Tháng 4 cùng về thăm di tích lịch sử Địa đạo Nhơn Trạch

(PLVN) - Vùng đất Nhơn Trạch, Đồng Nai xưa nay được xem là cái nôi của cách mạng, với rất nhiều địa danh lịch sử, được người dân chọn làm điểm đến về nguồn. Trong đó, di tích Địa đạo Nhơn Trạch nhiều năm qua đã đón rất nhiều người ghé thăm.

Nhơn Trạch chứng nhân lịch sử

Những ngày cuối tháng tư cũng là lúc cả nước đang hòa chung không khí hướng đến kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020) chúng tôi đã tìm về di tích Địa đạo Nhơn Trạch.

Di tích Địa đạo Nhơn Trạch được hình thành là do trí tuệ, mồ hôi, công sức và cả xương máu của quân và dân Nhơn Trạch. Đây là căn cứ huyện ủy Nhơn Trạch làm việc và chỉ đạo tấn công địch trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Địa đạo Nhơn Trạch nói lên tinh thần chiến đấu và ý chí quyết thắng của quân và dân Nhơn Trạch. Căn cứ cách mạng bám sâu vào lòng đất và cũng như bám sâu vào lòng mỗi người dân Nhơn Trạch, Đồng Nai. Tại đây, quân và dân huyện Nhơn Trạch đã làm nên nhiều chiến công thần kỳ được sử sách ghi nhận.

Đến với địa đạo Nhơn Trạch, du khách có thể tham quan hệ thống giao thông hào và bếp Hoàng Cầm trong khuôn viên Nhà trưng bày. Đây là nơi lưu giữ những hiện vật của các chiến sỹ đã từng sống, chiến đấu và hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc.

Không gian Nhà trưng bày được chia làm 3 mảng chính liên hoàn với nhau, giáp một vòng tròn gồm có: mô hình tái dựng lại công cuộc đào địa đạo ngày trước và hệ thống hóa phần lớn các cột mốc cũng như những sự kiện quan trọng về cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân dân Nhơn Trạch, tái hiện lịch sử hình thành và những cuộc chống càn Mỹ - Ngụy của Tiểu đoàn anh hùng D240 và mô hình cùng tư liệu lịch sử về Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác, lưu giữ hơn 300 hiện vật khác nhau của các chiến sĩ đã từng sống, chiến đấu và hi sinh.

Di tích lịch sử địa đạo Nhơn Trạch
Di tích lịch sử địa đạo Nhơn Trạch 

Địa đạo Nhơn Trạch nằm dưới lòng đất ở độ sâu từ 5m - 7m; độ dày đất trên nóc từ 3m - 5m; có kích thước cao từ 1,6m - 1,8m, rộng từ 1m - 1,2m, tùy từng đoạn, có chỗ phải bò mới qua được. Thời bấy giờ, độ cao này rất phù hợp cho sự di chuyển của người Việt Nam nhưng lại bất lợi đối với kẻ thù bởi họ rất cao to. Đường trong địa đạo cũng được đào dạng zích zắc và có nhiều ngách rẽ sang hai bên nhằm di chuyển, tẩu thoát dễ dàng nếu gặp nạn.

Ở điểm chính giữa mỗi đoạn địa đạo có ngách lên mặt đất và có lỗ thông hơi hình phễu và có một số ngăn bí mật, có nắp bằng gỗ, ngoài ngụy trang bằng đất đậy kín, độ dày của ngăn là 1m. Tại các vách ngăn cũng được khoét 1 lỗ tròn có đường kính vừa đủ 1 người chui qua với mục đích hạn chế thiệt hại khi bị địch phát hiện, tấn công vào địa đạo. Nếu bị địch phát hiện ta chỉ việc lấp lại lỗ ở vách ngăn bí mật, sau đó chuyển qua ngách địa đạo khác để tiếp tục chiến đấu và bảo toàn lực lượng.

Nhà truyền thống tại Địa đạo Nhơn Trạch.
 Nhà truyền thống tại Địa đạo Nhơn Trạch.

Trong thời gian từ tháng 5/1962 đến cuối năm 1963, dù vừa làm nhiệm vụ canh phòng biệt kích, thám báo, vừa chiến đấu, vừa vận chuyển lương thực, đội đào địa đạo đã đào được 1,5km đường địa đạo. Địa đạo có khả năng chứa được từ 300 đến 500 người. Từ cuối năm 1963, việc đào địa đạo được tạm ngưng để làm lán trại cho cơ quan Huyện ủy làm việc trên mặt đất.

Những trận chiến trên đất Nhơn Trạch

Theo lời kể của một nhân chứng thời kỳ đó, ông nhớ nhất trận đánh Mỹ kéo dài một tuần lễ từ 27/01/1966 đến 02/02/1966 và nhờ vào Địa đạo mà nhiều chiến sỹ bên ta thoát nạn ngoạn mục.

