Bà Nguyễn Thị Minh – Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, mỗi năm phải thu 20.000 tỷ đồng BHXH nhưng số tiền nợ BHXH đã lên đến 11.000 tỷ đồng vì trong tổng số hơn 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động thì chỉ gần 1.500 doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, chưa kể những trường hợp doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn khỏi thị trường. Trong tình hình đó, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được UBTVHQ cho ý kiến chiều qua (18/4) được đặt nhiều hy vọng sẽ tạo được thay đổi.
Sẽ thu BHXH theo tổng thu nhập?
Theo đề xuất của Chính phủ trong Dự thảo, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được thiết kế theo hướng từ khi Luật này có hiệu lực thi hành đến hết năm 2017 tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động. Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động.
Song ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, do căn cứ vào mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động nên thực tế mức đóng rất thấp so với thu nhập thực tế của nhiều người lao động và kéo theo mức lương hưu thấp. Nên “mức đóng BHXH phải tính theo tổng thu nhập để khi về hưu, người lao động không bị “sống dưới mức nghèo khổ” và tạo điều kiện cho doanh nghiệp lách luật như hiện nay để giảm số tiền BHXH phải đóng” – ông Chính đề nghị.
Ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh, phải tính đến vấn đề lương hưu vì hiện thu nhập của người về hưu rất khác nhau, mức độ chênh lệch về lương hưu giữa các nhóm người lao động rất lớn, nhất là những người được hưởng lương hưu trước năm 1993 đang bị thiệt thòi vì mức lương hưu quá thấp.
Trước tình trạng này, Chủ tịch Quốc hội thấy rằng, việc xây dựng lộ trình tính lương hưu để tính việc đóng BHXH là rất cần thiết và phải làm ngay để người lao động không bị mất quyền lợi dù thực hiện đủ nghĩa vụ đóng BHXH qua tổ chức sử dụng lao động.
Lao động nữ 60 tuổi mới nghỉ hưu?
Với qui định tăng tuổi nghỉ hưu theo công thức “làm lâu, đóng dài, hưởng ít”, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) hy vọng sẽ giải quyết được sự cân đối của Quỹ BHXH dù Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, “kéo dài tuổi nghỉ hưu” chỉ là một “con đường” để giải quyết tình hình.
Còn ông Mai Đức Chính đặt vấn đề: “Tăng tuổi nghỉ hưu thì giảm thời gian hưởng, nhưng hiện chưa nắm được số người lao động thuộc diện đóng BHXH bắt buộc mà chỉ dựa vào kê khai của doanh nghiệp thì chưa có gì đảm bảo”, nhất là khi tổ chức sử dụng lao động “dửng dưng” trước nghĩa vụ đóng BHXH, số tiền BHXH được “nợ thoải mái”, còn BHXH chỉ như người đi đòi nợ mà không có giải pháp gì để thu hồi đủ số tiền BHXH theo qui định.
Thêm vào đó, kéo dài tuổi nghỉ hưu cho lao động nữ đến 60 tuổi sẽ bất cập đối với lao động ở khu vực doanh nghiệp. Khảo sát cho thấy, 58.000 nữ công nhân cao su “không làm được việc mà chờ đến 60 tuổi mới được nghỉ thì thiệt hại quyền lợi của họ” – ông Chính lưu ý.
Thống kê của Bộ LĐTB&XH cho thấy, hiện số lao động “lọt” khỏi trách nhiệm đóng BHXH chiếm hơn 31% (tương đương 5 triệu người) trong tổng số 16 triệu người thuộc đối tượng phải đóng BHXH bắt buộc. Vì thế, Chính phủ đề xuất bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ một tháng đến dưới ba tháng được giao kết bằng văn bản (Điểm b Khoản 1 Điều 2).
Trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), nhiều ý kiến lo ngại việc mở rộng đối tượng như vậy sẽ khó khả thi, nhưng Chính phủ cho biết, để bảo đảm tính khả thi trong thực hiện, nhóm đối tượng này sẽ được thực hiện từ ngày 01/01/2018 khi tổ chức BHXH đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHXH./.