Tình trạng ngộ độc do uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng thường có xu hướng gia tăng vào các dịp lễ, Tết. Các hình thức rối loạn tinh thần do uống phải rượu giả đã thực sự vượt khỏi ngưỡng tưởng tượng của các nhà chuyên môn.
Hiện nay tình trạng ngộ độc do uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng không còn là điều hiếm. Đặc biệt, mỗi độ xuân về, việc làm giả và tiêu thụ rượu giả trở nên nghiêm trọng hơn.
Các bệnh nhân nhập viện thường có dấu hiệu bị kích thích, vật vã, lúc chuyển đến viện huyết áp tụt xuống, có khi đến mức không thể đo được, hôn mê sâu, rối loạn điện giải, rối loạn tuần hoàn, đồng tử giãn tối đa đến mức không còn phản ứng đối với ánh sáng. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với metanol - một loại cồn công nghiệp dùng làm dung môi trong quá trình pha chế rượu giả, cao gấp cả trăm lần mức cho phép.
Chivas, Johnnie Walker, Macallan, Ballantine’s, Martell, Royal Salute, Hennessy… là những dòng rượu ngoại được ưa chuộng hiện nay. Theo đánh giá của cơ quan chức năng thì rượu nhập khẩu có thương hiệu nổi tiếng thường là các mặt hàng bị làm giả nhiều nhất, đặc biệt là vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán.
Các kết quả kiểm hoá thực phẩm mẫu rượu nhập khẩu giả cho thấy, mặc dù rượu có mùi đặc trưng, trạng thái rượu không khác mẫu rượu thật nhưng khi phân tích và so sánh các thành phần nguy hại trong rượu như: chì (Pb), acid xitric thì thấy hầu hết đều vượt gấp hàng chục lần so với tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), thậm chí còn có cả chất furfurol.
Theo khuyến cáo, furfurol là một hóa chất rất độc hại cho bộ máy tuần hoàn, hô hấp, thần kinh. Đó là nguyên nhân của nhiều bệnh như: tim mạch, ung thư, mất trí nhớ và dị tật thai nhi. Chính vì vậy, bất kể là TCVN hay tiêu chuẩn EU, rượu đều phải âm tính với furfurol.
Giá cả của rượu giả so với rượu “xịn” không có sự chênh lệch là mấy, mỗi chai rẻ tính tiền trăm, đắt tiền triệu. Do vậy, hàng tỷ đồng mỗi tháng từ rượu giả đã được các đối tượng thu về bất chính.
P.V