|
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc thiểu số |
Chiến tranh thế giới lần thứ II nổ ra tròn một năm, phát-xít Nhật nhảy vào Đông Dương, nhân dân ta bị đặt dưới hai tầng áp bức bóc lột của giặc Pháp - Nhật. Quyền lợi của tất cả các giai cấp, tầng lớp bị chà đạp, vận mạng dân tộc nguy vong không lúc nào bằng.
Sau ba mươi năm hoạt động ở nước ngoài trở về Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ Tám (5-1941). Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định nhiệm vụ trước hết là phải làm sao giải phóng cho được dân tộc ra khỏi ách của giặc Pháp - Nhật. Bắt mạch đúng thời cuộc, Đảng ta đã "thay đổi chiến lược"(1), thay đổi sách lược cách mạng cho hợp với nguyện vọng chung của toàn thể nhân dân, hợp với tình hình thay đổi. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm bắt được nguyện vọng của nhân dân đề ra mục tiêu đánh Pháp đuổi Nhật, giành độc lập cho Tổ quốc. Hội nghị Trung ương lần thứ Tám nhấn mạnh: "Cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp "dân tộc giải phóng", vậy thì cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng... Trong giai đoạn hiện tại ai cũng biết rằng: Nếu không đánh đuổi được Pháp - Nhật thì vận mạng của dân tộc phải chịu kiếp ngựa trâu muôn đời mà vấn đề ruộng đất cũng không làm sao giải quyết được"(2).
Việc thay đổi chiến lược dẫn đến việc xác định lực lượng cách mạng và tổ chức lực lượng một cách khoa học. Đảng ta xác định rõ việc đánh Pháp đuổi Nhật không phải là việc riêng của một giai cấp nào mà là nhiệm vụ chung của toàn dân tộc. Trước hết tập trung cho được lực lượng cách mạng của toàn dân tộc, không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, địa chủ, tư bản bản xứ, ai có lòng yêu nước thương nòi, sẽ cùng nhau thống nhất mặt trận, thu góp toàn lực, đem tất cả ra giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc. Để làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, Đảng phải thống nhất lực lượng cách mạng của toàn dân tộc dưới một hiệu cờ thống nhất, tất cả các tầng lớp, các giai cấp, các đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo có tinh thần chống Pháp - Nhật, thành thật muốn độc lập cho đất nước, thành một mặt trận cho cách mạng chung.
Sau Hội nghị Trung ương lần thứ Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết một bức thư Kính cáo đồng bào, khẳng định trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy, kêu gọi các bậc phụ huynh, các hiền nhân chí sĩ, các bạn sĩ, nông, công, thương, binh, thanh niên, phụ nữ, công chức, tiểu thương, nghĩa là tất cả ai là người Việt Nam, phải đoàn kết lại, đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng.
Để tất cả các lực lượng được tập hợp và tạo thành một sức mạnh to lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiệu triệu hết sức thống thiết, đánh thức tinh thần yêu nước nồng nàn của cả dân tộc. Người đề nghị "cái mặt trận hiệu triệu của Đảng ta hiện nay không thể gọi như trước là Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương, mà phải đổi ra cái tên khác có tính chất dân tộc hơn, cho có một mãnh lực dễ hiệu triệu hơn". Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, hay nói tắt là Việt Minh ra đời từ đó. Chương trình Việt Minh ghi rõ: "Việt Minh chủ trương liên hiệp hết các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể cách mạng, các dân tộc bị áp bức ở Đông Dương đặng đánh đổ chủ nghĩa đế quốc làm cho nước Việt Nam và cả xứ sở Đông Dương được hoàn toàn độc lập".
Việt Minh là một sáng tạo độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám. Nó không những có ý nghĩa tập hợp "đồng bào", mọi con Lạc cháu Hồng mà còn là một mặt trận rộng lớn, là một đoàn thể cứu quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng liên hệ và liên minh chặt chẽ với các lực lượng tiến bộ, phe Đồng minh chống phát-xít. Lấy làng, đường phố, nhà máy làm cơ sở tổ chức, Việt Minh hình thành một hệ thống tổ chức ngang, chú trọng hành động thực tế, thông qua việc liên hiệp các đoàn thể cứu quốc như Hội Nông dân Cứu quốc (thu nạp cả hạng phú nông, địa chủ muốn tranh đấu đuổi Pháp - Nhật), Hội Công nhân Cứu quốc (thu nạp cả những hạng cai ký, đốc công trong xưởng mà những công hội trước kia không hề tổ chức), Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc, Nhi đồng Cứu vong, Văn nhân Cứu quốc, Giáo viên Cứu quốc, Phụ lão Cứu quốc, Học sinh Cứu quốc. Trên tinh thần thành thật tự nguyện của đốc công, phú nông, địa chủ, Việt Minh sẵn sàng tổ chức các đoàn thể thích hợp với địa vị xã hội của họ như ủng hộ quỹ Việt Minh, Phú hào Cứu quốc hội...
Cách nhìn và tầm nhìn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh là đặt dân tộc quốc gia cao hơn hết thảy. Với một tinh thần thật sự, thật lòng chú trọng thực tế lợi ích của mọi tầng lớp nhân dân, Hội nghị Trung ương Tám (5-1941) chỉ rõ: "Ta phải chú ý rằng: Trong khi đi tổ chức một đoàn thể cứu quốc, điều cốt yếu là không phải những hội viên phải hiểu chủ nghĩa cộng sản, mà điều cốt yếu hơn hết là họ có tinh thần cứu quốc và muốn tranh đấu cứu quốc". Tinh thần lõi cốt của Việt Minh là khơi lòng yêu nước của mọi người dân nước Việt và chí căm thù đế quốc xâm lược để có một mặt trận dân tộc thống nhất thật sự đúng nghĩa ở Việt Nam. Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, từ khi Đảng ra đời cho đến Cách mạng Tháng Tám 1945 và cả các giai đoạn sau, Mặt trận Việt Minh là một mẫu mực sáng tạo về tổ chức lực lượng chính trị và thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc. Sáng tạo này bắt nguồn từ việc nhận thức Việt Nam là một nước thuộc địa. Mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với bọn đế quốc xâm lược và tay sai. Mâu thuẫn này chi phối các mâu thuẫn khác. Không giải quyết được mâu thuẫn này thì không thể giải quyết được mâu thuẫn giai cấp. Muốn giải quyết mâu thuẫn này thì phải thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì có đại đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được độc lập tự do.
Khi giờ quyết định vận mệnh dân tộc ta đã đến, với tinh thần toàn quốc, đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ rằng "không phải Nhật bại mà bỗng nhiên ta được giải phóng, tự do. Chúng ta vẫn phải ra sức phấn đấu. Chỉ có đoàn kết, phấn đấu, nước ta mới được độc lập". Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 là cuộc cách mạng nhân dân. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, đặt lợi ích của dân tộc cao hơn hết thảy, dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết đã quy tụ được sức mạnh của trí tuệ, bản lĩnh và lòng dân. Chính vì vậy, chỉ trong vòng hai tuần lễ, bằng bạo lực chính trị là chủ yếu, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành thắng lợi hoàn toàn. Một nước Việt Nam mới ra đời. Đó là thắng lợi của ý chí quật cường, không cam chịu mất nước, không cam chịu làm nô lệ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
PGS, TS BÙI ĐÌNH PHONG
..............................
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.7, Nxb CTQG, HN, 2000, tr.118.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, t.7, tr.119.