Tháng 8: Sản xuất công nghiệp tăng cao, nông nghiệp ổn định

Tính chung 8 tháng năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 504,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn kế hoạch cả năm là 12%).

Tính chung 8 tháng năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 504,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn kế hoạch cả năm là 12%).

Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao hơn 
mức kế hoạch -Ảnh minh họa

Sản xuất công nghiệp tăng cao hơn mức kế hoạch

Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 8 ước đạt 69,5 nghìn tỷ đồng , tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2009 (so với tháng 7 tăng 1,6%), trong đó khu vực kinh tế nhà nước tăng 8,1% (Trung ương tăng 10,8%; địa phương giảm 3%); khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 16% và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,8%.

Tính chung 8 tháng qua, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 504,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn kế hoạch cả năm là 12%). Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước tăng 9% (Trung ương tăng 12,1%, địa phương giảm 3,7%); khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 12,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,3%.   

Điều đáng lưu ý là một số sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp lại giảm so với cùng kỳ gồm: dầu thô khai thác (do giới hạn kỹ thuật của các mỏ), than sạch (do chủ trương không khuyến khích xuất khẩu than), thép xây dựng (do nhu cầu trong nước giảm).

Nông nghiệp phát triển ổn định

Thời tiết tháng 8 nói chung thuận lợi cho sự phát triển của cây lúa, tiến độ gieo cấy lúa mùa, lúa đông xuân đều đạt vượt kế hoạch đề ra, đặc biệt nhiều tỉnh gieo cấy lúa với tốc độ khá cao  như: Đồng Tháp 55 ngàn ha tăng 24%, An Giang 14 ngàn ha tăng 85%, Hậu Giang 48 ngàn ha tăng 55% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, năng suất lúa hè thu năm 2010 ước đạt 47,7 tạ/ha, xấp xỉ vụ hè thu năm trước, sản lượng ước đạt 10,1 triệu tấn, tăng 56 nghìn tấn.

Diện tích trồng rừng và sản lượng thủy sản cũng tăng khá. Dù vậy, thời gian gần đây giá thức ăn thủy sản tăng, người nuôi khó tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng, giá bán cá tra xấp xỉ giá thành sản phẩm, nên chưa khuyến khích được các hộ khôi phục nuôi trở lại. Trước tình hình này dự báo sản xuất cá tra sẽ không đáp ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu trong những tháng cuối năm.

Nuôi tôm sú tương đối ổn định, tuy nhiên mưa nhiều làm biến đổi các yếu tố môi trường (độ PH, độ mặn,…) dẫn đến tôm chết trên một số diện tích thả nuôi. Hiện nay đang vào thu hoạch chính vụ, giá thu mua tôm sú nguyên liệu khá cao tạo tâm lý phấn khởi cho người nuôi.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn chủ yếu vẫn là dịch hại cây trồng, dịch bệnh ở gia súc gia cầm, cháy rừng và thiên tai.

Nguồn: Chinhphu.vn

Đọc thêm