Quyền lợi của người lao động vẫn “treo”, mục tiêu thu nợ đọng của cơ quan bảo hiểm không đạt được… là vòng luẩn quẩn khó xử của BHXH lúc này.
Doanh nghiệp chây ì, cán bộ bảo hiểm đành… bất lực
Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc nợ đọng BHXH hơn 2 tỷ đồng gần 2 năm nay, nhưng cán bộ BHXH Vĩnh Phúc đi lại nhiều lần mà chưa gặp được chủ DN. “DN hiện còn 17 – 18 lao động. Tòa mời không đến, gọi điện không nghe, thay đổi số điện thoại, cơ quan BHXH nhiều lần đến nhưng không gặp được. Cơ quan BHXH khởi kiện từ năm 2012, Tòa mời đơn vị này 3 – 4 lần, nhưng họ vẫn không đến” bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Giám đốc BHXH Vĩnh Phúc, cho biết.
Vĩnh Phúc là địa phương liên tục lọt vào tốp 10 đơn vị có tỉ lệ nợ thấp. Theo bà Huyền, nợ BHXH của địa phương năm 2013 là hơn 35,6 tỉ đồng nhưng 4 tháng đầu năm nay, số nợ đã lên đến 79 tỉ đồng. “Tổ thu nợ phải ăn chực nằm chờ, tìm mọi cách tiếp xúc với lãnh đạo DN để thương thuyết. Đi thu nợ mà không khác gì đi xin nhưng hiệu quả thu vẫn không cao, đạt chưa đến 50%”, một cán bộ BHXH Vĩnh Phúc cho biết.
Nhắc nhở, thúc giục không xong, BHXH mới phải khởi kiện DN ra tòa. Thế nhưng, càng ngày, việc khởi kiện càng… “mất thiêng”. Khởi kiện ra tòa, chủ DN không đến hầu kiện theo yêu cầu của tòa. Đến khi tòa ra phán quyết cũng không thi hành án được vì rơi vào tình huống DN không còn tài sản hoặc không biết chủ DN ở đâu.
Khởi kiện cũng không thể thu được tiền bảo hiểm cho người lao động là một nguyên nhân khiến nợ đọng BHXH tại Vĩnh Phúc tăng vọt như vậy. Cả năm 2013, BHXH Vĩnh Phúc khởi kiện 32 đơn vị, nhưng chỉ trong 4 tháng đầu năm, số đơn vị bị khởi kiện là 28 đơn vị. Thậm chí, như ở TP.HCM, năm qua BHXH thành phố khởi kiện hơn 1000 đơn vị, tức là trung bình mỗi ngày có mấy DN bị kiện đòi BHXH, nhưng việc thi hành án cũng không dễ dàng.
Đề xuất thành lập lực lượng Thanh tra BHXH
Hiện ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có khoảng 500 cán bộ thanh tra, ngành Y tế có khoảng 300 cán bộ thanh tra thực hiện chức năng thanh tra rất nhiều lĩnh vực, thanh tra về BHXH chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Hàng năm, số DN được tiến hành thanh tra thực hiện BHXH, BHYT rất ít, chiếm khoảng 0,5% số doanh nghiệp đang tham gia BHXH, BHYT.
Những năm vừa qua, cơ quan BHXH các cấp phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về BHXH nhưng không được quyền xử phạt nên hiệu quả công tác kiểm tra không cao. “Cơ quan BHXH không có thanh tra, chỉ có thể xuống làm việc, đôn đốc, nhưng sự răn đe không có, chế tài chưa đủ mạnh, nên chỉ biết lập biên bản rồi về báo cáo lại, kiến nghị về số nợ đó, làm cho vi phạm chưa được xử lý kịp thời. Không có công cụ, chế tài, đơn vị sử dụng lao động cũng không coi trọng sự nhắc nhở của cơ quan BHXH”, bà Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết.
“Nếu trốn thuế bị xử lý hình sự thì trốn nộp BHXH mới chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính” – ông Trần Đình Liệu (Ban Thu, BHXH Việt Nam) nói – “Không có chế tài, công cụ đủ mạnh, việc thu nợ đọng mãi chỉ là mục tiêu không đạt được”.
Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, BHXH Việt Nam đề xuất cho phép cơ quan bảo hiểm được kiện DN không nộp bảo hiểm theo Luật Dân sự, và đặc biệt là cần thành lập lực lượng thanh tra trong BHXH, nhằm để cơ quan BHXH chủ động thực hiện tốt chức năng kiểm tra, thanh tra, đôn đốc và thu nợ đọng.
Những biện pháp pháp lý nào sẽ được thực hiện để đảm bảo lương hưu cho hàng triệu người sẽ được đề cập trong bài báo sau.