…”.

Cũng trong quyết định trên, quy định “Hộ gia đình, cá nhân có nhà riêng tiếp giáp với vỉa hè và không có nhu cầu xin sử dụng tạm thời một phần vỉa hè có trách nhiệm tham gia giữ gìn vệ sinh tại khu vực vỉa hè, lòng đường trước nhà riêng”. Nói cách khác, bất kỳ ngôi nhà mặt tiền nào, nếu không muốn một ngày “đẹp trời” vỉa hè nhà mình được địa phương cấp phép cho bất kỳ ai đó bán buôn ì xèo, thì phải đăng ký xin sử dụng tạm.

TP HCM đang có hơn 4.800 tuyến đường rộng từ 5m trở lên, trong đó hơn 2.200 tuyến có vỉa hè, có nghĩa là có tới hàng trăm ngàn ngôi nhà ảnh hưởng vì quy định sử dụng vỉa hè vào mục đích khác ngoài đi bộ. Vì vậy, việc cần làm trước tiên, là phải xác định rõ thân phận pháp lý của vỉa hè, “chính danh” bằng văn bản pháp lý. Nếu cứ “quy định tạm thời”, thì vừa chưa đầy đủ cơ sở pháp lý, vừa có thể bị sự phản ứng của một số người, thì câu chuyện cứ luẩn quẩn “bắt cóc bỏ đĩa”, không giải quyết được tận gốc vấn đề.

Đọc thêm