Theo đó, đầu tháng 12/1965, mặc dù Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thông báo tạm ngưng tiếng súng để nhân dân ăn tết cổ truyền và đã được địch chấp thuận, nhưng ngày 17/12/1965, một đại đội Ngụy từ Phú Hội hành quân qua khu rừng Lòng Chảo đã phát hiện ra hệ thống hàng rào kẽm, lán trại của ta.

Đúng 6h sáng ngày mồng 7 tết (tức 27/1/1966), lữ đoàn 199 của Mỹ chia làm 6 mũi (mỗi mũi từ 10 đến 12 tên lính) được trang bị vũ khí hiện đại từng đợt đánh vào mặt hướng Tây – Tây Bắc, hai chiếc xe tăng dẫn đầu bò vào gần căn cứ, ta cho nổ 8 trái DH làm 2 xe tăng địch bốc cháy tại chỗ.

Bên trong địa đạo
Bên trong địa đạo 

Lúc này một tên lính của địch dẫn đường cho một cánh quân khác theo đường mòn tiến vào căn cứ của ta, tên ngụy mở cửa cổng hàng rào liền bị đồng chí Chín Ẩn nổ phát súng đầu tiên, tên này gục chết tại chỗ.

Lính Mỹ thấy vậy tràn lên liền bị quân ta đồng loạt nổ súng làm nhiều tên chết và bị thương. Sau đó, cứ khoảng 10 đến 20 phút phía địch lại tổ chức làm 6 mũi tấn công vào căn cứ của ta nhưng đều bị thất bại, bọn Mỹ phải tháo lui, đóng quân cách căn cứ của ta vài trăm mét chờ đến ngày hôm sau tiếp tục tiến đánh căn cứ.

Trận càn của Mỹ sang ngày thứ 2, thứ 3, mới 5h sáng, Mỹ tăng cường lực lượng kéo quân vào căn cứ. Chúng vẫn chia thành 6 mũi dàn hàng ngang dùng súng M72, M79 bắn phá chông và hàng rào kẽm gai để mở đường cho bộ binh tràn vào căn cứ, nhưng vì hàng rào kẽm gai của ta quá kiên cố không sao vào được, chúng lúng túng co cụm lại nên đã tạo điều kiện cho quân ta nổ súng tiêu diệt.

Sau gần một tuần dùng bộ binh, xe tăng, phi pháo tấn công dồn dập vẫn không tiêu diệt được căn cứ của ta, chúng đành cho trực thăng đến rút bộ binh về, sau đó chúng cho nhiều đoàn phi cơ thả hàng trăm trái bom, dùng pháo đồng loạt bắn tới tấp vào căn cứ  và đã khiến 5 đông chí của ta đang ở dưới địa đạo đã hy sinh… Kết quả trận chống càn, ta đã tiêu diệt được 167 tên Mỹ và làm nhiều tên khác bị thương, 6 trực thăng bị bắn rơi, 5 xe tăng bị bắn cháy...

Sự kiện đó là một mốc son lịch sử chói lọi khẳng định tinh thần anh dũng chiến đấu của những chiến sỹ năm xưa. Song song với những mất mát hy sinh, những chiến công vang dội ấy mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân Nhơn Trạch, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ ngày nay.

Hệ thống giao thông hào
Hệ thống giao thông hào 

Sau những năm tháng chứng kiến thăng trầm của lịch sử thì đến nay Di tích Địa đạo Nhơn Trạch đã trở thành “địa chỉ đỏ” về nguồn cho rất nhiều lượt du khách mỗi năm, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Về thăm Di tích địa đạo hôm nay, khi được tận mắt chứng kiến những dấu tích còn sót lại tại căn cứ cách mạng, cùng những hiện vật và hình ảnh về những trận chiến ác liệt của quân và dân Nhơn Trạch với quân thù năm xưa…, nhiều người bày tỏ niềm xúc động, tri ân về những người con anh hùng đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc tại nơi này.

Em Đỗ Cẩm Ly – học sinh trường THPT Phước Thiền xúc động chia sẻ: “Bản thân em đã đến đây rất nhiều lần, khi thì đi cùng trường, khi thì đi cùng gia đình nhưng lần nào em cũng không khỏi xúc động khi được thuyết minh viên giới thiệu và tái hiện lại cho chúng em hình ảnh những người chiến sĩ tiêu biểu.

Nơi đây có những người con gan dạ, dũng cảm của Nhơn Trạch trong những năm tháng xưa để học sinh chúng em noi gương và cố gắng học tập sau này phát triển quê nhà, xứng đáng với những đóng góp của cha ông xưa”.

Và để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, hiện nay trên khu đất rộng 2,5 hecta đã được tu bổ, phục hồi lại đoạn địa đạo dài 200m và nơi làm việc của Huyện ủy Nhơn Trạch; xây nhà truyền thống trưng bày các tài liệu, hình ảnh, hiện vật của căn cứ huyện ủy năm xưa… Hàng năm có rất nhiều du khách, đặc biệt là học sinh, sinh viên đến tham quan và tìm hiểu về di tích văn hóa, lịch sử này nhằm ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng một thời oanh liệt.

Đọc thêm